Nhiều cán bộ cố tình bám lấy nhà công vụ

11/09/2014 09:00 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chính sách về nhà ở công vụ cũng như các trường hợp chây ì không chịu trả lại nhà sau khi đã thành 'cựu' quan chức.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chính sách về nhà ở công vụ cũng như các trường hợp chây ì không chịu trả lại nhà sau khi đã thành “cựu” quan chức.

Nhiều cán bộ cố tình bám lấy nhà công vụ
Khu nhà công vụ chỉ phục vụ cho các ĐBQH chuyên trách trung ương chưa có nhà ở - Ảnh: Ngọc Thắng

Phát biểu tại hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng qua về dự luật Nhà ở sửa đổi, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) phản ánh: Dư luận và cử tri cho rằng việc quản lý và sử dụng nhà công vụ vừa qua còn những trường hợp sai mục đích, không đúng đối tượng, gây bất bình trong xã hội. Trong khi đó, luật Nhà ở sửa đổi chưa có chế tài xử lý những trường hợp không thực hiện nghiêm túc việc quản lý, sử dụng nhà công vụ.

“Có đồng chí khi chuyển công tác được thuê nhà công vụ nhưng khi hết nhiệm vụ vẫn không chịu trả lại nhà, gây khó khăn cho việc bố trí nhà ở cho người kế nhiệm. Để tránh tình trạng phải nói thẳng với nhau nó ngại, cần phải có chế tài, quy định rõ ràng trước khi người được ở nhà công vụ kết thúc nhiệm vụ 6 tháng phải có thông báo để chuẩn bị trả nhà. Ngoại trừ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần ở nhà công vụ vì lý do bảo đảm an ninh, các đối tượng khác nên có chính sách”, ông Vinh đề xuất.

ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng phản ánh thực tế nhiều cán bộ thừa tiền nhưng vẫn bám lấy nhà công vụ. Thậm chí, có nhiều trường hợp được hưởng lợi hàng chục tỉ đồng từ việc hóa giá loại nhà này. “Nên tập trung vào nhà công vụ cho các lãnh đạo Đảng, Nhà nước vì lý do bảo đảm an ninh và những nơi cần thu hút cán bộ như vùng sâu, vùng xa, hải đảo thôi”, ĐB Khanh đề nghị. Đây cũng là kiến nghị của ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH. Ông Bùi Đức Thụ góp ý thêm: Chỗ nào có điều kiện thuận lợi về nhà ở, như các khu đô thị, các thành phố, thì nên trả qua lương hoặc khoán khoản kinh phí hỗ trợ nhà ở cho cán bộ đó luôn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Nhà công vụ đang bị biến thành nhà tư vụ” và đề nghị Chính phủ cần báo cáo QH thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở công vụ thời gian qua tại kỳ họp 8 để sau đó tiến hành tổng kết, quy định vào luật Nhà ở sửa đổi cho phù hợp. Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị tương tự.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa ông Lê Nam cho rằng, quản lý nhà công vụ lâu nay không rõ ràng. Sinh ra nhà ở công vụ nhưng không rõ ai chịu trách nhiệm quản lý, Bộ Xây dựng hay Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính không rõ, trong khi đây là một loại tài sản công.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, luật Nhà ở sửa đổi phải khoanh lại đối tượng ở nhà công vụ theo hướng thu hẹp lại. “Bao nhiêu là người luân chuyển, xã luân chuyển, huyện luân chuyển ầm ầm ra thế, quy định đối tượng ở nhà công vụ rộng như trong luật không khả thi, mà hầu hết lại là nhà nước đầu tư. Phải thu hẹp đối tượng. Về nguyên tắc, dần dần nhà công vụ này phải giảm bớt, vì sinh ra phức tạp, mất đoàn kết ở các cơ quan đơn vị do người này có nhà để cho con cháu, người kia không có”, Chủ tịch QH nhắc nhở.

Sẽ điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu từ 1.1.2018

Buổi chiều, thảo luận về dự luật BHXH sửa đổi, đa số ý kiến tán thành quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với lao động mùa vụ hoặc lao động thực hiện một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho hay, với quy định này sẽ có thêm 5 - 6 triệu lao động cả nước tham gia BHXH bắt buộc, với sự hỗ trợ của ngân sách và người sử dụng lao động.

Nhiều nội dung khác cũng được nhiều ĐB tán thành, như mở rộng đối tượng BHXH tự nguyện đối với cán bộ bán chuyên trách phường, xã, thị trấn và lao động khu vực phi chính thức (theo tính toán, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhà nước sẽ hỗ trợ 5.119 tỉ đồng đóng BHXH cho thêm khoảng 4 triệu lao động khu vực này); giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cho BHXH VN, gắn với thẩm quyền của cơ quan này, trong phạm vi bảo đảm việc thu và quản lý quỹ BHXH...

Đáng chú ý, đa số ĐBQH tán thành từ ngày 1.1.2018 trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo quy định của bộ luật Lao động (thay vì áp dụng từ thời điểm luật này có hiệu lực là 1.7.2015); đồng thời, đồng tình đây là thời điểm điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu theo lộ trình: từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao đông được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.