|
Việt kiều đổ vốn vào Phú Quốc
Phú Quốc đang được ví như “thỏi nam châm” thu hút Việt kiều về nước đầu tư. Đặc biệt từ năm 2013, sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 80 về việc ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển đảo Phú Quốc, Việt kiều đổ về Phú Quốc đầu tư càng nhiều hơn. Đông đảo nhất là Việt kiều Đức, Nga, mới đây là Ukraina và một số nước Đông Âu khác. Giới Việt kiều về Phú Quốc đa phần đầu tư những dự án có quy mô vốn từ vài chục đến khoảng 100 tỉ đồng.
|
Ông Nguyễn Đức Chính, Việt kiều Nga và là một doanh nhân ở Hà Nội vừa vào Phú Quốc đầu tư, cho biết: “Năm 2013, khi vừa đến Phú Quốc tôi nhận ra ngay đây thực sự là nơi tuyệt vời để đầu tư du lịch nghỉ dưỡng”. Cuối năm 2013, ông Chính mua được 2 ha đất nằm bên sườn đồi, tại khu phố 7, đường Trần Hưng Đạo, cách thị trấn Dương Đông khoảng 5 km. Khu đất là một vườn cây lâu năm, không có đường đi, không có mặt biển và cách biển khoảng 2 km nhưng có giá lên đến 30 tỉ đồng, tức 1,5 tỉ đồng/1.000 m2.
Để đầu tư khai thác, ông Chính phải tiếp tục rót vốn vài chục tỉ đồng mua đất làm đường và biến khu đất hoang thành một resort với 45 căn bungalow thiết kế theo vòng cung hướng ra biển. “Công trình đang trong giai đoạn thi công nước rút để kịp hoàn thành và nhận khách vào cuối năm nay”, ông Chính nói.
Cách resort của ông Chính không xa là khu đất “vàng” của ông Vũ Chí Thọ, một Việt kiều Đức. Năm 2003, trong một lần về nước, ông Thọ đến Phú Quốc và bỏ ra 2,4 tỉ đồng để mua 3.000 m2 ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, thuộc khu phố 7, thị trấn Dương Đông. Sau 10 năm, khu đất của ông Thọ hiện có giá khoảng 24 tỉ đồng, tăng gấp 10 lần so với khi mua. Ông Thọ nói: “Lúc mua cũng chỉ nghĩ để đó chờ thời, đến nay thì cơ hội đã quá rõ ràng nên quyết định đem tiền về đầu tư xây resort”. Hiện tại ông Thọ đang thuê thiết kế để dự định xây dựng 30 căn bungalow với số vốn trên 10 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông Thọ cho biết không loại trừ khả năng sẽ ngừng thi công để lấy vốn tiếp tục đầu tư vào bất động sản. Bởi theo ông, giá bất động sản ở Phú Quốc dù đang ở mức rất cao nhưng chưa dừng lại.
Đầu tư đón đầu
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND H.Phú Quốc, cho biết hiện người dân trong nước cũng đang tấp nập tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Phú Quốc; trong đó, đông đảo nhất là nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng và một số tỉnh khác như Ninh Bình, Bắc Giang... Ông Trần Vũ, một trong những người đầu tiên từ Hà Nội vào Phú Quốc đầu tư, cho biết cuối năm 2012, ông vào Phú Quốc để tìm cơ hội làm ăn và ngay sau chuyến đi đó ông về lại Hà Nội bán nhà. Cầm 3,5 tỉ đồng tiền bán nhà, ông Vũ trở lại Phú Quốc mua 3.000 m2 đất tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, cách trung tâm Dương Đông khoảng 6 km với giá 1,5 tỉ đồng (500 triệu đồng/1.000 m2). Số tiền còn lại, ông đầu tư vào việc cải tạo và xây dựng một khu resort mini với 6 căn bungalow đầy đủ tiện nghi, có cả hồ bơi. Đến nay sau hơn 1 năm, giá trị khu đất của ông Vũ đã tăng gấp 3 lần và tính cả cơ ngơi của ông Vũ hiện có giá trên 10 tỉ đồng.
Bên cạnh những nhà đầu tư mua đất để khai thác ngay thì hiện ở Phú Quốc cũng có rất nhiều người tìm mua đất ở những xã vùng sâu để đón đầu quy hoạch, nhiều nhất là người đến từ TP.HCM và TP.Rạch Giá (Kiên Giang). Đặc biệt, sau khi những dự án lớn triển khai như dự án của tập đoàn Vingroup có quy mô 304 ha và mới đây là thông tin dự án của Singapore lấy 4.000 ha càng khiến cho đất đai ở những xã xa xôi của Phú Quốc như Cửa Cạn, Cửa Dương, Bãi Thơm, Gành Dầu… tăng giá nhanh chóng. Những giao dịch mua bán từ một đến vài chục héc ta diễn ra thường xuyên. Ông N.V.T, ở TP.Rạch Giá đầu tư mua đất đón dự án ở Phú Quốc, cho biết: “Năm 2012, tôi nghe bạn bè mua 3 ha đất tại xã Cửa Cạn giá trên 1,2 tỉ đồng. Hiện khu đất này nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi dự án khu phức hợp của Singapore. Nếu đất bị giải tỏa, tính theo giá bồi hoàn hiện đang áp dụng tại Phú Quốc, tôi sẽ nhận được gần 11 tỉ đồng”. Cũng theo ông T., chính vì bất động sản tăng giá quá nhanh cùng với sức hút quá lớn của các dự án nên đến nay, những vùng đất có nguy cơ nằm trong các dự án lớn như đất của ông hầu như đã bị các nhà đầu tư lùng sục mua hết.
Ông Lê Văn Thi, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Để tránh đầu tư manh mún, nhỏ lẻ, các dự án đầu tư vào Phú Quốc phải đảm bảo tiêu chí về diện tích từ vài héc ta trở lên mới được xem xét cấp phép. Nơi nào đã quy hoạch thì không cho mua bán sang nhượng. Riêng ở những nơi như thị trấn Dương Đông đã có quá trình phát triển từ trước thì việc người dân mua đất triển khai các công trình hoặc những cơ sở đang khai thác xin chỉnh trang, mở rộng thì vẫn được phép tiến hành miễn là đảm bảo đúng chức năng theo quy hoạch là phục vụ du lịch. Trường hợp đầu tư không đúng khu chức năng thì kiên quyết không cấp phép. |
Đình Tuyển
>> Đấu nối thành công mạng cáp quang từ đất liền ra Phú Quốc
>> Điện quốc gia thúc đẩy đầu tư vào Phú Quốc
>> Nhật Bản hợp tác xử lý nước thải tại Phú Quốc
Bình luận (0)