Muốn diệt sư tử lạ cũng như hiện vật ngoại lai không phù hợp, phải diệt dốt di sản trong chính chúng ta.
Ít ai ngờ một văn bản (Văn bản 2662/BVHTTDL-MTNATL) cảnh báo về sự xâm lăng của các yếu tố văn hóa ngoại lai không phù hợp lại không do Cục Di sản tham mưu cho Bộ VH-TT-DL ban hành.
Ở đó, Cục Mỹ thuật nhiếp ảnh triển lãm lên tiếng về những biểu tượng lạ đang lấn dần không gian văn hóa Việt. Trong nhiều cái lạ, dễ thấy, dễ gặp nhất chính là sư tử mang phong cách tạo hình Trung Hoa. Con vật này - theo PGS-TS Tống Trung Tín là linh vật canh mộ.
Cái “lạ” kiểu này lấn ta cả ở trong di tích. Lấn cả ở các không gian công cộng - nơi rất khó áp dụng luật Di sản. Và thường thì cái “lạ” đó luôn chọn những chỗ dễ thấy nhất, đậm tính chất không gian công cộng nhất để chễm chệ.
Nói về sự lấn lướt của văn hóa ngoại lai, chúng ta nhớ lại câu chuyện của văn hóa Đông Sơn. Năm nay chúng ta kỷ niệm 90 năm ngày tìm thấy văn hóa này - nền văn hóa vật chất của nước Văn Lang, u Lạc. Trong suốt cả ngàn năm Bắc thuộc, sức sống của nền văn hóa này vẫn sống. Khảo cổ học tìm thấy những sản phẩm gốm thô trang trí đặc trưng của văn hóa Đông Sơn lẫn với những lớp đồ gốm mang phong cách Hán. Những hoa văn đặc trưng của đồ đồng Đông Sơn cũng được tìm thấy trong các khu mộ Hán ở Thanh Hóa.
Thậm chí GS Hoàng Xuân Chinh còn cho rằng đấy chính là thể hiện sức sống văn hóa nội tại tiềm tàng. Nhờ đó, khi các nhà nước hình thành cùng thời với nước ta ở Hoa Nam đều lần lượt bị sáp nhập vĩnh viễn vào Trung Hoa, thì chúng ta vẫn liên tiếp khởi nghĩa, để rồi Ngô Quyền mở đầu thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài.
Nói như thế, để thấy câu chuyện di sản văn hóa chính là câu chuyện về sức mạnh nội tại. Dù thế nào cũng giữ những gì của mình cho không gian văn hóa của mình. Cái lạ, dù lạ và mới, cũng không thể thay thế cái cũ.
Nhưng tỉnh táo mà nói, một cách có hệ thống, những yếu tố mỹ thuật cổ đang được quản lý theo kiểu không được chuyên môn hóa cao. Hiện tại Cục Di sản đang trong tình trạng không có một chuyên gia mỹ thuật giỏi là người cơ hữu. Trong các đoàn thanh tra liên ngành tại di tích, người của cục này cũng không hề được mời dự bàn. Những hình rồng chạm tự dưng được vá đầu nghê, tượng thờ sau trùng tu bỗng có diện mạo khác hẳn là vì thế. Những việc sai này, nếu không có lãnh đạo thông qua, chắc chắn không thể thực hiện.
Chính vì thế, cuộc chống lại sự xâm lăng của văn hóa lạ tại các di tích, nơi công cộng đầu tiên phải được bắt đầu bằng việc hiểu chính những giá trị truyền thống của mình, văn hóa của mình. Việc đó chỉ có thể được thực hiện khi nhà quản lý hiểu nguyên lý then chốt ấy, rồi thể chế hóa bằng qua các văn bản pháp luật.
Câu chuyện diệt họa sư tử, do đó còn là câu chuyện diệt dốt về di sản, trong đó có di sản mỹ thuật của chính chúng ta.
TS Đinh Hồng Hải
(Viện Nghiên cứu văn hóa)
Bình luận (0)