Thống nhất về chủ trương cần có nhiều bộ sách giáo khoa nhưng nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng nếu Bộ GD-ĐT vẫn tiến hành biên soạn sách giáo khoa thì khó có sự cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực này.
Hôm qua 28.8, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông.
|
“Con đẻ - con nuôi”
|
Dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT soạn thảo đề xuất 2 phương án biên soạn. Trong phương án 1 Bộ chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các bộ SGK hoặc các cuốn SGK khác, nhất là sách cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Phương án 2, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK. Bộ chỉ tổ chức biên soạn những SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn. Ban soạn thảo nghiêng về phương án 1 nhưng các chuyên gia tham dự phản ứng gay gắt chủ trương này.
GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo Dục, phát biểu: “Tôi không tán thành quan điểm chỉ có Nhà xuất bản Giáo Dục mới có đủ đội ngũ tác giả và biên tập viên làm tốt việc biên soạn SGK. Do vậy tôi không tán thành quan điểm Bộ sẽ chủ động biên soạn một bộ SGK”. GS Phi phân tích: “Hiện chúng ta có những nhà xuất bản của các ĐH quốc gia, các trường ĐH sư phạm hoàn toàn có thể làm tốt việc này. Nếu Bộ đứng ra biên soạn SGK rồi bộ trưởng lại là người thẩm định các bộ SGK trước khi cho phép đưa vào giảng dạy thì rất dễ xảy ra tình trạng “con đẻ - con nuôi”.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng bày tỏ lo ngại phương án này vẫn thể hiện lối tư duy “đồng loạt” và tư duy “dân doanh, quốc doanh”. Trong kinh tế, “dân doanh” không thể cạnh tranh với “quốc doanh” được về mặt tiếp cận nguồn lực. GS Thuyết đề nghị: “Bộ chỉ nên làm một số môn khoa học xã hội và nhân văn, còn việc viết các môn khác nên xã hội hóa. Thậm chí, có thể mua bản quyền và dịch SGK nước ngoài để dạy. Ưu điểm của phương án này là ít tốn kém cho ngân sách nhà nước”.
GS Trần Đình Sử gay gắt hơn. Ông nói: “Nếu Bộ vẫn biên soạn một bộ thì nên bỏ chủ trương có nhiều bộ SGK đi là hơn vì điều này sẽ lại quay về thực trạng như cũ, Bộ độc quyền”.
GS Sử nhấn mạnh: “Nếu không tạo cơ chế thực sự công bằng thì hàng loạt tài năng sẽ nhụt chí và sẽ “giết chết” nhiệt tình muốn đóng góp của các cán bộ trẻ trong lĩnh vực biên soạn SGK”.
GS Nguyễn Lân Dũng, nguyên đại biểu Quốc hội cũng tha thiết đề nghị việc biên soạn SGK hãy giao cho các hội chuyên ngành chủ động tham gia với lý do hội có đầy đủ lực lượng hùng mạnh cả các nhà khoa học lẫn đội ngũ giáo viên phổ thông có thể đảm nhiệm tốt công việc này. PGS Nguyễn Công Khanh, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng đồng quan điểm khi phát biểu: “Để có thể thực hiện được nhiều bộ SGK thì Bộ không nên đứng ra biên soạn mà đóng vai trò quan trọng hơn là đưa ra các tiêu chí về SGK và tiến hành đánh giá thẩm định”.
Không phản đối việc Bộ biên soạn, nhưng PGS Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đề xuất: “Để tạo cơ chế bình đẳng trong việc này thì dù ai biên soạn cũng phải được cấp tiền từ ngân sách nhà nước để biên soạn. Tất cả các SGK đều được thẩm định rồi lựa chọn những SGK tốt nhất”.
Ai có quyền chọn SGK ?
Đưa ra chủ trương có nhiều bộ SGK nhưng dự thảo đề án lại bỏ qua một chi tiết rất quan trọng là ai có thẩm quyền lựa chọn bộ SGK để sử dụng?
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đề nghị dự thảo đề án cần bổ sung quy định ai được quyền lựa chọn bộ SGK để sử dụng trong từng lớp, từng trường, từng khu vực. GS Hạc cho rằng đây là một vấn đề rất khó, càng khó hơn nếu Bộ lại đứng ra biên soạn bộ SGK. “Nếu ông bộ trưởng đã chọn thì giám đốc sở sẽ chọn, giám đốc sở chọn thì trưởng phòng giáo dục sẽ chọn theo… cứ như thế đến hiệu trưởng, đến giáo viên dù muốn dù không cũng phải theo”, GS Hạc nêu tình huống.
GS Nguyễn Minh Thuyết cũng cùng mối lo này khi đặt vấn đề: “Nếu giao cho giám đốc sở GD-ĐT hoặc hiệu trưởng lựa chọn SGK thì liệu có xảy ra tình trạng thay giám đốc sở hoặc thay hiệu trưởng là sẽ thay đổi bộ SGK đang được dạy học ở địa phương đó hay nhà trường đó hay không?”.
Xung quanh vấn đề này, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cũng khẳng định: Ủy ban với tư cách là cơ quan thẩm tra sẽ cùng với ban soạn thảo cân nhắc và bổ sung quy định về việc thẩm quyền quyết định chọn SGK. “Tôi cho rằng thẩm quyền chọn SGK chỉ nên quy định ở mức giao cho giáo viên hoặc nhà trường, không nên lên tới cấp phòng, cấp sở”, GS Thi nói.
Chỉ nước ta SGK mới mỏng như “lưỡi mèo”
GS Nguyễn Lân Dũng phê SGK hiện nay của ta “mỏng như lưỡi mèo” - điều không thấy ở nước nào trên thế giới. Các nước ngay cả nước nghèo như Nepan nhưng SGK rất dày, rất hay.
GS Nguyễn Thị Tâm Đan, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng tỏ ra rất trăn trở về độ dày của SGK. “Chúng ta đang hướng tới đổi mới rất mạnh về phương pháp giảng dạy, phát huy tính chủ động tự tìm kiếm kiến thức của học sinh mà SGK mỏng dính như vậy thì học sinh tự tìm kiến thức ở đâu?”, bà Tâm Đan nêu vấn đề.
PGS Nguyễn Công Khanh cũng cho rằng SGK có quyển rất dày, có thể 600 - 800 trang nhưng việc sử dụng SGK đó như thế nào thì phải tập huấn rất kỹ cho giáo viên. Đồng quan điểm, GS Trần Đình Sử đề nghị nên biên soạn SGK dày dặn và có thể sử dụng lâu dài nhưng sách hướng dẫn cho giáo viên thì phải thay đổi thường xuyên, miễn là để giáo viên giúp học sinh lĩnh hội kiến thức tốt nhất.
Mấu chốt của đề án phải là việc xây dựng chương trình Ngược lại với nhiều ý kiến, GS Đào Trọng Thi lại nghiêng về phương án nên để Bộ biên soạn một bộ SGK vì như vậy mới đảm bảo tính chủ động thực hiện đúng lộ trình đổi mới chương trình - SGK. Tuy nhiên, GS Thi cho rằng để đảm bảo tính công bằng giữa các bộ SGK thì có thể quy định chi phí cho việc biên soạn bộ SGK của Bộ cũng không được nhà nước bao cấp giống như các bộ SGK khác. Trao đổi thêm với phóng viên Thanh Niên, một số chuyên gia cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khó có một tổ chức hay cá nhân nào đủ nguồn lực để biên soạn SGK. Chính vì thế, thời gian đầu nên chọn phương án Bộ chủ động tổ chức biên soạn đầy đủ một bộ SGK. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn việc ai viết SGK là chương trình. Theo đó, mấu chốt của đề án phải là việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông với tất cả những đổi mới, mong muốn cải tiến phù hợp, đủ chuẩn sau đó mới tính đến việc viết SGK. Theo Chinhphu.vn, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vào chiều 28.8, các thành viên Chính phủ góp ý cụ thể dự thảo Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải trình cụ thể về 2 phương án biên soạn SGK. Các thành viên Chính phủ nhất trí với việc lựa chọn phương án 1 để chủ động trong việc thực hiện các mục tiêu trong lộ trình đổi mới chương trình, SGK. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ GD-ĐT tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện đề án, trình Quốc hội xem xét quyết định. Chính phủ cũng thống nhất về việc ra nghị quyết về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (tự chủ) giai đoạn 2014 - 2017 đối với 4 trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT là ĐH Kinh tế quốc dân; ĐH Kinh tế TP.HCM; ĐH Ngoại thương và ĐH Hà Nội. Các trường ĐH khác đáp ứng đủ điều kiện, muốn thực hiện tự chủ thì cần có đề án phù hợp trình Bộ GD-ĐT phê duyệt. |
Tuệ Nguyễn
>> Về đề án đổi mới SGK, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Hơn 34.000 tỉ đồng là 'sơ suất đáng tiếc
>> Dở khóc dở cười ngữ liệu SGK
>> Cần điều chỉnh chương trình SGK phân ban
>> Hiệu trưởng có quyền lựa chọn SGK
>> Nên có nhiều bộ SGK
>> Chỉnh sửa gần 100 lỗi trong bộ SGK phổ thông
Bình luận (0)