Tập Cận Bình và 'nồi cơm' của quan chức Trung Quốc

19/08/2014 13:03 GMT+7

(TNO) Nhiều quan chức nhà nước Trung Quốc đã bỏ nhiệm khi “nồi cơm” nhà họ “bị đạp đổ” bởi chiến dịch thắt lưng buộc bụng và chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

(TNO) Nhiều quan chức nhà nước Trung Quốc đã bỏ  nhiệm khi “nồi cơm” nhà họ “bị đạp đổ” bởi chiến dịch thắt lưng buộc bụng và chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Tập Cận Bình và “nồi cơm” của quan chức Trung Quốc
 Pháo hoa mừng lễ trung thu ở quảng trường Thiên An Môn năm 2012 nay trở thành hình ảnh dĩ vãng dưới chính sách thắt lưng buộc bụng của Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: AFP

Theo báo Straits Times (Singapore), Trung Quốc hiện có khoảng 7,6 triệu cán bộ nhà nước. Lương chính thức của quan chức Trung Quốc chỉ ở mức “sáng ăn khoai”.

Ông Tào Lý, cán bộ ban thanh tra ở tỉnh Hắc Long Giang với 18 năm làm nhà nước, cho biết lương tháng của ông hiện là 3.200 nhân dân tệ (CNY), tương đương 11 triệu đồng. 

Bù lại, quan chức như ông Tào dễ dàng dùng xe công của cơ quan cho việc riêng. Thỉnh thoảng, ông cũng đi nghỉ mát ở nước ngoài dưới danh nghĩa tham dự các khóa huấn luyện.

Chưa hết, các câu lạc bộ, chỗ ăn chơi cũng dành cho quan chức như ông thẻ thành viên miễn phí với nhiều ưu đãi.

Nhưng, quan trọng hơn hết là các khoản quà cáp, biếu xén đuề huề mà mỗi dịp lễ lạt ông đều nhận được.

“Nồi cơm” bị đạp đổ

Hằng năm, vào thời điểm này, gia đình các quan chức Trung Quốc như ông Tào thường lu bu nhận bánh trung thu hoặc các loại thực phẩm khác dưới dạng quà biếu mừng lễ.

Người biếu có thể là cấp dưới, hoặc thường dân, doanh nghiệp muốn giữ “quan hệ” với quan chức nhà nước.

Nhưng từ hai năm trở lại đây, tập quán biếu xén quan chức nhà nước đã bị cấm, kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức và áp dụng hai chính sách thắt lưng buộc bụng và chống tham nhũng.

Các “đặc quyền” như xài chùa xe công, tiêu tiền doanh nghiệp... cũng bị cấm tiệt.

Chưa hết, viên chức nhà nước liên tục bị nhắc nhở phải “vì nhân dân phục vụ”.

“Công việc của chúng tôi ngày càng bận rộn, đòi hỏi ngày càng cao, trong khi bổng lộc bị cắt hết mà lương thì lại chẳng tăng”, ông Tào than thở.

Không khí càng thêm phần khốc liệt gần đây, khi cựu Ủy viên Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra tham nhũng, và Phó chủ tịch Quân Ủy Trung ương Từ Tài Hậu bị khai trừ đảng.

Kèm theo đó, từ tháng 7.2014, chính sách tiết kiệm chi tiêu công cũng bị thắt chặt, đặc biệt là việc cắt giảm chế độ xe công đối với quan chức, vốn là một tiêu chí thể hiện “đẳng cấp” của “người nhà nước”.

Cụ thể, quan chức dưới hàng thứ trưởng không còn được cấp xe hơi riêng, thay vào đó là khoản trợ cấp đi lại có mức từ 500 - 1.300 CNY (1,7 - 4,5 triệu đồng/tháng).

Nhiều quan chức được hỏi cho biết không chỉ lo lắng vì các bổng lộc, “lại quả”, vốn bù đắp thêm cho khoản lương còm cõi, nay đã mất đi, họ còn lo bị trừng phạt nếu làm việc không tốt, hay bị phát hiện nhận quà cáp, tiêu xài xa xỉ.

Một chủ tịch hội đồng nhân dân cấp huyện ở tỉnh Thiểm Tây nói với Straits Times rằng những vụ “ngã ngựa” của ông Chu, ông Từ gây áp lực lớn lên quan chức hạng tép riu như ông.

“Chắc chắn là có nhiều áp lực tinh thần hơn. Chúng tôi phải kỹ lưỡng trong mỗi việc làm để đảm bảo tuân thủ nghiêm các luật lệ và tránh mọi sai sót”, quan chức không muốn nêu tên này cho hay.

Thắt lưng buộc bụng”

Một luật sư làm việc cho Tập đoàn Dầu khí nhà nước (CNPC) kể rằng nhân viên trong công ty đã không dám mở tiệc mừng sau khi ký được một hợp đồng bạc tỉ với một công ty ở Nam Mỹ.

“Mọi người chỉ kéo nhau xuống căng-tin của công ty ăn uống bình thường. Chẳng có tiệc mừng gì cả, bởi rõ ràng là ai cũng thận trọng”, người luật sư giấu tên 30 tuổi tiết lộ.

Một doanh nhân Singapore còn kể, mới đây trong dịp đi công tác sang Trung Quốc, ông đem theo một ít bánh ngọt của tiệm bánh nổi tiếng ở đảo sư tử Bengawan Solo để làm quà cho các đối tác.

Thế nhưng, khi nhìn thấy vị khách Singapore với quà cáp trên tay, các quan chức Trung Quốc “tỏ ra bấn loạn”, lập tức kéo ông khách vào trong phòng và giải thích: “Chúng tôi biết anh không có ý đồ hối lộ chúng tôi. Nhưng nghĩa cử của anh có thể gây hiểu nhầm và khiến chúng tôi gặp rắc rối”.

Tốt và không tốt

Công bằng mà nói, các chiến dịch của ông Tập được đa số công chúng lẫn giới viên chức ủng hộ. Theo họ, những hành động này đã phần nào cải thiện được hình ảnh của đảng cầm quyền và quan chức nhà nước.

Chưa hết, các vụ thanh trừng tham nhũng cũng được tin là đã loại bỏ những phần tử đối lập chính trị trong bộ máy lãnh đạo, giúp cho công cuộc cải tổ của ông Tập tiến triển thuận lợi hơn.

Một nhân viên 29 tuổi làm việc trong một công ty đầu tư nhà nước nói rằng chiến dịch chống tham nhũng được các đồng nghiệp của cô ta ủng hộ, bởi “nó loại bỏ tính kém hiệu quả trong hệ thống”.

Cho rằng mình và các đồng nghiệp “trong sạch” và “làm việc hết lòng vì đất nước”, “chúng tôi không sợ mất việc”, cô ta nói.

Tuy nhiên, ngày cũng càng có nhiều lời ta thán rằng chính sách thắt lưng buộc bụng của ông Tập khiến kinh tế đi xuống.

Mộ thống kê được báo Straits Times dẫn lại nói rằng, trong năm 2013, các quan chức Trung Quốc đã cắt giảm chi tiêu đến 326 tỉ CNY (hơn 1,1 triệu tỉ đồng) so với năm 2012.

Điều đó dẫn tới việc giảm tăng trưởng trong ngành bán lẻ và đầu tư bất động sản.

Chuyên gia kinh tế Alastair Chan của tổ chức đánh giá tín dụng Moody's Analytics hồi tháng 7.2013 cho biết hai chiến dịch của ông Tập đã khiến thị trường nhà đất sụt giảm, việc xây dựng các tòa nhà hành chính cấp địa phương vốn thường nặng tính khoe khoang giảm hẳn.

Ông Chan cho rằng, kết quả của các chính sách này là sự giảm tăng trưởng GDP từ mức 9,3% năm 2011 xuống còn 7,7% năm 2012 và 2013.

Ngoài ra, chiến dịch “đả hổ lẫn ruồi nhặng” của ông Tập cũng có phần gây hoang mang khi ngày càng nhiều công chức nhà nước bỏ việc và chuyển sang khu vực tư nhân, thậm chí tự tử khi bị điều tra hình sự.

Các con số thống kê nhà nước cho thấy hiện có ít người xin việc trong lĩnh vực công hơn trước đây.

Một kế toán viên nhà nước ở Bắc Kinh nói với Straits Times rằng anh ta sẽ nghỉ việc vào năm tới.

“Chén cơm bằng sắt có vẻ như đang bị đập vỡ bởi nhà lãnh đạo mới này. Tốt hơn hết có lẽ là nên rời đi trước khi quá muộn”, người thanh niên 28 tuổi nói.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Ông Tập Cận Bình chuyển hướng chống tham nhũng sang Thượng Hải
>> ́n Độ đề nghị Trung Quốc hoãn chuyến thăm của ông Tập Cận Bình
>> Ông Tập Cận Bình: Chiến dịch 'đả hổ' vấp phải sự kháng cự của 'đội quân tham nhũng
>> Chiến dịch 'đả hổ' của ông Tập Cận Bình
>> Báo Đài Loan: 'Chu Vĩnh Khang từng cố ám sát Tập Cận Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.