Tự tạo cơ hội - Kỳ 58: Tính kế làm ăn lớn với cà phê chồn

08/09/2014 03:05 GMT+7

Từ chỗ nuôi động vật hoang dã, anh Nguyễn Bá Hồng chuyển hướng sản xuất cà phê chồn thành công và mở rộng mô hình nuôi chồn “vệ tinh”.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 58: Tính kế làm ăn lớn với cà phê chồn
Anh Hồng tính chuyện làm ăn lớn với sản phẩm cà phê chồn - Ảnh: Ngọc Quyền

Cách đây gần 10 năm, từ những đồng vốn nhỏ, anh Nguyễn Bá Hồng, ở đường Nguyễn Văn Cừ (P.Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột), bắt đầu nuôi động vật hoang dã, với đủ loại nhím, kỳ đà, dúi, chồn nhung, chồn hương, chim trĩ… Tuy vậy, sau một thời gian, nuôi động vật hoang dã không còn là nghề hấp dẫn, do số người nuôi ngày càng nhiều, thị trường dần bão hòa.

Vì thế, anh Hồng nghĩ cách làm giàu mới. Từ việc cho sinh sản nhân tạo thành công, anh Hồng có đàn chồn hương khá lớn giữa lúc sản xuất cà phê chồn ở Tây nguyên cung vẫn không đủ cầu. Thế là từ vụ cà phê 2013, anh Hồng bắt đầu thử nghiệm và thu được gần 2 tạ cà phê chồn. Mỗi ký cà phê chồn dạng thô anh bán hơn 800.000 đồng, nếu chế biến thành cà phê bột thì có giá trên 2 triệu đồng. Anh Hồng kể: “Làm cà phê chồn thực ra không khó nếu đã có kinh nghiệm nuôi chồn. Qua theo dõi, tôi thấy chồn ăn trái cà phê khá kỹ tính, chỉ ăn những trái chín nhất, khoảng một phần ba lượng trái mình cho ăn”. Để có cà phê chồn thuộc loại ngon, anh Hồng tìm mua trái cà phê ở các vườn cây chất lượng cao của các doanh nghiệp cà phê, viện nghiên cứu. Theo anh Hồng, một con chồn trong một năm chỉ ăn trái cà phê vào vụ thu hoạch từ 3 - 4 tháng và cho khoảng 6 kg cà phê phân chồn mỗi tháng.

Thời điểm này, anh Hồng khá bận rộn với việc đi về các huyện trong tỉnh theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ nuôi chồn hương. Đây là các mô hình mà anh “nhượng quyền”, chuyển giao công nghệ nuôi chồn miễn phí, chỉ lấy tiền bán con giống. Anh Hồng cho rằng nuôi chồn cả năm nhưng chỉ sử dụng trong vài tháng để thu cà phê chồn nên không nhiều người kiên nhẫn theo nghề này. Vì vậy, anh rất mừng và sẵn sàng truyền nghề khi có người đến mua giống về nuôi và có ý định sản xuất cà phê chồn. Hiện có gần 200 con chồn được các hộ ở H.Ea H’leo, Buôn Ma Thuột, nuôi để làm cà phê chồn. Ngoài ra, khoảng 300 con chồn hương từ trang trại Hồng Tiến xuất bán đến các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ngãi…

Anh Hồng cho biết các hộ nuôi chồn hương trong tỉnh xem như các xí nghiệp “vệ tinh” đã giao kết bán sản phẩm cà phê chồn cho trang trại của anh. Vụ cà phê tới đây, dự tính với vài trăm con chồn hương của gia đình và các cơ sở vệ tinh này, anh Hồng sẽ thu hoạch trên 1 tấn cà phê chồn, doanh thu ước đạt tiền tỉ. Hiện đã có khách hàng trong và ngoài nước đăng ký mua cà phê chồn thô nhưng anh cho biết sẽ không bán hết mà để lại phần lớn chế biến thành cà phê bột. “Trong năm tới, cùng với sản phẩm cà phê chồn, tôi dự tính mở thêm ngành nghề chế biến cà phê sạch cao cấp, với nhãn hiệu mới, có đăng ký chất lượng hẳn hoi. Sản phẩm này dành cho khách hàng có nhu cầu cà phê thuần túy, không pha chế hương liệu”, anh Hồng bộc bạch.

Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.