|
Đó là anh Ngô Kim Lai (23 tuổi, ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa, Phú Yên).
Cái duyên mà Lai đến với dược liệu đông trùng hạ thảo là vì tính tò mò và thích làm việc khó mà ít ai làm. “Lúc đó, tôi đang học năm thứ 2 đại học. Trong quá trình làm tiểu luận, tôi nghe loáng thoáng cụm từ “đông trùng hạ thảo” khá mới lạ nên đã kích thích trí tò mò. Lên mạng tìm hiểu biết được đó là loại nấm mọc ký sinh trên côn trùng, nhưng có giá trị rất cao. Tôi nghĩ, đã là nấm thì sao không trồng được nên đã bắt tay vào nghiên cứu”, Lai tâm sự.
|
Hành trình để Lai có chất liệu nghiên cứu là cả một quá trình gian nan. Lai thổ lộ: “Ban đầu thật sự khó lắm. Muốn sửa xe thì phải có xe để nghiên cứu, còn muốn nghiên cứu đông trùng hạ thảo thì phải có nó để mình nghiên cứu. Tôi tìm hiểu, đi mua nhưng ở VN tìm chẳng ra, vì loại này xuất phát từ Hàn Quốc, Nhật Bản…”. Qua cộng đồng mạng, Lai nhờ những người bạn mua giúp giống đông trùng hạ thảo, nhưng cũng mất đến 6 lần gửi tiền mới có được giống. Anh dùng căn phòng trọ 4 m2 làm “phòng thí nghiệm”, tự chế tạo trang thiết bị phục vụ nghiên cứu. “Lần thứ 6 thì tôi mua được giống ở Nhật, nhưng nuôi cấy thất bại nên phải gửi tiền nhờ người bạn bên đó mua giúp lần nữa. Và đợt giống này, tôi đã nuôi cấy thành công, dù hình dáng bên ngoài của đông trùng hạ thảo còn xấu xí, chưa bắt mắt”.
Sau đó, Lai đầu tư công sức ròng rã suốt hơn 1 năm trời vừa làm, vừa hoàn thiện sản phẩm. Nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, cũng phải nói đến sự trợ giúp của anh Lê Thanh Hiền, một phụ huynh mà Lai đã làm gia sư cho con của họ. Anh Hiền là người đầu tư vốn liếng cho Lai nghiên cứu, nhân rộng phát triển thành sản phẩm chính thức đưa ra thị trường tiêu thụ. Lai cho biết, 1 kg đông trùng hạ thảo tươi mà Công ty Nấm Ta do anh làm phó giám đốc, có giá 100 triệu đồng, còn 1 kg khô giá 150 triệu đồng. Trong khi đó, 1 kg đông trùng hạ thảo có nguồn gốc từ Tây Tạng (Trung Quốc) là 1,8 tỉ đồng. “Chất lượng đông trùng hạ thảo căn cứ vào hoạt chất cordycepin. Sản phẩm đông trùng hạ thảo mà công ty của tôi sản xuất hoạt chất cordycepin là 3,43 mmg trong khi hoạt chất cordycepin có trong sản phẩm đông trùng hạ thảo Tây Tạng chỉ bằng 1/5 sản phẩm của công ty tôi. Hiện chúng tôi sử dụng 4 - 5 loại giống đông trùng hạ thảo”, anh Lai nói.
Theo anh Lai, Công ty Nấm Ta cũng tính đến chuyện liên kết, hỗ trợ người dân trồng loại dược liệu quý hiếm này. “Chỉ đầu tư 50 triệu đồng là có thể xây dựng nhà nuôi cấy loại dược liệu này. Chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật miễn phí, giống thì chúng tôi cung cấp với giá phải chăng” - Lai nói.
Đức Huy
Bình luận (0)