(TNO) Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh vừa ký quyết định cử đoàn thể thao Việt Nam tham dự Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2014 diễn ra ở Incheon - Hàn Quốc từ ngày 19.9 - 4.10.
>> Hàng loạt cựu binh nữ được gọi chuẩn bị cho ASIAD 17
>> ASIAD 2014: Cơ hội vàng của Thạch Kim Tuấn
>> Ánh Viên: Hết kỳ vọng ở Olympic trẻ rồi đến ASIAD
Khống chế số lượng vì quy định ngặt nghèo
|
Theo quy định mới nhất của Ban tổ chức ASIAD 17, tỷ lệ thành phần của mọi đoàn thể thao tham dự đại hội thể thao châu Á lần này số lượng cán bộ đoàn, HLV, chuyên gia… chỉ được chiếm đúng bằng một nửa số lượng VĐV có trong danh sách theo quyết định của các quốc gia.
Việt Nam (VN) dự kiến có khoảng gần 200 VĐV thì đương nhiên số lượng HLV, chuyên gia, cán bộ đoàn chỉ được dao động từ 95 - 100 người không hơn. Điều này gây bối rối cho các nhà quản lý thể thao bởi số lượng HLV, chuyên gia dự kiến đến nay đã vượt qua con số 100 chưa kể cán bộ đoàn (hiện chưa có dự kiến danh sách cán bộ đoàn đi theo làm công tác phục vụ, hậu cần).
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng gây ảnh hưởng lớn đến đoàn thể thao VN là việc ban tổ chức (BTC) đại hội có hai mức thu đối với các đoàn thể thao.
Cũng theo thông báo mới nhất từ phía BTC, để được phép lưu trú tại làng VĐV trong suốt thời gian diễn ra đại hội, 60% thành phần đoàn được ưu đãi đóng 50 USD/người/ngày; 40% còn lại phải đóng đầy đủ 110 USD/ người/ngày. Kinh phí dự trù tăng lên tạo thành sức ép lớn khác bên cạnh việc BTC khống chế số lượng cán bộ, HLV.
Việc bắt buộc phải thu hẹp thành phần tham dự ASIAD 17 đã trở thành bài toán khá hóc búa mà Tổng cục TDTT phải đối mặt.
Và sau nhiều ngày cân nhắc kỹ lưỡng, lãnh đạo ngành đã quyết định gút lại danh sách với 298 thành viên do ông Lâm Quang Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT làm trưởng đoàn.
Ngoài ra còn có 7 phó trưởng đoàn, 8 cán bộ, 7 bác sỹ, 76 chuyên gia, HLV, và 199 VĐV thuộc 22 đội tuyển, thi đấu 21 môn, gồm: Điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ, bắn súng, karatedo, taekwondo, wushu, quyền Anh, đấu kiếm, cử tạ, đua thuyền rowing, xe đạp, vật, cầu mây, judo, bắn cung, cầu lông, soft tennis, bowling, golf, bóng đá (nam và nữ).
Loại bỏ bóng bàn, bóng chuyền, quần vợt
|
Điều đặc biệt nhất là trong lịch sử tham dự các kỳ ASIAD, lần đầu tiên, Việt Nam không dự môn bóng bàn và bóng chuyền.
Ông Lâm Quang Thành nói: “Trong số 21 môn mà Việt Nam sẽ thi đấu ở ASIAD, có 18 môn đi theo kinh phí nhà nước, 2 môn theo yêu cầu của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh là nên cử đi vì được xã hội hóa là môn golf, bowling. Môn bóng mềm do phía Hàn Quốc chi trả.
Ngành đã quyết định cắt giảm 3 môn bóng chuyền, bóng bàn, quần vợt không phải vì thiếu tiền mà vì thành tích của các môn này rất kém. Chất lượng của 3 môn đều yếu và cần phải làm lại một cách căn cơ, bài bản hơn”.
Môn nào sẽ có vàng?
Ông Lâm Quang Thành cho biết: “Tại ASIAD 2010, Việt Nam chỉ đoạt đúng 1 HCV. Lần này, có 8-9 môn được hy vọng sẽ có vàng như bắn súng, bơi, TDDC, karatedo, wushu, teakwondo, cầu mây.
Nếu đoạt được tất cả số môn này thì rất tốt nhưng nếu chỉ đoạt 2-3 HCV cũng là hoàn thành chỉ tiêu đề ra theo đúng quy hoạch phát triển của thể thao VN”.
|
Trong danh sách mà Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã ký, chiếm số lượng đông vượt trội là là đội tuyển bắn súng với 33 thành viên (26 VĐV) và đây cũng là môn được gửi gắm sẽ đoạt từ 1-2 HCV. Trong đó kỳ vọng được đặt lên vai Hoàng Xuân Vinh, Hà Minh Thành và tổ súng trường nữ gồm Lệ Quyên, Hồng Hà, Thu Hằng.
Điền kinh cũng có 20 thành viên nhưng so về thành tích châu Á, VN khó đoạt vàng ở kỳ đại hội lần này. Hai đội tuyển cũng đóng góp đông thành viên là wushu với 20 người và và taekwondo với 17 người.
Trong số những VĐV được kỳ vọng có vàng còn phải kể đến Nguyễn Thị Ánh Viên - cô gái sinh năm 1986 vừa đoạt HCV Olympic trẻ tại Nam Kinh, Trung Quốc. Hay Nguyễn Hoàng Ngân (nữ hoàng môn biểu diễn karatedo), Nguyễn Hà Thanh - nhà vô địch châu Á môn thể dục dụng cụ.
Thạch Kim Tuấn cũng có khả năng giành ngôi vị vô địch bởi lực sĩ trẻ này vừa được trao danh hiệu VĐV xuất sắc nhất giải trẻ thế giới, và hiện được xếp vào top đầu thế giới hạng cân 56 kg.
Khá đáng tiếc cho môn cầu mây bởi chủ lực Hải Thảo bất ngờ bị chấn thương tại King’Cup nên đành lỗi hẹn tại ASIAD 17 và chỉ tiêu giành HCV nội dung đôi nữ của Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Ánh Viên chỉ đứng thứ 4 nội dung 800 m tự do Olympic trẻ Chiều 19.8, tại chung kết nội dung 800 m tự do nữ, Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ về đích thứ 4 sau các VĐV Ý, Tây Ban Nha và Bahrain. Tuy nhiên, thông số kỹ thuật 8 phút 41 giây 13 mà Viên đã đạt được tốt hơn rất nhiều so với thông số 8 phút 49 giây 51 tại SEA Games 27 hay thông số 8 phút 49 giây 69 đã từng đưa Viên đến với ngôi vô địch giải trẻ Đông Nam Á 2014. Theo HLV Đặng Anh Tuấn, cự ly dài không phải là cái đích nhắm tới của Ánh Viên tại Olympic trẻ mà việc đăng ký ở cự ly này là tính toán chiến thuật, giúp cô tạo nền tảng về sức bền cho cuộc cạnh tranh khốc liệt tại ASIAD 17 sau một tháng tới. Tuy nhiên, Ánh Viên vẫn còn hy vọng sẽ đoạt thêm HCV Olympic trẻ ở một trong hai nội dung sở trường còn lại là 50m ngửa nữ và 400m tự do nữ. |
Lan Phương
Bình luận (0)