Liên đoàn Luật sư phản ứng vì bị 'xử ép'

10/08/2014 09:00 GMT+7

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN Lê Thúc Anh vừa ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung điều 38 Thông tư 28/2014/TT-BCA của bộ này vừa ban hành vào ngày 7.7.2014 (có hiệu lực ngày 25.8.2014).

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN Lê Thúc Anh vừa ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi nội dung điều 38 Thông tư 28/2014/TT-BCA của bộ này vừa ban hành vào ngày 7.7.2014 (có hiệu lực ngày 25.8.2014).

Luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa
Luật sư tham gia tranh tụng tại phiên tòa - Ảnh: Gia Khánh

Điều 38 Thông tư (TT) 28 của Bộ Công an quy định khi phát hiện thấy người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý (gọi tắt là người bào chữa - PV) có hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra như cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, ngăn cản việc khai báo, tiết lộ bí mật, cung cấp tài liệu sai sự thật, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác thì điều tra viên (ĐTV) tiến hành lập biên bản sự việc trên, có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ (khoản 1). Tùy theo mức độ vi phạm của người bào chữa, ĐTV báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng CQĐT ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật (khoản 2).

Quy định thiếu công bằng

Trong văn bản gửi Bộ Công an đề ngày 7.8, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LĐLS) VN cho biết sau khi TT 28 được ban hành, nhiều luật sư đã có văn bản gửi về LĐLS, cho rằng điều 38 quy định về trách nhiệm của ĐTV trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa là chưa phù hợp quy định pháp luật, thiếu sự bình đẳng, có khả năng dẫn đến lạm quyền trong quá trình xử lý vi phạm đối với người bào chữa của ĐTV. Tại cuộc họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vào ngày 1.8.2014, LĐLS VN đã có ý kiến về vấn đề này. Ngày 7.8, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) cũng đã đến trụ sở LĐLS VN để ghi nhận ý kiến. Căn cứ tại buổi làm việc ngày 7.8, LĐLS VN đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét hủy bỏ hoặc sửa đổi điều 38 TT28.

Theo LĐLS VN, thứ nhất, nội dung của điều 38 có nhiều điểm mở rộng giới hạn phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của ĐTV so với các quy định trong bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, luật Luật sư và các văn bản dưới luật. Điều này dẫn đến nguy cơ áp dụng tùy thuộc vào nhận định chủ quan của ĐTV, ảnh hưởng trực tiếp đến địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của người bào chữa. Việc xác định dấu hiệu và căn cứ cho rằng người bào chữa có hành vi ngăn cản việc khai báo, khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác… không được định lượng một cách rõ ràng, tùy thuộc hoàn toàn vào nhận định, suy diễn chủ quan của ĐTV.

Thứ hai, quy định về trách nhiệm của ĐTV trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa thể hiện sự không bình đẳng trong quan hệ tố tụng giữa ĐTV và người bào chữa. Cụ thể, khi phát hiện người bào chữa có hành vi cụ thể vi phạm nghĩa vụ hoặc hoạt động hành nghề theo quy định tại điều 58 BLTTHS, điều 6 Nghị định số 110/2013/CP-NĐ, ĐTV chỉ có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người bào chữa cũng có quyền phát hiện, báo cáo và kiến nghị xử lý đối với các ĐTV có hành vi cản trở quyền hành nghề hợp pháp của người bào chữa, vi phạm nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Thứ ba, theo quy định tại điều 3 và điều 10 BLTTHS, mọi hoạt động tố tụng hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải được tiến hành theo quy định của bộ luật này. Nội dung điều 38 TT 28 cho phép ĐTV “có thể ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ” là không phù hợp với các quy định nói trên của pháp luật.

Mặt khác, quy định nói trên cũng không đảm bảo sự công bằng trong hoạt động nghề nghiệp. Vì theo quy chế của các nhà tạm giữ, trại tạm giam của Bộ Công an quản lý đều có những quy định nghiêm cấm người bào chữa không được mang, sử dụng điện thoại, máy chụp ảnh, máy tính, thiết bị ghi âm… trong khi vào làm việc hoặc tham dự hỏi cung. Trong khi đó, điều 38 cho phép ĐTV “ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành các biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra của họ” tạo lợi thế cho ĐTV trong hoạt động tố tụng so với người bào chữa. “Người bào chữa thực hiện chức năng bào chữa trong tố tụng hình sự nhằm bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự. Việc hạn chế quyền hành nghề hợp pháp của người bào chữa là gián tiếp hạn chế quyền được bào chữa của công dân đã được Hiến pháp quy định”, công văn của LĐLS VN nhấn mạnh.

Hoàng Tuấn

>> Phát huy vai trò luật sư trong phát hiện oan sai 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.