Sư tử đá tràn ngập Tây Nam bộ

16/09/2014 05:00 GMT+7

Không chỉ có mặt ở các đình chùa, di tích văn hóa tại các đô thị, sư tử đá Trung Quốc còn thâm nhập vào tận vùng nông thôn của miền Tây Nam bộ.

Gác cổng đình chùa, công sở

 
Trong khu nhà làm việc của UBND tỉnh Long An, ngay trước cửa hội trường Thống Nhất có một cặp sư tử đá kiểu Trung Quốc màu trắng - Ảnh: H.P

Bửu Lâm cổ tự nằm ở mặt tiền đường Anh Giác, TP.Mỹ Tho, là một trong những ngôi chùa xưa nhất tại Tiền Giang. Trải qua hơn 200 năm, chùa vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kính ban đầu, được công nhận là di tích cấp quốc gia vào năm 1999. Tiếc rằng, sau khi chùa được trùng tu, gần đây người ta thấy xuất hiện 2 con sư tử đá kiểu Trung Quốc (TQ) đặt chễm chệ ở 2 bên cổng.

Tương tự, Long An cổ tự (xã Bình Phú, H.Cai Lậy, Tiền Giang) là ngôi chùa cổ nằm ở vùng nông thôn, được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và được sắc tứ vào năm 1924. Trước cổng tam quan cũng có 2 con sư tử đá kiểu TQ trấn giữ.

Không chỉ có mặt ở đình chùa, mà trong khu nhà làm việc của UBND tỉnh Long An, ngay trước cửa hội trường Thống Nhất cũng có một cặp sư tử đá kiểu TQ màu trắng với kích thước rất lớn, nhe nanh vuốt đứng canh cửa. Gần đó là nhà khách của UBND tỉnh cũng có một cặp sư tử đá đặt 2 bên lối ra vào.


Cặp sư tử trắng trước Niệm Sư Từ trong sân Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm  

Ngay cửa Bảo tàng tỉnh An Giang lâu nay có cặp sư tử đá màu đen đứng trấn giữ lối vào và nhiều người dân cho rằng việc này không đẹp mắt ở một cơ quan nhà nước. Còn trong khuôn viên Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Châu Thành, An Giang) có cặp sư tử đá trắng đứng trấn giữ trước Niệm Sư Từ cũng tạo nên dư luận không hay vì chốn tôn kính không nên để cặp sư tử trắng ấy nhe răng như dọa nạt học sinh, thầy cô.

Chưa nhắc nhở nên cứ để trưng

Bà Bùi Thị Thúy, Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang, cho biết cặp sư tử đá đen do Đà Nẵng tặng cách nay đã lâu và lãnh đạo bảo tàng thời trước cho đặt trước cửa. Sau khi dư luận lên tiếng, bà có gặp một vài cá nhân hỏi ý kiến thì được tư vấn cặp sư tử đá này do trong nước sản xuất và là quà tặng nên cứ để đó, không cần phải dẹp. Theo bà Thúy, vì chưa có nghiêm cấm hay nhắc nhở nào nên bảo tàng vẫn để đó, chưa di chuyển sư tử đá vào kho.


Sư tử màu đen trước bảo tàng - Ảnh: T.D 

Còn ông Phan Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết khu Niệm Sư Từ được địa phương cho xây trong khuôn viên trường, sau đó một số người đã xin cặp sư tử đá trắng về đặt phía trước. Theo ông Hùng, thời điểm ấy chưa có dư luận vụ sư tử đá nên không ai chú ý đến việc đặt cặp sư tử. Ông Hùng cho biết sẽ xin ý kiến lãnh đạo UBND huyện, Huyện ủy Châu Thành nên để hay dời cặp sư tử ấy đi khỏi Niệm Sư Từ.

Sao không là sư tử Việt ?

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường nói hình tượng sư tử có nguồn gốc từ Phật giáo ở Ấn Độ, tượng trưng cho sức mạnh của giáo lý chánh pháp, nên trong kinh phật có rất nhiều câu chuyện về sư tử chúa. Trong khi đó, ở nước ta vào thời Lý cũng có tượng sư tử, nhưng chủ yếu là sư tử đội bệ tượng phật. Đến thời nhà Lê thì có con nghê (là biến dạng của kỳ lân) với dáng vẻ hiền lành và thân thiện hơn.

 

Có người nói không biết tìm sư tử Việt ở đâu, nhưng theo ông Tường thì nước ta có khoảng 20 hình tượng sư tử khác nhau, tùy vùng và mỗi thời đại. Ngoài một số hình tượng sư tử đặt ở các đình chùa miền Bắc, ở miền Nam có sư tử bằng gốm Cây Mai, Biên Hòa, Lái Thiêu cũng rất đẹp.

Đến thăm chùa Sắc tứ Linh Thứu (tọa lạc tại ấp Chợ, xã Thạnh Phú, H.Châu Thành, Tiền Giang), người ta thấy ngay trước cổng tam quan có 2 con sư tử đá Việt rất đẹp. Đây là ngôi chùa cổ có từ thế kỷ 18 và 3 lần được sắc tứ vào các thời vua Gia Long, Minh Mạng và Bảo Đại.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho rằng sự khác biệt lớn, dễ nhận ra nhất là sư tử Việt không có răng nanh ở hàm dưới, trong khi sử tử đá TQ thì cả 2 hàm đều có và nanh dưới còn sắc bén hơn cả hàm trên. Như vậy chỉ xét riêng về ngoại hình, sư tử Việt cũng có những đặc điểm, nhận dạng riêng, hoàn toàn khác biệt với sư tử TQ.

Hoàng Phương  - Thanh Dũng

>> Di dời sư tử đá khỏi công viên và đền thờ Nguyễn Trung Trực
>> Hà Nội yêu cầu di dời sư tử đá, vật phẩm lạ
>> Sư tử đá đứng trước trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh
>> Vấn nạn tràn lan sư tử đá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.