|
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 12.9 cho biết dịch bệnh Ebola đến nay đã cướp đi sinh mạng của trên 2.400 người, theo AFP. WHO cũng cảnh báo có thể sẽ có thêm hàng ngàn ca nhiễm mới mỗi tuần tại Sierra Leone, Guinea và Nigergia vào đầu tháng 10.
Tuy nhiên, các chuyên gia về vi rút lo rằng những gì chúng ta đã thấy được cho đến nay vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng.
Viết trên tờ New York Times, tiến sĩ Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh truyền nhiễm tại Trường đại học Minnesota (Mỹ) cho biết những chuyên gia nói trên ngại công khai bàn về lo sợ của họ vì e mọi người sẽ hoảng loạn.
Dự đoán về diễn biến trong tương lai của đại dịch hiện tại, ông nói: “Khả năng thứ hai khiến các nhà nghiên cứu vi rút miễn cưỡng thảo luận công khai, nhưng lại bàn riêng với nhau là có thể có loại Ebola biến thể lây qua không khí”.
Tuy nhiên, giáo sư David Heymann, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Sức khỏe Anh, cho biết không thể nào dự đoán được bất kỳ loại vi rút nào sẽ biến thể ra sao.
Ông này còn nói thêm rằng các nhà khoa học trên toàn thế giới không nắm hết được các gien để có thể nói vi rút Ebola sẽ thay đổi như thế nào theo thời gian. Hiện Ebola lây qua tiếp xúc với dịch cơ thể người bệnh.
Nhưng tiến sĩ Osterholm cảnh báo các loại vi rút tương tự như Ebola nổi tiếng với khả năng tự nhân bản và tự sinh sôi. Điều này đồng nghĩa với việc Ebola bùng phát đầu tiên ở Guinea hồi tháng 3 có thể khác với loại đang tấn công Nigeria, Congo và Cameroon.
Lấy ví dụ như vi rút cúm gia cầm H1N1 hồi năm 2009, tiến sĩ Osterholm nói: “Nếu xảy ra biến thể, thì có nghĩa là chỉ cần thở thôi cũng đã khiến người ta có nguy cơ bị nhiễm Ebola”.
Hồi năm 2012, các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện Ebola có khả năng lây qua hệ hô hấp giữa heo và khỉ, 2 loài vốn có lá phổi giống người, theo tờ Daily Mail (Anh).
Tiến sĩ Osterholm còn nói thêm rằng các quan chức y tế, khi thảo luận kín về khả năng này, cũng đã do dự trong việc công bố nó ra.
“Họ không muốn bị buộc tội là người la “cháy” trong một rạp hát đang có đông khán giả. Tôi đoan chắc một số người sẽ buộc tội tôi vì đã làm vậy. Nhưng nguy cơ là có thật và trừ phi chúng ta xem xét nó, thế giới sẽ không có sự chuẩn bị cần thiết để kết thúc đại dịch”, theo ông Osterholm.
Trong khi đó, giáo sư Heymann phản bác: “Không ai có thể tiên đoán điều gì sẽ xảy ra với các biến thể của Ebola. Tôi muốn được xem bằng chứng cho thấy nó sẽ trở thành vi rút lây qua hô hấp”.
“Nghiên cứu về vi rút này vẫn cho thấy đường lây lan là qua chất tiết ra từ cơ thể, giống với các đại dịch đã xảy ra trong quá khứ”, theo ông Heymann.
“Để thay đổi, Ebola sẽ phải phát triển một hệ thống mới hoàn toàn, cho phép nó bám vào các cơ quan cảm thụ trong hệ hô hấp”, giáo sư Heymann nói. “Khác biệt của đại dịch lần này là sự gia tăng về lây nhiễm. Nó lây lay mạnh hơn trong cộng đồng, so với trong bệnh viện như trong các đợt dịch trước đây”, ông cho hay.
Được biết, dịch bệnh Ebola bùng phát từ tháng 3 năm nay, sau khi ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở đông nam Guinea.
Từ đó, dịch bệnh Ebola lan rộng sang các nước Tây Phi như Liberia, Sierra Leone, Guinea, Nigeria, Senegal và Congo. Hiện chỉ mới có các loại vắc xin và thuốc thử nghiệm điều trị Ebola.
Hoàng Uy
>> WHO: Số người chết vì dịch bệnh Ebola tăng lên 2.400
>> Bill Gates quyên góp 50 triệu USD để chống dịch Ebola
>> Cách ly 3 hành khách về từ vùng dịch Ebola
>> Úc cách ly một thanh niên nghi nhiễm Ebola
>> Sierra Leone đóng cửa toàn quốc vì dịch bệnh Ebola
Bình luận (0)