Di tích khảo cổ Quá Giáng trước nguy cơ đe dọa sự tồn tại: Cứu những di tích khảo cổ

08/09/2014 10:52 GMT+7

Khu di tích được xem là vô cùng độc đáo, có nhiều nét riêng biệt và tiêu biểu trong hệ thống các di tích Chăm tại Việt Nam ở khu di tích khảo cổ Quá Giáng đối mặt với nguy cơ đe dọa sự tồn tại, khi mà con đường vành đai của TP.Đà Nẵng sẽ đi xuyên qua...

Khu di tích được xem là vô cùng độc đáo, có nhiều nét riêng biệt và tiêu biểu trong hệ thống các di tích Chăm tại Việt Nam ở khu di tích khảo cổ Quá Giáng đối mặt với nguy cơ đe dọa sự tồn tại, khi mà con đường vành đai của TP.Đà Nẵng sẽ đi xuyên qua...

 Những hiện vật tìm thấy tại khu di tích khảo cổ Quá Giáng
Những hiện vật tìm thấy tại khu di tích khảo cổ Quá Giáng được những chuyên gia khảo cổ đánh giá là vô cùng quý giá và độc đáo - Ảnh: Diệu Hiền

Nguy cơ đe dọa nghiêm trọng di tích cổ

Trong quá trình tham gia công tác khai quật tại Quá Giáng, đoàn khảo cổ của ĐH KHXH-NV Hà Nội có nhận định, dù chưa tiến hành khai quật được tổng thể toàn bộ khu di tích Quá Giáng, nhưng cuộc khai quật này cho thấy rất rõ ràng và đầu đủ về ngôi tháp đầu tiên, và phát hiện được một loạt các kiến trúc như tháp thứ hai, tháo thứ ba, tháp thứ tư... Nhưng do diện tích khai quật bị bó hẹp theo diện tích đất trống của nhà dân nên vẫn chưa có cái nhìn tổng thể về cục di tích Chăm Quá Giáng.

“Nhưng với việc phát hiện các tượng thần Đấng tự tại-Isana, Thần Sấm sét-Indra, Thần Lửa-Agni... câu hỏi đặt ra của chúng tôi là phải chăng tại di tích Quá Giáng đã từng tồn tại một tổ hợp đền tháp thờ các vị thần phương hướng giống với nhóm tháp A tại di tích Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam)? Không chỉ vậy, với số lượng lớn hiện vật đầu tượng thu được tại đây, các hiện vật đá nguyên khối có kích thước lớn đã đặt cho chúng ta câu hỏi lớn về quy mô, vị trí của di tích Chăm Quá Giáng trong sự tồn tại và phát triển của các di tích Chăm tại Đà Nẵng!” ông Nguyễn Chiều nhận định.

Nhưng, dù khu vực di tích khảo cổ Quá Giáng này, vốn đã bị hủy hoại bởi việc xây dựng những công trình nhà ở, thì nay, lại tiếp tục đối mặt với một nguy cơ mất hẳn nhiều khu vực, khi mà theo quy hoạch, đường vành đai của TP.Đà Nẵng sẽ đi qua khu vực thôn Quá Giáng 2, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của di tích Chăm Quá Giáng. “Quả thật trong rất nhiều lần tham gia khảo cổ văn hóa Chăm, tôi thực sự rất thích thú bởi những nét riêng biệt và tiêu biểu của những hiện vật được phát hiện tại khu di tích khảo cổ Chăm Quá Giáng!” ông Chiều tâm huyết nói.

Trước nguy cơ mất mát?

Theo bà Nguyễn Thị Hiệp, Phó Chủ tịch UBND H.Hòa Vang (Đà Nẵng), để bảo vệ khu di tích khảo cổ này, thì ngay khi công tác đền bù giải tỏa khu vực này được tiến hành, thì công tác khảo cổ cũng được thực hiện song song, để khai quật những hiện vật, cổ vật còn tồn tại ở trong khu vực này. “Đứng về phía địa phương, chúng tôi sẽ tích cực hổ trợ cho đoàn khảo cổ thực hiện việc khai quật, chuyển hiện vật về trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, để những hiện vật của nền văn hóa cổ xưa này không bị mất mát!”. Đồng ý với quan điểm của đại diện H.Hòa Vang, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề nghị Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng chủ động đưa ra những minh chứng về khu vực di tích khảo cổ Quá Giáng với những hiện vật quý giá. Bên cạnh đó, ông Thanh cũng giao trách nhiệm cho Bảo tàng điêu khắc Chăm chủ động có hướng nghiên cứu, khảo sát tiếp tục khu vực này. Và cũng có tờ trình để ngay khi nếu khu vực này tiến hành giải tỏa đền bù, thì có thể làm trước công tác khai quật, tiếp tục tìm kiếm những hiện vật trước khi công tác xây dựng được tiến hành. “Phải làm trước một bước thì mới kịp thời!” ông Thanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, thì với những di tích Chăm ở Quá Giáng, về trách nhiệm của Bảo tàng, sẽ lên kế hoạch để tiếp tục công tác khai quật trong điều kiện cho phép, sau đó sẽ hoàn thổ, bởi hiện còn rất nhiều công trình, di tích cần kinh phí để được tôn tạo, bảo vệ, trong khi nguồn kinh phí không dồi dào. Và sẽ dồn cho việc đầu tư cho quần thể di tích Chăm ở Phong Lệ, sẽ được đầu tư trở thành một điểm tham quan, du lịch mới.

Như vậy, chưa có một giải pháp thực tiễn nào cụ thể đến thời điểm này về việc tiếp tục công tác khai quật di tích khảo cổ Quá Giáng. Trong khi đó, những người tâm huyết với việc khai quật những di tích quý hiếm, của một nền văn hóa lâu đời thì vô cùng chua xót. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục vào để tham gia công tác khảo cổ ở di tích này. Với kinh nghiệm của người làm công tác khảo cổ lâu năm, thì đây thực sự là một di tích vô cùng độc đáo và rất cần được bảo vệ!” ông Chiều một lần nữa khẳng định về sự quý giá của di tích này.

Diệu Hiền

>> Di tích khảo cổ Quá Giáng trước nguy cơ đe dọa sự tồn tại: Vất vả khai quật cổ vật
>> Phát hiện di tích khảo cổ thời đồ đá cũ
>> Di tích khảo cổ cấp quốc gia bị xâm hại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.