U.19 Việt Nam: Hành trang vào đời!

14/09/2014 19:08 GMT+7

(TNO) Tuổi 19, trong khi hành trang vào đời của các cầu thủ Nhật Bản là những trận đấu trong màu áo các CLB tại J-League (cả J-League 1 lẫn 2) trong khi hành trang vào đời của cầu thủ Myanmar là những trận đấu liên tiếp ở giải hạng Hai nước mình, thì với các cầu thủ U.19 Việt Nam đấy lại là 3 trận chung kết với 3 lần không thắng được định mệnh về nhì.

(TNO) Tuổi 19, trong khi hành trang vào đời của các cầu thủ Nhật Bản là những trận đấu trong màu áo các CLB tại J-League (cả J-League 1 lẫn 2) trong khi hành trang vào đời của cầu thủ Myanmar là những trận đấu liên tiếp ở giải hạng Hai nước mình, thì với các cầu thủ U.19 Việt Nam đấy lại là 3 trận chung kết với 3 lần không thắng được định mệnh về nhì.

>> Nỗi niềm U.19 Việt Nam
>> Bầu Đức: Xé lẻ U.19 Việt Nam chỉ có hại
>> Từ đôi chân trần U.19 Việt Nam hái quả ngọt

 
Những thất bại của U.19 Việt Nam hôm nay sẽ giúp cho các em nhanh chóng trưởng thành hơn trong tương lai - Ảnh: Bạch Dương

Cứ nhìn hình ảnh HLV trưởng Guilaume Graechen đấm mạnh tay vào cabin huấn luyện rồi những Đông Triều, Xuân Trường đổ gục xuống sân sau trận chung kết thứ ba là đủ hiểu nỗi đau, sự tức tưởi của những con người này đã được đẩy cao tới mức độ nào. Phải ở vào vị thế của họ chúng ta mới thấu hết những "thấm thía nhân tình" mà họ đã trải qua lúc ấy.

Nhưng chưa cần đặt mình vào vị thế của họ, ở vị thế của những người quan sát, chính chúng ta cũng không tránh khỏi cái cảm giác buồn buồn, tiếc tiếc, cay cay, vì rõ ràng là với những gì đã có và đã thể hiện họ xứng đáng giành chiến thắng ít nhất là một trong ba trận chung kết ấy.

Tuy nhiên, bình tĩnh lại mới thấy nếu mọi thứ luôn đi theo ý mình thì đời sống đã chẳng là đời sống nữa. Nếu sự công bằng luôn được thực thi và mọi ý muốn của mình đều thành hiện thực thì hành trang vào đời của các cầu thủ tuổi 19 lại thuận trên mức thuận.

Mà ở vạch xuất phát đầu tiên, nếu mọi thứ đều "thuận" thì đấy chưa biết chừng lại là cái hoạ, bởi nó có thể sẽ khiến những cậu bé còn chưa chính thức vào đời ít nhiều rơi vào trạng thái chênh vênh !?

Nó giống như cái chênh vênh của đội trưởng Công Phượng khi phải đối diện với suy nghĩ chuyền bóng hay đi bóng, khi phải lăn tăn giữa việc phục vụ các đồng đội đang ở vị trí thuận lợi hơn mình hay cố gắng phục vụ cái mong muốn tạo nên một tuyệt phẩm của cá nhân mình, trong bối cảnh mà bốn phía khán đài không ngừng réo tên mình như réo tên thần tượng!?  
 
Thay vì quá thuận để đối diện với nguy cơ "chênh vênh" như thế, hãy tiếp tục thất bại để tiếp tục nhìn ra những giới hạn của mình và tiếp tục hoàn thiện mình để lớn lên - đấy thực chất lại là một thực tế bổ ích trong quá trình tuổi 19 chuyển từ trường lớp qua đời sống.

Thực tế thì kể từ ngày vào đời, các cầu thủ cũng đã không ngừng lớn lên. Bằng chứng là họ đã biết cầm nhịp trận đấu, biết đá lúc nhanh lúc chậm theo cách có lợi cho mình thay vì hình ảnh ào ạt tấn công - và "công" từ đầu đến cuối như thủa ban đầu. Họ cũng đã biết... phạm lỗi chiến thuật, biết phá bóng xa khung thành khi cần thiết, thay vì hình ảnh cầm bóng phối hợp non tơ từ dưới lên trên những ngày đầu.

Ngay cả HLV trưởng Guilaume Graechen cũng đã thay đổi để thích nghi với thực tế khắc nghiệt của chiến trường bóng đá. Từ một người đã từng tuyên bố "chúng tôi sẽ không phòng ngự, vì đấy không phải là lối đá của chúng tôi" trước trận U.19 Việt Nam - U.19 Úc ở vòng loại giải U.19 châu Á ông đã chỉ đạo quân mình phòng ngự kiên cố trong suốt 45 phút đầu tiên của lần tái ngộ U.19 Úc ở vòng bảng giải U.19 Đông Nam Á năm nay - một kiểu phòng ngự đầy tính toán nhằm giữ sức cho 45 phút hiệp 2 bùng nổ.

Hành trang vào đời càng nhiều khúc khuỷu, càng nhiều "đòn đau" con người ta sẽ càng được tôi luyện ý chí và trình độ.

Hành trang vào đời, nhưng giọt nước mắt sau 3 trận chung kết sẽ tạo ra một sự dồn nén cực lớn để các cầu thủ quyết tâm đánh thắng những trận đánh chính thức, mà mở đầu sẽ là vòng chung kết giải U.19 châu Á vào tháng sau.

Hành trang vào đời, tuổi 19 Việt Nam cần phải cảm ơn đẳng cấp của U.19 Nhật Bản trong trận chung kết thứ ba, cảm ơn sự già dặn của U.19 Myanmar trong trận chung kết thứ hai và cảm ơn cả kiểu đá láo của U.19 Indonesia cùng tư tưởng ủng hộ cái láo của ông trọng tài điều khiển trận chung kết ấy, vì tất cả đã giúp chúng ta thấy được sự khắc nghiệt của cuộc sống.

Và một cách vô tình, cái mảnh hiện thực khắc nghiệt ấy đã dạy chúng ta theo đúng tinh thần "cho roi, cho vọt" thay vì kiểu nuông chiều, dễ dãi đồng nghĩa  với việc dễ đánh mất bản thân!

Phan Đăng

>> HLV U.19 Nhật Bản: Tôi ghen tị với U.19 Việt Nam
>> HLV Guillaume Graechen: U.19 Việt Nam sẽ biến lời xin lỗi hôm nay thành hành động
>> Sân Mỹ Đình suýt vỡ tung ở trận U.19 Việt Nam - Nhật Bản
>> U.19 Việt Nam thắp hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Tiếc không có cơ hội nhìn U.19 Việt Nam nâng cúp
>> VFF sẽ lấy 1 tỉ đồng làm sổ tiết kiệm cho gia đình cầu thủ U.19 Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.