Một kỳ thi quốc gia: Chọn phương án thi theo môn

09/09/2014 05:45 GMT+7

* Môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã quyết định phương án chính thức cho kỳ thi này.

* Môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã quyết định phương án chính thức cho kỳ thi này.

 Chọn phương án thi theo môn
Năm học này, học sinh lớp 12 sẽ tham gia một kỳ thi chung quốc gia thay cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Dự kiến hôm nay (9.9), Bộ sẽ công bố và giải đáp những băn khoăn thắc mắc xung quanh phương án tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia.

Mỗi thí sinh thi tối thiểu 4 môn

Theo nguồn tin riêng của Báo Thanh Niên, về cơ bản, phương án được chọn để tổ chức cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là phương án 1, trong 3 phương án mà Bộ đã công bố.

 
Bộ sẽ tổ chức đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn

Bộ cũng đã soạn sẵn văn bản để trả lời trước dư luận về những thắc mắc xung quanh việc đổi mới này. Theo đó, lãnh đạo Bộ lý giải: Việc đổi mới căn bản, quan trọng nhất của công tác tổ chức thi là tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH sử dụng làm căn cứ tuyển sinh vào ĐH, CĐ thay vì tổ chức 2 kỳ thi để thực hiện 2 mục đích riêng rẽ như trước đây.

Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, Bộ cũng khẳng định thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong đề án tuyển sinh của trường.

Với những học sinh, học viên không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng dạy và học thì không bắt buộc phải thi môn ngoại ngữ, thí sinh tự chọn môn thay thế trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý.

Về cách thức đăng ký tuyển sinh vào ĐH, CĐ khi chỉ còn một kỳ thi quốc gia được Bộ quy định: Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy, thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia. Quy trình này, đối với tuyển sinh ĐH, CĐ đã tách khâu thi và khâu xét tuyển, tạo cơ hội cho thí sinh vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp năng lực và nguyện vọng của mình, tránh sự rủi ro như những năm trước đây có những thí sinh điểm thi cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH.

Hai loại cụm thi

Về tổ chức thi, để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi, sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi tập trung. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.

 

Thi tích hợp từ năm 2017

Theo Bộ, cùng với quá trình chuyển mạnh việc dạy và học từ chủ yếu truyền thụ kiến thức sang chú trọng hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với việc tăng dần yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn từ dễ đến khó để bắt đầu từ năm 2017 sẽ có một số bài thi tích hợp trong kỳ thi THPT quốc gia.

Bộ cũng có những điều chỉnh so với phương án 1 đã công bố trước đó vì căn cứ vào tình hình thực tế, không phải thí sinh nào học hết lớp 12 cũng có nhu cầu đăng ký dự tuyển vào trường ĐH, CĐ. Do vậy, để tránh trường hợp những thí sinh này phải di chuyển quá xa, gây vất vả tốn kém không cần thiết, Bộ bổ sung thêm quy định các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh, sẽ dự thi tại các cụm thi tại địa phương do các sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ.

Đối với các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH, CĐ thì sẽ dự thi tại các cụm thi ở các trường ĐH (tương tự như các cụm thi ĐH năm 2014) do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GD-ĐT.

Chưa yêu cầu thay đổi nhiều trong cách dạy - học

Nhiều ý kiến băn khoăn liệu đổi mới cách thi thì học sinh có cần bổ sung thêm kiến thức gì để có thể đạt kết quả cao trong một kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích. Giải đáp thắc mắc này, Bộ cho rằng để thực hiện mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh, Bộ sẽ tổ chức đề thi theo định dạng của đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 theo hướng tăng cường các câu hỏi ở mức độ vận dụng, câu hỏi mở, giảm dần yêu cầu ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Do đó, trước mắt cũng chưa yêu cầu học sinh thay đổi nhiều trong cách học hay phải bổ sung kiến thức gì mới ngoài chương trình phổ thông. Những đổi mới của kỳ thi đều nhằm theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho học sinh nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.

Tuy nhiên, Bộ cũng “bật mí” nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa có phần cơ bản đáp ứng cho hầu hết thí sinh vừa có phần nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.

Tăng cường công tác thanh tra

Băn khoăn lớn nhất của xã hội với việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” vẫn là mức độ tin cậy của kỳ thi này.

Bộ GD-ĐT cho rằng muốn có kỳ thi nghiêm túc, kết quả có độ tin cậy thì phải làm tốt tất cả các khâu từ ra đề, coi, chấm thi đến xử lý và sử dụng kết quả thi. Ngoài việc đổi mới cách tổ chức thi theo cụm, cách ra đề thi theo hướng mở như đã nói ở trên, theo Bộ, cùng với việc phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ sẽ được tính toán sử dụng ở mức độ phù hợp để tăng cường tính bảo mật, an toàn trong tổ chức thi và độ tin cậy của kết quả thi.

Công tác thanh tra sẽ được tăng cường để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nặng đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi của cán bộ, giáo viên và thí sinh.

Với những nội dung điều chỉnh đã nêu trong phương án, sẽ có một số vấn đề kỹ thuật của kỳ thi cần phải chủ động giải quyết. Quan điểm là Bộ, sở, nhà trường chủ động có phương án để giải quyết những khó khăn, phức tạp của kỳ thi, dành những thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Cụ thể, Bộ sẽ điều chỉnh, bổ sung quy chế thi, việc ra đề thi sẽ vẫn do Bộ đảm nhận, sẽ xây dựng phần mềm quản lý thi THPT quốc gia dùng chung cho cả nước. Công tác tổ chức thi sẽ đòi hỏi trách nhiệm cao hơn đối với các hội đồng thi, công tác chấm thi cũng sẽ mất nhiều thời gian và công sức hơn. Tuy nhiên, tất cả những khó khăn này đều có giải pháp để giải quyết triệt để với trách nhiệm cao nhất của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục các cấp.

“Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức trên cơ sở kế thừa, phát triển những ưu điểm, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Đặc biệt, những ưu điểm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo hình thức “3 chung” trước đây sẽ được áp dụng để tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định.

Tuệ Nguyễn

>> Thủ tướng đồng ý tổ chức một kỳ thi quốc gia
>> Tuần tới sẽ công bố phương án một kỳ thi quốc gia
>> Một kỳ thi quốc gia: Sẽ chọn phương án không gây sốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.