Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng lên tiếng về việc bị Đại học Tôn Đức Thắng kiện

15/08/2014 15:09 GMT+7

(TNO) Chuyện Trường đại học Tôn Đức Thắng kiện giáo sư Việt kiều Bỉ Nguyễn Đăng Hưng vi phạm hợp đồng, nhất là đòi lại quyền 'chủ quản' tạp chí khoa học Asian-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN) do ông Hưng làm tổng biên tập, đang được sự quan tâm từ đông đảo giới khoa học trong và ngoài nước.

(TNO) Chuyện Trường đại học Tôn Đức Thắng (gọi tắt là trường TĐT) kiện Giáo sư (GS) Việt kiều Bỉ Nguyễn Đăng Hưng vi phạm hợp đồng, nhất là đòi lại quyền "chủ quản" tạp chí khoa học Asian-Pacific Journal of Computational Engineering (APJCEN) do GS Hưng làm tổng biên tập, đang được sự quan tâm từ đông đảo giới khoa học trong và ngoài nước.


GS Nguyễn Đăng Hưng - Ảnh: Diệp Đức Minh

Từng hợp tác nồng thắm

Theo GS Hưng, thông qua một học trò của ông, PGS Nguyễn Xuân Hùng, từng lập một nhóm nghiên cứu về cơ học tính toán ở trường TĐT, ban giám hiệu TĐT mới biết đến ông.

Ngay sau đó, ban giám hiệu TĐT đã cử một hiệu phó gặp và đề nghị GS Hưng hợp tác với TĐT với vai trò cố vấn cao cấp, thời gian từ 1.7.2012 đến 1.7.2015.

Hợp đồng làm việc giữa GS Hưng và TĐT ký kết thể hiện GS Hưng sẽ là giáo sư cao cấp, cố vấn khoa học cho TĐT để đưa trường này trở thành đại học nghiên cứu, quy tụ nhân sĩ, trí thức nước ngoài về làm việc, liên lạc với đại học quốc tế để thực hiện các hợp tác quốc tế…

Đáng chú ý ở khoản 4 điều 1 hợp đồng này nêu rõ là "trong tương lai sẽ xây dựng một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh được quốc tế công nhận theo tiêu chuẩn ISI".

Lương mà TĐT trả cho GS Hưng cũng theo hình thức lương khoán công việc (15 triệu đồng/tháng).

GS Hưng cho biết trước khi ký hợp đồng cố vấn với TĐT, ông có ký hợp đồng với một trường đại học khác. Với TĐT, thấy điều khoản khá nhẹ nhàng và vừa sức nên ông đồng ý hợp tác.


Hợp đồng làm việc giữa Đại học Tôn Đức Thắng và GS Hưng - Ảnh: Trung Hiếu

“Lúc này tôi đã nghỉ hưu ở bên Bỉ nên không vướng bận, có nhiều thời gian dành cho khoa học trong nước nhất là hỗ trợ các trường đại học. Tôi nói thẳng là mình làm không vì mục đích tiền bạc. 40 năm cày ở Bỉ là quá đủ rồi”, GS Hưng nói.

Việc hợp tác, thực chất là trường TĐT muốn dùng hình ảnh của GS Hưng để xây dựng thương hiệu của trường. Đó là những dịp trường TĐT có hội nghị, hội thảo cần có sự xuất hiện của GS Hưng, nói chuyện và trao đổi cho thêm phần trang trọng.

Còn công việc cụ thể, GS Hưng cho biết với vai trò cố vấn cao cấp, ông sẽ có trách nhiệm thảo những văn bản hợp tác liên quan đến khoa học, giáo dục quốc tế. Cụ thể trong thời gian đó, GS Hưng và nhóm của ông đã dày công soạn thảo cho TĐT nhiều văn bản đóng góp ý kiến, đơn cử như “Đề cương về tổ chức nhân sự củng cố việc giảng dạy nghiên cứu khoa học”, chi tiết về dự án “International master program in mechanics of constructinons”, dự án “Thạc sĩ quốc tế về mô hình tính toán các môi trường liên tục”…

Về việc trường TĐT kiện ông không thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả các nhiệm vụ được quy định tại hợp đồng, GS Hưng cho biết với vai trò là cố vấn cao cấp, ông chỉ có thể đề đạt sáng kiến, góp ý, cùng lắm là đôn đốc công việc, chứ không có trách nhiệm đứng ra thực hiện.

“Việc thực hiện chưa đến nơi đến chốn không phải vì thiếu nỗ lực tư vấn mà thiếu điều kiện thực hiện. Trường TĐT chưa có nền tảng nhân sự khoa học tối thiểu cần thiết cho việc triển khai. Nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải có thời gian và đào tạo con người khoa học không thể một sớm một chiều”, GS Hưng khẳng định.

GS Hưng bổ sung: “Với công việc mà tôi đang làm cho TĐT, trường trả lương 15 triệu đồng/tháng là quá rẻ. Trước đây có trường trả tôi 100 triệu đồng/tháng nhưng khi xem qua đề án tôi thấy nhiều điểm không hợp lý nên từ chối. Tôi hợp tác không vì tiền. Còn giá tư vấn của một giáo sư như tôi ở Bỉ những năm 1990 là 1.000 Euro/giờ”.

Tòa Singapore thụ lý?

“Gay cấn” nhất trong nội dung đơn kiện chính là việc TĐT cho rằng GS Hưng không hoàn thành trách nhiệm xây dựng cho trường một tạp chí khoa học bằng tiếng Anh trong khi trường đã đầu tư chi phí công sức để xúc tiến việc này.

Trong đơn kiện, TĐT còn cho rằng GS Hưng “đã có dấu hiệu gian dối khi tự ý thỏa thuận về việc Nhà xuất bản Springer và ban biên tập sẽ là các nhà sáng lập song hành của tạp chí, gạt bỏ đi vai trò sáng lập của TĐT. Ông Hưng còn chủ động thỏa thuận với Nhà xuất bản Springer rằng Springer là chủ của tạp chí”.

Lý giải về việc này, GS Hưng cho biết ý tưởng về việc lập một tờ báo khoa học chuyên ngành nghiêm túc được ông ấp ủ 20 năm nay nhưng chưa thực hiện được vì công việc ông quá bận rộn. Tuy nhiên, khi nghỉ hưu và hợp tác với TĐT ông nêu lên ý tưởng này và ban đầu được sự đồng tình của lãnh đạo TĐT.


 Bìa tạp chí APJCEN - Ảnh: Trung Hiếu chụp lại

Giữa năm 2012, GS Hưng tiến hành liên lạc với 80 nhà khoa học danh tiếng trên thế giới mà ông có mối quan hệ bày tỏ ý định xây dựng tạp chí. Thật bất ngờ có tới 60 người phản hồi đồng ý và tham gia vào ban biên tập tờ APJCEN. Ban biên tập đã đồng ý bầu chọn người khởi xướng là GS Nguyễn Đăng Hưng làm tổng biên tập.

GS Hưng cho biết việc có một ban biên tập đủ uy tín đã khó nhưng để duy trì tờ báo hoạt động càng khó hơn. Muốn tồn tại thì bắt buộc phải có sự hỗ trợ của một nhà xuất bản có uy tín. Các tạp chí khoa học danh tiếng cũng chọn cách làm này. Thế giới có ba nhà xuất bản danh tiếng mà các tạp chí mới mở muốn liên kết là Springer (Đức), Pergamon (Mỹ) và Elserves (Hà Lan).

GS Hưng đã liên lạc với nhà xuất bản Springer và hai bên đã đi tới thỏa thuận là Springer là “chủ quản” lo phần “xác” của tạp chí APJCEN và GS Hưng cùng ban biên tập lo cho phần “hồn”, tức là nội dung của tạp chí.

GS Hưng cho biết cái khó của việc thành lập một tạp chí khoa học tầm cỡ quốc tế là người có ý tưởng và sáng lập phải là một nhà khoa học có đủ uy tín để lôi kéo các nhà khoa học tham gia.

Về việc TĐT cho rằng ông Lê Văn Út (quyền trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ của TĐT) thúc đẩy thành lập tạp chí, GS Hưng cho biết thời điểm đó ông Út là trợ lý của GS Hưng nên chỉ giúp gửi tài liệu, liên lạc với nhà xuất bản sau khi GS Hưng đã dùng uy tín của mình kêu gọi các giáo sư chuyên ngành tham gia với tạp chí.

“Tôi đã viết hàng trăm thư điện tử và các nhà khoa học lừng danh trên thế giới đã phúc đáp tích cực lời mời của tôi tham gia ban biên tập. Ông Út là một tiến sĩ toán học chưa bao giờ có một công bố về ngành cơ học tính toán làm gì có khả năng tập hợp các nhà khoa học danh tiếng về ngành cơ học tính toán được? Ông Út nói ông chính là người thuyết phục Springer đồng ý hợp tác sao ông không kêu gọi Springer hợp tác với TĐT làm tờ báo khác đi sao cứ phải giành APJCEN”, GS Hưng nhấn mạnh.

Trong thư đồng ý hợp tác với tạp chí APJCEN, nhà xuất bản Springer lên tiếng ủng hộ bởi “GS Nguyễn Đăng Hưng là một nhà khoa học lừng danh, với tiếng tăm tốt trên lĩnh vực cơ học và tính toán cơ học. Với mối liên hệ và ảnh hưởng của ông, chúng tôi cho rằng ông sẽ giúp một cách quyết định cho việc quảng bá tờ báo. Chúng tôi chờ đợi là tờ báo sẽ phát triển nhanh chóng”.

Thế nhưng trong email (thư điện tử) của ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng TĐT, gửi cho GS Hưng lại cho rằng APJCEN “không phù hợp với đề án ban đầu và tạp chí này cần phải thuộc về trường TĐT”. Ông Danh đòi hỏi TĐT cần được coi là nhà sáng lập APJCEN và có quyền bổ nhiệm tổng biên tập ở đây là GS Hưng.

Trước tình hình này, GS Hưng đã gửi email cho ông Danh lý giải nội dung một tờ báo khoa học đúng nghĩa phải do các nhà khoa học đề xướng và của nhà khoa học. Ban biên tập tờ báo phải là những nhà khoa học có thâm niên, đủ khả năng đảm bảo chất lượng cho tờ báo. Tuy nhiên, cũng cần có một nhà xuất bản chuyên nghiệp để đứng ra quảng bá trên toàn cầu. Đó chính là lý do nhà sáng lập phải là ban biên tập và nhà xuất bản Springer.

Đồng thời GS Hưng còn viết thêm: “Tuy nhiên quyền lợi và uy tín của TĐT sẽ được đảm bảo vì APJCEN có tổng biên tập, phó tổng biên tập là người đến từ TĐT, có ban thư ký, có địa chỉ chính thức tại trường TĐT. Trên tinh thần và trước thế giới khoa học, APJCEN là xuất phát từ trước TĐT”.

Đồng thời bản thân GS Hưng còn đấu tranh để Springer đồng ý để logo của TĐT xuất hiện trên bìa tạp chí APJCEN miễn phí trong một năm. Ngoài ra, nếu muốn TĐT có thể xuất bản và quảng bá bản in của APJCEN sau khi thống nhất với Springer.

Theo GS Hưng với những quyền lợi này, ban đầu ông Lê Vinh Danh đã đồng ý. Tuy nhiên vào ngày 27.2.2014, ở thời điểm tờ báo ra số đầu tiên, ông Danh lại yêu cầu “TĐT phải là đơn vị sáng lập tạp chí và GS (GS Hưng - PV) là người được nhà trường bổ nhiệm làm tổng biên tập theo hợp đồng”.

GS Hưng cho biết: “TĐT phân công tôi là tổng biên tập qua văn bản nào và trên cơ sở gì? Hợp đồng tôi ký với TĐT chưa hề nhắc tới từ tổng biên tập”.

Trước sự bất đồng khó hòa giải, TĐT và GS Hưng đã đi đến thông nhất chấm dứt hợp đồng cố vấn cao cấp từ ngày 1.4.2014. Đồng thời, GS Hưng đã có email thông báo đến ban biên tập và nhà xuất bản Springer về việc “nghỉ chơi” với TĐT vì những đòi hỏi của lãnh đạo trường này.

Hiện GS Hưng cũng đang tiếp xúc luật sư để tham gia vụ kiện mà TĐT khởi xướng.

“Trong một thỏa thuận giữa ban biên tập và Springer, kiện tụng liên quan đến tờ báo sẽ được thụ lý ở tòa án Singapore”, GS Hưng nói.

Làm việc không lương

Tạp chí APJCEN là tạp chí chuyên ngành về cơ học tính toán, xuất bản online. APJCEN theo mô hình “Open Access”, tức là người viết và đăng bài phải trả tiền cho nhà xuất bản. Hiện phí để đăng một bài trên APJCEN là 1.000 Euro, không phân biệt dài ngắn. Thường số tiền này sẽ được các trường đại học trả hay các trường sẽ có khế ước hằng năm với Springer về việc đăng bài.

GS Hưng cho biết chọn cách người viết phải trả tiền, thay cho người đọc phải trả, là cách làm khá mới nhằm giúp các nước nghèo có điều kiện nghiên cứu khoa học khi đọc những bài nghiên cứu chuyên ngành mà không mất phí.

Tuy nhiên, ban biên tập đề ra quy trình kiểm soát chất lượng bài viết. Tức là khi bài gửi đến sẽ được gửi cho nhà khoa học nằm trong ban biên tập thẩm định, nếu đạt chất lượng gửi lên tổng biên tập duyệt và phải tuân thủ quy trình của Springer mới được đăng lên. Người thẩm định phải chịu trách nhiệm khi bài viết xuất bản.

“Vì chất lượng tạp chí, có những bài chúng tôi thẩm định mất 1 - 2 tháng trời”, GS Hưng nói.

GS Hưng cho biết thêm ban biên tập đã có những can thiệp để các nước kém phát triển, trong đó có Việt Nam đăng hay xem bài đều không mất phí. Điều này để giúp các nhà khoa học ở những nước này có điều kiện nghiên cứu khoa học.

Dự kiến mỗi năm APJCEN sẽ xuất bản 4 số online. Hiện tạp chí đã xuất bản số đầu tiên vào tháng 2.2014, gồm 12 bài. Tổng biên tập và ban biên tập sẽ làm việc không lương. Tuy nhiên, mỗi năm Springer sẽ cung cấp 2.000 Euro để ban biên tập quảng bá cho tạp chí.

Hiện tại ban biên tập APJCEN có 60 nhà khoa học, trong đó Việt Nam có 10 người gồm 4 nhà khoa học trong nước và 6 nhà khoa học Việt kiều.

TS Lê Văn Út (quyền Trưởng phòng Quản lý phát triển khoa học và công nghệ của trường TĐT): Vẫn bảo lưu nội dung trong đơn kiện

Những điểm mà trường TĐT kiện ông Hưng là những công việc theo hợp đồng mà ông Hưng phải thực hiện. Đó là những cái ông ấy nói thôi còn tôi chính là người viết đề án và làm việc với nhà xuất bản. Tất nhiên ông Hưng là người tập hợp ban biên tập.

Tuy nhiên nếu trường TĐT không có hợp đồng, không có đầu tư, không có bố trí người, nhân sự này kia thì đâu có thể ra được tạp chí. Trường trả lương cho ông Hưng để thực hiện những việc đó mà. Trường cũng có bản đánh giá công việc của ông Hưng. Việc ông Hưng phát biểu thì cứ phát biểu thôi.

Liên quan tạp chí, đó cũng là công việc mà ông Hưng hợp đồng với trường. Tất nhiên sau khi hợp đồng phải có đề án mới ra tên tạp chí chứ ban đầu chưa có tên sao ghi vào được.

Trường TĐT vẫn bảo lưu những nội dung sẽ kiện ông Hưng như trong đơn kiện.

* TS Lê Chí Hiếu (hiện đang giảng dạy tại ĐH Greenwich, Vương quốc Anh, thành viên ban biên tập Tạp chí APJCEN): Ban biên tập ủng hộ GS Hưng

Việc TĐT kiện GS Hưng còn tùy thuộc vào hợp đồng giữa GS Hưng với trường TĐT. Tuy nhiên vụ kiện cũng xuất phát từ cá nhân.

Trước khi xảy ra sự việc, bên trường TĐT có gửi email cho các thành viên ban biên tập liên quan đến vấn đề cá nhân không hay. Đầu tiên là một lá thư của hiệu trưởng trường TĐT gửi ban biên tập nghi ngờ về bằng cấp của GS Hưng. Điều này làm dấy lên một loạt vấn đề không hay.

Sự việc này không ảnh hưởng gì đến tạp chí bởi tầm ảnh hưởng của nhà xuất bản rất lớn. Ngoài ra hợp đồng giữa ban biên tạp và tạp chí thường là hợp đồng thiện nguyện. Ở đây ban biên tập không có quyền lợi hay tiền bạc gì mà mục đích chính là phục vụ khoa học.

Nhưng cần phải khẳng định sự việc trên ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín khoa học Việt Nam. Các giáo sư nước ngoài khi gửi thư cũng ngạc nhiên vì có sự xung đột thế này.

Việc lập ra tạp chí rất dễ nhưng vấn đề phải lôi kéo một ban biên tập uy tín và có ai đăng tải công trình khoa học trên tạp chí hay không. Cho nên vai trò của tổng biên tập rất quan trọng.

Cả ban biên tập đều ủng hộ GS Hưng. Trong lĩnh vực cơ học tính toán thế giới, GS Hưng là người rất có tiếng nói. Chỉ cần nhìn việc GS Hưng đào tạo những học trò giỏi cho thấy vai trò của GS như thế nào.

Ngoài ra uy tín của GS Hưng rất tốt trong giới khoa học. Cho nên khi GS Hưng mời tham gia hội đồng ban biên tập, nhiều người đều ủng hộ. Chứ người bình thường không thể làm được điều đó.

Ngoài ra Trường đại học Liège (Bỉ) nơi GS Hưng từng công tác có uy tín rất lớn đối với giới khoa học châu u, Mỹ.

PV Thanh Niên Online đã liên hệ với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng TĐT, nhưng số điện thoại ông Danh không liên lạc được.

Trung Hiếu

>> Đại học Tôn Đức Thắng mở cơ sở tại TP Nha Trang
>> Kiến nghị ban hành luật Khu kinh tế
>> Gian lận xét nghiệm ở BVĐK Hoài Đức: Tạo điều kiện cho bệnh nhân khám lại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.