Tự tạo cơ hội - Kỳ 47: 'Kỹ sư làng' chế hàng loạt máy

16/08/2014 02:10 GMT+7

Chỉ học tới lớp 9 nhưng với niềm đam mê sáng tạo, một nông dân đã chế tạo thành công hàng loạt máy móc giúp ích nông dân trong công việc đồng áng.

Chỉ học tới lớp 9 nhưng với niềm đam mê sáng tạo, một nông dân đã chế tạo thành công hàng loạt máy móc giúp ích nông dân trong công việc đồng áng.

 Ông Dũng đang điều khiển máy đánh rãnh
Ông Dũng đang điều khiển máy đánh rãnh - Ảnh: T.D

Dù sống ở cù lao cách trở đò ngang, nhưng ông Nguyễn Văn Dũng (53 tuổi, ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Thủy, H.Châu Phú, An Giang) rất nổi tiếng và được người dân địa phương yêu mến gọi là “kỹ sư làng”. Ông Dũng đã cải tiến, chế nhiều máy như máy đánh rãnh, máy bón phân, phun thuốc, chặt cây đậu bắp, sạ mè đen...

Lội ra đồng, chúng tôi gặp ông Dũng đang điều khiển chiếc máy đánh rãnh thoát nước chạy ào ào trên đất rẫy. Máy chạy tới đâu, đất bị đánh lõm sâu thành hàng dài đều tăm tắp tới đó. Ông Dũng cho biết chiếc máy này trị giá 25 triệu đồng, được nhiều nhà nông đặt hàng vì sự tiện lợi của nó. “Trước đây nông dân dùng phương pháp thủ công đánh rãnh nên phải thuê nhiều lao động, trong khi lao động trẻ lên thành phố tìm việc làm ngày càng nhiều nên thuê nhân công rất khó. Thấy vậy, mày mò thiết kế, mua vật liệu về lắp ráp, làm ra loại máy đánh rãnh. Lúc nó hoàn thiện, tôi đem ra đồng chạy thử, bà con xem thích lắm. Chỉ cần 1 người điều khiển máy là có thể đánh rãnh xong 1 - 2 ha đất/ngày, trong khi nếu làm thủ công phải thuê 20 - 50 người mà làm giỏi lắm chỉ được vài công đất”, ông Dũng hào hứng kể.

Không lâu sau, vùng đất cồn chuyển sang trồng mè đen. Ông Dũng cũng trồng mè và nhận thấy hạt mè bé tẹo nên mỗi lần xuống giống bằng cách sạ rất khó, gió thổi bạt hạt mè đi, hao hụt lớn. Thế là ông lại nghiên cứu chế tạo thành công máy sạ mè, bán ra thị trường 3 triệu đồng máy. Năm 2011, ông tiếp tục chế thành công máy cắt đậu bắp và máy bón phân. Với máy bón phân, thay vì 3 - 4 nhân công nay chỉ cần 1 người/ha/ngày và giảm 20% hao hụt lượng phân. Còn với máy cắt đậu bắp, ông chế giàn máy có lưỡi cưa phía trước có nhiệm vụ cắt các thân đậu ngã rạp về một phía. Khi chưa có máy, muốn cắt 1 ha đậu bắp, nhà nông phải thuê 10 lao động với tổng tiền công 700.000/ngày. Với chiếc máy này, nông dân chỉ cần thuê 1 nhân công điều khiển máy có thể cắt xong 2 ha đậu bắp/ngày…

Chưa hết, ông "kỹ sư làng" còn tiếp tục nghiên cứu chế máy bắt rầy xanh. "Về cơ bản đã hoàn thành xong các bước cần thiết, khi nào cây đậu bắp được trồng với số lượng lớn tôi sẽ đưa ra thị trường máy bắt rầy xanh”, ông nói. Ngoài ra, ông Dũng còn một sáng chế rất hữu ích khác là chiếc máy xịt nước di động được cải tiến từ máy bơm cũ. Nếu lúc trước nông dân phun thuốc trừ sâu hay phun nước phải đeo máy lên vai thì nay với máy phun cải tiến họ chỉ điều khiển cho máy chạy theo bờ ruộng phun xịt. Máy có thể phun xa 8 m, giúp người điều khiển giảm độc hại do hít phải thuốc trừ sâu. Theo ông Dũng, máy phun xịt này còn có khả năng chữa cháy ở các khu dân cư hay trong hẻm nhỏ.

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, các loại máy của ông Dũng chế tạo đã giúp ích nhiều trong việc giảm sức lao động, thời gian và chi phí cho nông dân.  

Thanh Dũng

>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 46: ‘Bắt’ hoa nở trên đất nhiễm phèn
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 42: Thay đổi trước khi 'lực bất tòng tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.