Đề xuất chỉ học THPT trong 2 năm

21/08/2014 07:00 GMT+7

Hôm qua 20.8 đã diễn ra phiên họp thứ 2 năm 2014 của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực. Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại phiên họp này là việc cần hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân; đổi mới chương trình, sách giáo khoa để đáp ứng cho việc đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông do Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn đã đề xuất thêm phương án: giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục tiểu học và 5 năm học giáo dục THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) sẽ chỉ còn thực hiện trong 2 năm học.

Ban soạn thảo đề án cho rằng: So với phương án 9 năm học cơ bản như hiện nay, việc có thêm 1 năm sẽ có điều kiện tốt hơn trong việc trang bị kiến thức phổ thông nền tảng; độ tuổi 16 phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong phân luồng sau giáo dục cơ bản. Còn giáo dục THPT trong 2 năm học so với 3 năm học sẽ thuận tiện định hướng nghề nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu tăng thêm số phòng học/lớp để phục vụ dạy học tự chọn. 2 thời lượng đó không chỉ phù hợp với yêu cầu về trình độ giáo dục mà còn phù hợp với trình độ phát triển tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh. Như vậy chương trình giáo dục sẽ đổi mới mạnh nhất ở cấp THPT. Học xong giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh đã được trang bị gần như hoàn chỉnh về học vấn phổ thông để có thể tham gia vào thị trường lao động phổ thông hoặc học tiếp lên (học nghề hoặc học THPT), phục vụ cho mục tiêu phân luồng ngay sau khi kết thúc giáo dục cơ bản.

Tuy nhiên, nếu phương án này được chọn thì đòi hỏi phải điều chỉnh lại quy định tại luật Giáo dục 2005 (về thời gian của mỗi cấp học giáo dục phổ thông) và phải cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.