Bí ẩn đang bao trùm quanh vụ một quan chức Đài Loan phụ trách quan hệ với Trung Quốc bị điều tra về cáo buộc làm lộ “bí mật an ninh”.
|
Tờ Want China Times đưa tin ông Trương Hiển Diệu chính thức mất chức Phó chủ nhiệm thường trực Hội đồng Các vấn đề đại lục (MAC) của chính quyền Đài Loan từ ngày 19.8 và trở thành đối tượng điều tra về những nghi vấn liên quan đến an ninh của hòn đảo này. Tuy nhiên đã xuất hiện tranh cãi xung quanh vụ ra đi tức tưởi của ông Trương, và vụ việc được đánh giá là có thể ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu, vốn đang nỗ lực xích lại gần hơn với Bắc Kinh.
Diễn biến bất thường
Theo báo South China Morning Post, MAC và Cục Điều tra thuộc cơ quan tư pháp Đài Loan ngày 19.8 tuyên bố họ có bằng chứng chống lại ông Trương và 2 cơ quan này vẫn đang tiếp tục các cuộc điều tra. Vụ mất chức của ông Trương đã tạo ra một cơn bão chính trị ngay khi thông tin này được đưa ra hồi cuối tuần. Theo Kyodo News, cơ quan hành chính Đài Loan ngày 16.8 thông báo người đứng đầu cơ quan này là ông Giang Nghi Hoa đã phê chuẩn “việc từ chức” của ông Trương tại MAC và cho biết ông rút lui vì “lý do gia đình”. Ông Trương cũng bị đình chỉ chức vụ Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Quỹ trao đổi liên eo biển (SEF) đặc trách các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự việc trở nên ly kỳ sau khi ông Trương gửi thông báo cho các tổ chức truyền thông phủ nhận việc ông tự nguyện từ chức và cho rằng ông làm điều này là do bị ép buộc. Chỉ vài giờ sau đó, MAC đưa ra tuyên bố thừa nhận ông Trương bị cách chức. Để bảo vệ cho quyết định của mình, cơ quan này tuyên bố họ cần “làm sáng tỏ một số nghi ngờ về những nghi vấn nảy sinh trong công việc của ông Trương” và sở dĩ họ không nói rõ sự thật từ đầu là nhằm “bảo vệ” ông này.
Những tuyên bố tiền hậu bất nhất của MAC cùng phản ứng sau đó của ông Trương đã khiến bức màn bí ẩn xung quanh vụ cách chức càng dày thêm. Theo báo The China Post, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào đêm 19.8, ông Trương cho biết đã chuẩn bị một lá thư tuyệt mệnh do ông cảm nhận mình bị cách chức vì “biết quá nhiều”. “Nó giống như một cuộc săn lùng của mafia nhằm triệt hạ một kẻ phản bội. Tôi hết sức ớn lạnh vì hành động đó”, ông Trương nói.
Cựu quan chức này nói rằng ông không hề “khiến Đài Loan thất vọng” và ông phục vụ MAC cùng lãnh đạo Mã Anh Cửu “một cách trung thành và mẫn cán”. Ông cũng thú nhận là không biết rõ cáo buộc làm rò rỉ bí mật và phản bội nhằm vào ông đến từ đâu mà chỉ nói rằng có thể mình là nạn nhân của một sự hiểu lầm liên quan đến những đề xuất về chính sách.
Nghi án lộ mật
Cục Điều tra Đài Loan vốn là cơ quan chuyên trách chống gián điệp Trung Quốc và hoạt động tội phạm của hòn đảo. Thế nên việc ông Trương được chuyển cho cơ quan này tiến hành điều tra đã khơi mào cho nhiều đồn đoán. Truyền thông địa phương cho rằng có thể ông Trương đã tiết lộ những thông tin mật trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trước đây. Tờ United Daily News phát hành tại Đài Bắc dẫn lời một quan chức chính quyền giấu tên cho biết cuộc điều tra liên quan đến chuyện “làm rò rỉ những bí mật” bao gồm chủ trương của Đài Loan trong việc đàm phán với Trung Quốc.
Ngoài ra, theo Kyodo News, còn có những đồn đoán liên quan đến việc ông Trương không thể hòa hợp với Chủ nhiệm MAC là ông Vương Úc Kỳ, hoặc cũng có thể ông bị trừng phạt vì đã không đảm bảo an ninh cho chuyến thăm Đài Loan vào tháng 6 của ông Trương Chí Quân, Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc. Ông Trương đã phải cắt ngắn chuyến đi sau khi bị một số sinh viên Đài Loan ném sơn trên đường đến gặp ông Vương ở TP.Cao Hùng. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 19.8, phát ngôn viên MAC Ngô Mỹ Hồng đã bác bỏ những đồn đoán này.
Trong khi đó, báo chí Đài Loan lại đang cáo buộc chính quyền có hành vi che giấu sự thật khi không tuyên bố rõ ràng về những sai phạm của ông Trương. Theo Want China Times, hành động trên cho thấy chính quyền Mã Anh Cửu đã xem công chúng Đài Loan là những kẻ ngớ ngẩn. “Vụ việc khiến nhiều người thắc mắc tại sao chính quyền lại quan tâm đến việc bảo vệ ông Trương bằng cách nói rằng ông xin từ chức vì lý do gia đình”, tờ báo viết. Theo tờ báo, có thể ông Trương bị cách chức vì kém năng lực khi nhiều mục tiêu cho quan hệ giữa 2 bờ eo biển không đạt tiến bộ. “Bất kể ông Trương có sai phạm gì, không gì có thể so sánh với chuyện một chính quyền che giấu thông tin với người dân”, tờ báo nhận định.
Trùng Quang
>> Hẻm núi 'yểu mệnh' của Đài Loan sẽ sớm biến mất
>> Nhân chứng vụ nổ gas Đài Loan: ‘Lửa bốc cao bằng tòa nhà 20 tầng’
>> Nổ gas dữ dội tại Đài Loan, ít nhất 22 người thiệt mạng
>> Mỹ, Đài Loan theo dõi sát sao Trung Quốc tập trận trên biển
Bình luận (0)