|
Họ là những người đầu tiên chuyển thông điệp hòa bình và hợp tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới lãnh đạo Mỹ, tiếc thay cơ hội quý giá đó đã bị Washington bỏ lỡ bởi những tính toán chiến lược.
Thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 7.2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giới thiệu cho Tổng thống (TT) Barack Obama một bản sao bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi TT Mỹ Harry Truman vào tháng 2.1946. Trong bức thư này, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ VN mong muốn được “hoàn toàn độc lập” và ý nguyện thiết lập “hợp tác đầy đủ” với Mỹ. Đó không phải là lá thư duy nhất được gửi tới Mỹ trong giai đoạn lịch sử đầy biến động và có ý nghĩa then chốt với lịch sử VN trong thế kỷ 20. Theo TS Ngô Vương Anh, trong hai năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có 8 thư và điện gửi TT Truman, 3 thư và điện gửi Ngoại trưởng James Byrnes. Tuy nhiên, những lá thư này đã không nhận được sự hồi đáp.
Đây cũng là xuất phát điểm của ý tưởng từng được đưa ra nhiều lần rằng: Mỹ đã bỏ lỡ cơ hội năm 1945 khi TT Truman đã không trả lời bất cứ lá thư nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đó tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ cho nền độc lập của VN. Ý tưởng này cho rằng nếu chính phủ Mỹ đơn giản hiểu được rằng Hồ Chí Minh trước hết là một nhà dân tộc chủ nghĩa và ủng hộ nỗ lực thiết lập nền độc lập cho VN của ông, thì có lẽ mọi thứ sau thời điểm đó đã khác.
Theo GS sử học Liam Kelley (Đại học Hawaii tại Manoa, Mỹ), Archimedes Patti, một thành viên của Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) - tiền thân của CIA ngày nay, ở VN năm 1945, là một người đặc biệt gắn với ý tưởng này. Năm 1980, ông Patti đã cho xuất bản quyển hồi ký Tại sao VN: Khúc dạo đầu cho cánh chim hải âu của Mỹ viết về mối quan hệ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và những sự kiện liên quan đến ngày lễ Độc lập 2.9.1945.
Theo GS Kelley, có những người đã tuyên bố muốn dành cho Mỹ một cơ hội. Chẳng hạn, ngày 22.8.1945, người đứng đầu OSS William Donovan gửi chuyển tiếp tới Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin mà một nhân viên OSS ở Côn Minh (Trung Quốc) đã đệ trình. Nhân viên này trích lời “lãnh đạo của Quốc dân đảng An Nam tại Trung Quốc và một đại diện trực tiếp của Ủy ban Giải phóng Trung ương tại Hà Nội” đã nói như sau:
“Ủy ban Trung ương mong muốn báo cho chính phủ Mỹ biết rằng người dân Đông Dương trước hết khát khao nền độc lập cho Đông Dương, và đang hy vọng rằng Mỹ sẽ giúp Đông Dương bảo vệ nền dân chủ bằng các hành động sau: “(1) Ngăn chặn, hoặc không giúp đỡ người Pháp vào Đông Dương; (2) Kiềm chế người Trung Quốc; (3) Gửi các cố vấn kỹ thuật đến giúp người Đông Dương khai thác các nguồn lực của vùng đất này; (4) Phát triển các ngành công nghiệp mà Đông Dương có thể ủng hộ”.
Ngoại giao nhân dân
Một trường hợp thú vị khác, theo GS Kelley, là một người VN sống ở Berlin (Đức) mang tên Khoa Huynh. Vào tháng 7.1945, Khoa Huynh đã viết 2 tài liệu bằng tiếng Đức mang tên “Kế hoạch hợp tác giữa Mỹ và Đông Dương” và “Nền kinh tế Đông Dương”. Sau đó ngày 29.10.1945, Khoa Huynh hoàn thành phiên bản tiếng Anh của các tài liệu này. Theo GS Kelley, các bản tiếng Anh không có vẻ là những bản dịch chính xác, kém hoàn thiện hơn nhưng có lẽ tràn trề hy vọng hơn. Điều này thể hiện qua việc tiêu đề của tài liệu thứ nhất đã biến thành “Vận mệnh của Đông Dương”.
Khoa Huynh đề xuất việc đến Mỹ, nhận hộ chiếu Mỹ, và rồi với sự giúp đỡ của một ngân hàng có ảnh hưởng ở Mỹ, sẽ đặt một ngân hàng Mỹ đầu tiên tại Đông Dương và sẽ tiếp quản “đại diện của công ty xuất nhập khẩu Mỹ tại Đông Dương”. Khoa Huynh cũng đề nghị đưa một số “sinh viên Đông Dương tốt nhất tại châu u” (lúc bấy giờ đang ở Berlin) sang Mỹ. Thêm nữa, Huynh Van Khoa hứa hẹn rằng sau đó những sinh viên này sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ “tuyên truyền cho Hợp chủng quốc Mỹ tại Đông Dương”.
Cũng theo GS Kelley, trước đó vào ngày 17.8.1945, một người VN tên Guy Phon đã gửi một lá thư tới Ngoại trưởng Mỹ. Bức thư được GS Kelley cho rằng “trong mọi hoàn cảnh đó là một lá thư hấp dẫn và một tài liệu lịch sử quý giá”. Từ lá thư này người ta có thể biết Guy Phon sinh ra tại Đông Dương thuộc Pháp nhưng vào thời điểm 1945 đang là một công dân Mỹ và từng phục vụ trong quân đội Mỹ thời kỳ chiến tranh. Guy Phon lên án mạnh mẽ chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương và sau đó yêu cầu vai trò của Mỹ trong việc thiết lập một chính quyền trong khu vực bây giờ mà chiến tranh đã qua.
Trong bức thư này, Guy Phon cũng cho rằng nước Pháp và Trung Quốc không nên đóng vai trò gì nữa ở VN. Theo Guy Phon, sau khi được giải phóng (khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức) chính phủ Pháp và người dân của mình nên có nhiều việc để làm, tổ chức lại, để xây dựng đất nước mình.
Theo GS Kelley, những nhân vật như Guy Phon, Khoa Huynh chỉ thể hiện một hình mẫu nhỏ về tính đa dạng đã tồn tại ở VN lúc bấy giờ liên quan đến viễn kiến tương lai của người dân. Tuy nhiên theo GS Kelley năm 1945, có quá nhiều mối quan tâm và các nghị trình, về tất cả các mặt, để hình thành một cơ hội.
Trường Sơn
Bình luận (0)