Nhiều bộ 'cắp sách' học nhau cải cách hành chính

06/09/2014 02:20 GMT+7

Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2013 được Bộ Nội vụ công bố hôm qua, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu 63 tỉnh, thành trong cả nước với điểm số gấp 1,48 lần so với tỉnh cuối bảng là Sơn La.

Theo kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2013 được Bộ Nội vụ công bố hôm qua, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu 63 tỉnh, thành trong cả nước với điểm số gấp 1,48 lần so với tỉnh cuối bảng là Sơn La.

 

Nhiều bộ 'cắp sách' học nhau cải cách hành chính
 Lãnh đạo nhiều bộ đề nghị cần đánh giá, khảo sát sâu hơn về thực trạng giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh: Ngọc Thắng

Ở cấp bộ, năm nay vị trí đầu bảng thuộc về Bộ GTVT và xếp cuối cùng là Ủy ban Dân tộc, còn Bộ Y tế thì suýt “đội sổ”.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, trong số 19 bộ, cơ quan ngang bộ được đánh giá, có 3 bộ đạt chỉ số cải cách hành chính (CCHC) trên 80% (so với thang điểm tối đa 100) theo thứ tự từ số 1 - 3 là Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao.

 

5 tỉnh có thứ hạng CCHC cao nhất theo thứ tự từ 1 - 5, gồm: Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương, Phú Thọ, Hà Nội.

5 tỉnh xếp cuối bảng trong số 63 tỉnh, thành (từ 59 - 63), gồm: Cao Bằng, Gia Lai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

So với kết quả đánh giá của năm 2012, có 7 bộ tụt hạng, gồm: Tư pháp, Công thương; NN-PTNT; Thanh tra Chính phủ; Thông tin - Truyền thông; Kế hoạch - Đầu tư; Ủy ban Dân tộc; có 9 bộ có sự cải thiện, nâng hạng, gồm GTVT (năm 2012 xếp vị trí thứ 4), Ngân hàng Nhà nước; Ngoại giao; Tài chính; Nội vụ; Xây dựng; Tài nguyên - Môi trường; LĐ-TB-XH, Y tế (từ vị trí 19 nâng một bậc lên vị trí 18).

Ở cấp tỉnh, trong số 63 tỉnh, thành được đánh giá, có 28/63 tỉnh đạt chỉ số dưới mức trung bình của cả nước. Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu, với chỉ số điểm 87,02%, cao gấp 1,48 lần so với chỉ số của tỉnh xếp cuối bảng là Sơn La. Có 30/63 tỉnh đạt vị trí thứ hạng cao hơn năm trước, trong khi 30 tỉnh khác tụt hạng hơn.

Đáng chú ý, trong 7 lĩnh vực được đánh giá CCHC đối với cấp bộ, riêng đánh giá về cải cách thủ tục hành chính lại có bước thụt lùi hơn hẳn so với năm 2013. Giá trị trung bình của chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính mà các bộ đạt được là 76,94%, đứng thứ 5 về bảng điểm xếp hạng, trong khi năm 2012, đây là lĩnh vực xếp thứ nhất.

Đánh giá từ xã hội chỉ chiếm 38 - 40%

Theo Bộ Nội vụ, phương pháp đánh giá chỉ số CCHC dựa trên kết quả tự đánh giá của các bộ, các tỉnh (có thẩm định cuối cùng của Bộ Nội vụ) và đánh giá thông qua điều tra xã hội học. Kết quả tự đánh giá ở cấp bộ chiếm tới 60% thang điểm đánh giá trên tổng số 100 điểm và ở cấp tỉnh, tự đánh giá chiếm tới 62%.

Góp ý về phương pháp đánh giá, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển nhìn nhận: Đối tượng được hỏi ý kiến theo phương pháp đánh giá chỉ số CCHC chủ yếu vẫn là cơ quan nhà nước. Theo ông Hiển, các chỉ số thành phần để đánh giá hiệu quả CCHC những năm tới nên chú trọng, đi sâu hơn vào thực tế giải quyết thủ tục hành chính, không nên chỉ dừng lại ở quy định rút ngắn được bao nhiêu thời gian giải quyết thủ tục, vì thực tế, quy định rút ngắn thời gian nhưng khâu thực thi giải quyết thủ tục vẫn gây phiền toái cho dân.

Cũng đồng tình cần có phiếu thăm dò đối với người dân về quá trình giải quyết thủ tục hành chính, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa chia sẻ thêm: Kết quả đánh giá năm 2013 Bộ Công thương bị tụt hạng từ vị trí thứ 2 (năm 2012) xuống thứ 6 có lẽ do chủ quan. “Vì năm ngoái sau khi công bố kết quả chỉ số CCHC, nhiều bộ cắp sách đến Bộ Công thương học kinh nghiệm, nhưng năm nay chắc là chúng tôi lại phải cắp sách đến các bộ được tăng hạng để học tập”, bà Thoa nói.

Lắng nghe các chia sẻ, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kết quả đánh giá chỉ số CCHC này là một tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực điều hành, quản lý của lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương. Ông Phúc đề nghị từ kết quả này, các bộ ngành, địa phương có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong CCHC, đặc biệt là phải tháo gỡ ngay các vướng mắc về thủ tục đầu tư kinh doanh và những thủ tục liên quan trực tiếp đến quyền lợi người dân, doanh nghiệp.

Đối tượng được điều tra xã hội học ở cấp bộ là ĐBQH, lãnh đạo cấp vụ, lãnh đạo cấp cục; ở cấp tỉnh là ĐB HĐND tỉnh, lãnh đạo sở, lãnh đạo huyện, người dân, doanh nghiệp. Chỉ số cấp bộ được xác định trên 7 lĩnh vực, còn cấp tỉnh là 8 lĩnh vực (cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước...)

 

Bảo Cầm

>> Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu về cải cách hành chính
>> Công bố xếp hạng cải cách hành chính
>> Sẽ công bố chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành
>> Kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.