(TNO) Ngày 20.8, tại UBND TP.Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cùng với lãnh đạo UBND TP, các cơ quan ban ngành liên quan đã có buổi làm việc bàn thảo những phương án để giảm thiểu tình trạng nghiện ma túy đang gia tăng trên địa bàn.
|
Nghị định 221 “làm khó” các cơ quan chức năng xử lý người nghiện
Bí thư Thành ủy Trần Thọ mở đầu câu chuyện nghiện ma túy trên địa bàn bằng phát biểu: “Đừng mang những con số người nghiện ma túy của Đà Nẵng ra để so sánh với những con số của các thành phố khác, mà phải nhìn nhận, tình trạng ma túy trên địa bàn Đà Nẵng đang có chiều hướng gia tăng cả về buôn bán, tàng trữ và số người sử dụng. Vì vậy, phải nhanh chóng tìm ra giải pháp”.
|
Trong khi đó, các ngành liên quan gồm công an, y tế... của TP đều than khó, bởi Nghị định 221 của Chính phủ về quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo đó, những yêu cầu về trình tự lập thủ tục, hồ sơ đề nghị biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc quá rắc rối, nhiêu khê, trong khi dù nghị định ban hành từ cuối năm 2013, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
Hiện biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hiện tại không mang lại hiệu quả cao cho người cai nghiện ma túy.
“Trước đây Trung tâm 05-06 có hơn 400 người cai nghiện tập trung, nay chỉ còn gần 50 người. Cai nghiện ở gia đình, cộng đồng cũng lỏng lẻo nên người nghiện không thể dứt cơn nghiện, từ đó lôi kéo theo nhiều đối tượng khác nghiện, khiến con số nghiện trong cộng đồng càng gia tăng”, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.Đà Nẵng, cho biết.
Phải cai nghiện tập trung
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, việc đưa vào cai nghiện tập trung hiện nay gặp nhiều khó khăn do quy định mới. Để hạn chế tình trạng số người nghiện gia tăng, giải pháp tích cực hiện nay vẫn phải là làm thế nào để người nghiện được vào trung tâm cai nghiện tập trung, để có thể giúp họ thoát khỏi cám dỗ của ma túy.
|
Anh Nguyễn Bá Cảnh, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng, chia sẻ số người nghiện trên địa bàn Đà Nẵng dưới 30 tuổi chiếm đến 75%. Trong đó, số thanh niên sau cai không có việc làm tái nghiện chiếm đến hơn 70%.
“Tôi nghĩ việc tạo công ăn việc làm cho những người sau khi cai nghiện thành công là một việc làm bức thiết, sẽ góp phần giúp họ vượt qua được những khó khăn trước mắt để không quay lại con đường cũ”, anh Cảnh hiến kế.
Ông Nguyễn Út, Phó giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: “Việc cai nghiện hiện nay là vô cùng phức tạp, nếu không có sự kiên nhẫn thì khó có thể thực hiện được việc giúp cho người nghiện ma túy dứt nghiện. Có những mô hình có thể áp dụng với con nghiện này hiệu quả, nhưng áp dụng rập khuôn với con nghiện khác thì không thể hiệu quả. Do vậy, phải là những người có chuyên môn mới làm tốt được. Vì vậy, người nghiện phải vào trung tâm mới cai nghiện hiệu quả được!”.
Diệu Hiền
>> Tìm giải pháp kiềm chế thanh thiếu niên nghiện ma túy
>> Sẽ khảo sát người nghiện ma túy trên toàn quốc
Bình luận (0)