Dọn dẹp sư tử lạ

18/08/2014 09:10 GMT+7

Bộ VH-TT-DL vừa ra văn bản về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN. Tuy nhiên, văn bản này đang đối mặt nguy cơ thành văn bản treo.

Bộ VH-TT-DL vừa ra văn bản về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN. Tuy nhiên, văn bản này đang đối mặt nguy cơ thành văn bản treo.

Dọn dẹp sư tử lạ 1
Sư tử lạ xuất hiện ở nhiều công trình trong nước - Ảnh: Ngọc Thắng

Khó đuổi ?

Không phải ngẫu nhiên nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế lại chọn đề tài nghiên cứu về hình tượng sư tử trong mỹ thuật Đại Việt. Nghiên cứu được đặt trên nền thực tế là những tượng sư tử kiểu Trung Quốc (TQ) trải dài từ bắc vào nam, từ đình đến chùa, từ doanh nghiệp đến công sở... Trong nghiên cứu ấy, ông Thế nhìn thấy hiện tượng tràn lan của phong cách tạo hình sư tử phi truyền thống này. “Hiện tượng sư tử kiểu TQ cho thấy sự suy yếu của vị thế văn hóa VN trong các cuộc đối thoại văn hóa quốc tế. Toàn cầu hóa không có nghĩa là Tây phương hóa và lại càng không là Hán hóa”, ông Thế nhận định.

Bộ VH-TT-DL cũng vừa ra Văn bản 2662 về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN. “Cuối cùng thì cũng đã có một văn bản cảnh báo về vấn đề này. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó hơi khó khả thi”, một chuyên gia mỹ thuật nói.

Chuyên gia này đặt vấn đề nghi ngại vì văn bản đã không thể hiện tinh thần “cương quyết nói không” mà chỉ dừng lại ở đề nghị, khuyến cáo không trưng bày, không sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN. Có nghĩa là không có tính bắt buộc thực hiện. Cũng trên tinh thần khuyến cáo này, văn bản cũng chỉ đề nghị vận động tháo dỡ các biểu tượng không phù hợp. Thêm vào đó, cũng không quy định rõ thời hạn yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát hiện trạng và báo cáo kết quả, đề xuất việc xử lý.

Về điều này Cục trưởng Cục Mỹ thuật, ông Vi Kiến Thành cho biết: “Văn bản phải viết cho dung hòa vì chúng ta không đưa ra quan niệm tẩy chay văn hóa nước ngoài. Chỉ có không phù hợp với thuần phong mỹ tục thì mình phải xem xét thôi. Mình đang hội nhập nên phải dung hòa”.

Ông Phan Đình Tân, Chánh văn phòng Bộ VH-TT-DL cho biết, Bộ sẽ có đoàn thanh tra đi rà soát hiện trạng tại các di tích, các địa phương ngay trong tuần này. Việc rà soát này, theo ông Vi Kiến Thành, sẽ đưa được hiện vật lạ, trong đó có sư tử lạ ra khỏi di tích. “Vấn đề ở đây là với hiện vật trong khu di tích thì đủ luật để làm ngay. Còn các cơ quan công sở phải tuyên truyền vận động. Vả lại, văn hóa phải mềm mại chứ không thể là chiến dịch bắt bớ được. Nhưng chắc chắn nó khiến ai đang có ý định mua về thì phải nghe ngóng”. Ông Thành cũng cho biết, hiện vật lạ không chỉ có sư tử lạ mà còn có những hiện vật mà “không biết gọi là con gì, kiểu gì”. Điều này rất gần với bộ hiện vật áo giáp - ngựa - roi sắt tại đền Phù Đổng mới được cung tiến gần đây.

Dọn dẹp sư tử lạ 2
Nghê ở cửa Hiển Nhân, Huế - Ảnh: Thế Trần

Dọn dẹp sư tử lạ 3
Sư tử đá chùa Bà Tấm, Bắc Ninh - Ảnh: Nam Nguyễn

Dọn dẹp sư tử lạ 4
Sấu đá trên thành bậc kiến trúc thời Lý - Ảnh: Nam Nguyễn

“Sư tử canh mộ sao lại đưa vào di tích của ta”

 

Hiện tượng sư tử kiểu TQ cho thấy sự suy yếu của vị thế văn hóa VN trong các cuộc đối thoại văn hóa quốc tế. Toàn cầu hóa không có nghĩa là Tây phương hóa và lại càng không là Hán hóa

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế

Tuy nhiên, một nhà quản lý văn hóa cũng là nhà nghiên cứu - TS Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai lại không cùng quan điểm với ông Thành. Ông Sơn cho rằng, vấn đề hội nhập văn hóa nên được hiểu cho đúng. Chẳng hạn, nếu nét văn hóa ngoại lai thì phải hay mới theo chứ nếu sư tử canh mộ thì sao lại đưa vào di tích của ta. “Hội nhập nhưng di tích phải mang giá trị cổ. Nơi thờ cúng nhà mình, đưa ông Tây vào thờ rồi bảo là hội nhập sao được. Thử nhìn sang Angkor xem, nếu đưa sư tử lạ vào có mà bị đập ngay”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, đầu tiên là nên xem xét cơ sở khoa học của việc đưa vào hay đưa ra các hiện vật lạ trong di tích. “Nếu có cơ sở khoa học thì nghiêm cấm dứt điểm đi. Như nghiêm cấm không đốt đèn lồng TQ ở VN ấy. Tôi là người Việt sao lại treo đèn lồng kiểu TQ”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, cái nguy hại nằm ở chỗ chính người cung tiến lẫn người nhận cũng không hiểu về văn hóa, cứ thấy hay hay thì cúng đem vào. “Chúng ta phải xem lại từ văn bản luật Di sản, siết thật chặt từ khâu đưa hiện vật vào”, ông Sơn lưu ý.

Việc siết chặt này theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Bởi đằng sau những hiện vật, linh vật lạ là những người cung tiến. Mà những người cung tiến này, theo PGS-TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật, chủ yếu là phu nhân của quan chức. “Các quan chức cần gương mẫu mới mong dẹp được hiện vật lạ”, ông nói.

Dùng linh vật Việt

Bên cạnh yêu cầu siết chặt không cho hiện vật lạ xuất hiện tại không gian công cộng, không gian di tích, một việc cần là lấp đầy chỗ trống nhu cầu biểu tượng này. “Chúng tôi đang tiến hành sưu tập, tiến tới gợi ý và giới thiệu một số mẫu linh vật để mọi người tham khảo, sử dụng. Việc này sẽ được thực hiện trên kênh thông tin của tạp chí mỹ thuật, báo văn hóa”, ông Thành nói.

Việc sưu tập này hiện đang được đặt hàng một số nhà nghiên cứu. Trong số này có nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình. Theo ông Bình, ở vị trí canh gác cửa (vị trí mà sư tử “lạ”thường được đặt), chúng ta có thể đặt các con nghê. Một nhà nghiên cứu khác là Trần Hậu Yên Thế cũng đang sưu tập các mẫu nghê có thể đưa ra cho công chúng tham khảo.

“Khi con nghê đã được định hình trong văn hóa VN, nó được lấy thêm nhiều đặc điểm của các linh vật khác như hổ, sư tử, rồng, lân… thậm chí là khỉ, tương ứng với những dáng, thế khác nhau tùy thuộc vào vai trò và vị trí của mỗi biểu tượng. Tuy nhiên, đặc tính của con vật “canh cửa” vẫn là một đặc điểm nổi trội nhất của con nghê”, TS Đinh Hồng Hải - Viện Nghiên cứu văn hóa, nói. Ông Hải cũng đồng tình với việc đưa con nghê Việt vào thay thế chỗ của linh vật ngoại lai.

Một ý kiến khác cho rằng có thể dùng linh vật sấu đá thời Lý (thường được bố trí ở lối lên xuống, trước cổng chùa hoặc một số công trình kiến trúc thời Lý) thay thế cho sư tử lạ. Trong khi đó PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ lại đề cử sư tử đá chùa Bà Tấm (Bắc Ninh). “Đây là một sư tử có tạo hình rất đẹp, lại biểu trưng cho trí tuệ”, ông Tín nói.

Trinh Nguyễn

>> Sét đánh vỡ đầu tượng sư tử biển của Singapore
>> Khuyến cáo không sử dụng sư tử “lạ”
>> Sư tử “lạ” ở chùa Một Cột 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.