Khi những nạn nhân của chiếc Yak 40 vẫn chưa được tìm thấy thì trực thăng Mi8 do cơ trưởng Nguyễn Quang Vinh chở lực lượng cứu nạn đang trên đường bay vào Ô Kha để đưa bà Annette trở ra cũng mãi mãi nằm lại đây. Bảy người có mặt trên chiếc Mi8 hôm 22.11.1992 đã tử nạn.
Tổ cứu nạn đi trực thăng ra hiện trường cứu nạn. Thiếu tá Nguyễn Quang Vinh đứng giữa - Ảnh: Tư liệu |
Lá thư cuối cùng cho vợ
Em yêu dấu!
Bọn anh ra tới Phan Rang an toàn và đúng kế hoạch. Ngoài này đang tập luyện nên mình phải trực suốt em ạ.
Nhớ em nhiều lắm. Cứ tính từng ngày từng giờ để được vào với em. Anh ra đi vào lúc bao nhiêu công việc bộn bề. Thương em phải gánh vác lo toan thay anh nhưng anh rất tin là mọi việc sẽ đâu vào đấy cả bởi em là cô gái can đảm, thông minh và yêu anh. Mong em đừng quá lo lắng mà ảnh hưởng tới sức khỏe, cố gắng ăn ngủ tốt nhé.
Mẹ vào chắc thấy nhà cửa vậy phấn khởi lắm phải không em? Sức khỏe mẹ thế nào? Mẹ có nóng lòng về quê không? Hai chị em Huê - Dũng công việc vẫn ổn thỏa cả chứ? Bao nhiêu việc mong về em để đêm nào anh cũng mơ thấy em và đứa con đang lớn dần của chúng ta. Ôi, anh mong được về bên em quá thôi. Mấy lần ra mở máy rồi mà quân chủng lại không cho về mà ngày mai phải lên Nha Trang thay cho 831 đã hết giờ. Khả năng phải hết tuần mới về được em yêu ạ. Cố gắng giữ sức khỏe nhé em.
Dành tất cả tình thương yêu cho em và con.
Anh: NQVinh
Đây là lá thư cuối cùng mà thiếu tá Nguyễn Quang Vinh viết cho vợ là Nguyễn Thị Lan trước thời điểm chiếc máy bay gặp nạn mấy ngày, trong lúc tìm kiếm máy bay Yak 40 rơi ở đỉnh Ô Kha (Khánh Sơn, Khánh Hòa).
Thiếu tá Vinh hy sinh ở tuổi 32, còn chị Lan khi đó vừa bước qua tuổi 26. Hai người lấy nhau được hơn 3 năm. Khi thiếu tá Vinh điều khiển chiếc trực thăng bay vào vùng núi Ô Kha, chị Lan đang mang bầu đứa con đầu lòng hơn 4 tháng. Bé Nguyễn Song Bảo Anh ra đời mà không được thấy mặt ba.
“Tập làm quen không nhớ anh”
Chị Lan kể, thời điểm đó thiếu tá Vinh đang trực chiến ở Phan Rang. Thông thường mỗi lần công tác kéo dài 2 tuần. Trong khi trực, anh Vinh vẫn có thói quen như thời đang yêu là viết thư về cho vợ rồi gửi tổ bay về đơn vị để vợ vào nhận.
“Ngày đó đang rộ lên phim Người giàu cũng khóc. Hai vợ chồng mê lắm. Bữa nào không trực anh Vinh thường lấy xe đạp chở tôi đi xem. Ra đi anh dặn xem được tập nào về ghi ra giấy để anh về đọc cho anh nghe”, chị Lan nhớ lại.
Ngày 14.11.1992, thông tin chiếc máy bay Yak 40 gặp nạn lan truyền. Chị Lan nghe tin như ngồi trên lửa, đạp xe vào đơn vị hỏi nhưng ai cũng lắc đầu bảo không phải. Về nhà, cô vợ trẻ mang bầu 4 tháng thiếu thốn trăm bề, viết vào nhật ký những dòng chữ giận dỗi: “Cả nhà rất nhớ anh nhưng em tập làm quen không nhớ anh”. Viết mà nước mắt cứ chảy ròng vì tủi thân.
Chị Lan kể tiếp, sáng 22.11.1992, chị đang ngồi với người bạn cũng có chồng là phi công. Khi câu chuyện đang nói về những người chồng thì nghe tiếng máy bay vụt qua nhà. Tưởng chồng về, chị nhanh chóng vào bếp múc cơm và thức ăn bỏ vô cặp lồng rồi mang vào đơn vị cho chồng. Nhưng mọi người trong đơn vị bảo “còn lâu anh Vinh mới về”.
“Lúc đó, mọi người đã biết máy bay anh Vinh bị tai nạn, chiếc máy bay vừa bay qua nhà là đang ra Nha Trang tiếp ứng tìm kiếm máy bay bị rơi. Nhưng lúc đó không ai nói với tôi cả, vì tôi đang mang bầu bé Bảo Anh. Mà lúc đó nói tôi cũng không tin. Anh Vinh bay giỏi lắm. Anh có hơn 2.000 giờ bay. Thời ở Campuchia, anh luôn được lựa chọn để chở các nguyên thủ”, chị Lan nói.
Nhưng rồi sự thật vẫn là sự thật dù rất đau lòng. Chiếc trực thăng do thiếu tá Vinh làm cơ trưởng đã bị nạn khi trên đường bay tới Ô Kha để chở bà Annette... về sở chỉ huy chữa trị. Trên chiếc trực thăng lúc đó, ngoài thiếu tá Vinh, còn có 3 người thuộc tổ lái, 3 bác sĩ và y tá.
Hay tin chồng mất, chị Lan ngồi như người ngớ ngẩn. Chưa bao giờ chị trải qua cảm giác đau buồn như vậy. Muốn khóc cũng không khóc được. Nhắm mắt lại là mơ thấy chồng về. Càng nghĩ càng thương đứa con đang lớn dần trong bụng thiệt thòi khi sinh ra không biết mặt ba.
Mơ được ba chở đi công viên
Nỗi đau rồi cũng dần vơi, nhưng khó khăn nhất khi chồng vốn là người trụ cột nay không còn nữa. Sau biến cố, chị Lan vào làm việc ở công ty suất ăn hàng không. Những ngày sau đó, một mình chị vừa làm vừa tranh thủ đi học thêm đại học kinh tế và luật.
Cuộc sống của hai mẹ con cũng dần ổn định. Cháu Bảo Anh càng lớn càng ngoan và học giỏi, nhưng không lúc nào nguôi ngoai nhớ về ba, dù chưa một lần gặp mặt. Chị Lan kể, khi Bảo Anh mới 3 tuổi, một lần đến đón con, các cô giáo ngần ngừ rồi buột miệng: “Chồng chị mất rồi chị lấy thêm người chồng sau cũng tên Vinh à?”. Chị Lan hỏi rõ sự tình thì các cô kể: “Ở lớp Bảo Anh thường nói tối ngủ với ba Vinh, rồi cuối tuần được ba Vinh chở đi công viên chơi. Bọn em cũng ngạc nhiên, lên phòng giáo vụ kiểm tra hồ sơ thì thấy ghi ba là liệt sĩ”. Nghe các cô kể xong, chị Lan chỉ biết khóc. Thì ra, dù chưa bao giờ gặp ba nhưng Bảo Anh hay sang nhà hàng xóm, thấy cha con người hàng xóm chơi với nhau thì tưởng tượng mình cũng được ba yêu thương như vậy. Thậm chí, có nhiều đêm đang ngủ Bảo Anh cũng mơ thấy ba về đưa mình đi chơi.
Hơn 22 năm trôi qua, chị Lan vẫn ở vậy nuôi con, dù sau khi chồng mất rất nhiều người muốn đến với chị. Bởi người nào dù có tốt, có thương chị đến đâu vẫn không làm vơi đi nỗi nhớ chồng, mà trái lại nỗi nhớ càng đong đầy. Nguồn động viên của chị bây giờ là cô con gái rất ngoan, biết vâng lời và học rất giỏi. Bảo Anh đậu á khoa khối D của Đại học Ngoại thương và hiện đang là sinh viên năm thứ 4.
Giao lưu trực tuyến với Annette Herfkens Annette Herfkens, nữ công dân Hà Lan, là người duy nhất sống sót trong tai nạn máy bay Yak 40 chở 31 người rơi tại Ô Kha (Khánh Hòa) ngày 14.11.1992. Hơn 20 năm sau, bà trở lại VN để ra mắt cuốn sách 192 Hours - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh (nguyên tác Turbulence: A Survival Story) và cùng vợ các phi công tử nạn thăm lại núi Ô Kha. Ngay sau chuyến trở lại Ô Kha, từ Nha Trang, bà Annette sẽ dành cho độc giả Thanh Niên Online một cuộc giao lưu trực tuyến trong 2 tiếng, bắt đầu từ 9 giờ sáng 15.8. Trong buổi giao lưu, bà sẽ chia sẻ những kinh nghiệm vượt qua những nỗi đau mất mát và sống quãng đời còn lại sao cho ý nghĩa nhất. Tham gia buổi giao lưu còn có nhà báo An Điền, người dịch cuốn sách của bà Annette; bà Ngô Thị Phương Thảo, Giám đốc tiếp thị Công ty văn hóa sáng tạo First News Trí Việt - đơn vị thực hiện và giữ bản quyền ấn bản tiếng Việt cuốn sách trên. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi giao lưu với bà Annette Herfkens tại http://bit.do/thanhnienonline Thanh Niên Online |
(Còn tiếp)
Trung Hiếu
>> Về lại thung lũng tử thần - Kỳ 1: Tìm chồng trên đỉnh Ô Kha
Bình luận (0)