Tuyển Olympic Việt Nam được kỳ vọng lần thứ 2 vượt qua vòng bảng ASIAD

16/09/2014 14:17 GMT+7

* Lịch sử của môn bóng đá ASIAD - lịch thi đấu tại ASIAD 2014(TNO) Đội tuyển Olympic Việt Nam đã từng 4 lần tham dự môn bóng đá nam tại các kỳ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), nhưng chỉ có một lần duy nhất vượt qua vòng bảng.

* Lịch sử của môn bóng đá ASIAD - lịch thi đấu tại ASIAD 2014 

(TNO) Đội tuyển Olympic Việt Nam đã từng 4 lần tham dự môn bóng đá nam tại các kỳ Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), nhưng chỉ có một lần duy nhất vượt qua vòng bảng.

>> Mạc Hồng Quân hồi sinh trong màu áo Olympic Việt Nam
>> Cầu thủ Olympic Việt Nam: Nghe tin Iran có cầu thủ dự World Cup càng sung hơn
>> HLV Olympic Iran: Từ đầu tôi đã nói tuyển Olympic Việt Nam rất khó chơi

 
Đội tuyển Olympic Việt Nam đang tràn trề hy vọng vượt qua vòng bảng tại ASIAD 2014 - Ảnh: Minh Tú

Lần duy nhất đội tuyển Olympic (nam) Việt Nam vượt qua được vòng bảng là tại ASIAD 2010 ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Trước đó, ASIAD chưa giới hạn độ tuổi tham dự với các cầu thủ, Việt Nam từng dùng đội tuyển quốc gia dự giải đấu ở Bangkok 1998 (Thái Lan). Dưới sự dẫn dắt của HLV Alfred Riedl, tuyển Việt Nam đã thua Turkmenistan 0-2, Hàn Quốc 0-4 và phải dừng chân ngay tại vòng bảng.

Ở kỳ ASIAD 2002 diễn ra tại Busan (Hàn Quốc), đội tuyển Olympic Việt Nam nằm cùng bảng đấu với các đội UAE, Thái Lan và Yemen. Sau 3 lượt trận tại vòng bảng, đoàn quân của HLV Henrique Calisto hòa 0-0 UAE, thua Thái Lan 0-3 và thất bại 0-2 trước Yemen. Do chỉ có được 1 điểm nên Olympic Việt nam một lần nữa lại bị loại ngay từ vòng bảng. 

Sau đó 4 năm tại ASIAD Doha 2006 (Qatar), đội tuyển Olympic Việt Nam có được trận thắng 5-1 trước Bangladesh nhưng thua 2 trận, 1-2 trước Bahrain và 0-2 trước Hàn Quốc, nên giấc mơ vượt qua vòng bảng của Olympic Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.

 
HLV Toshiya Miura (phải) đang dẫn dắt tuyển Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 2014 - Ảnh: Minh Tú

Tại ASIAD 2010 diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc), HLV Calisto bận nhiệm vụ trên đội tuyển quốc gia nên đã giao cho HLV Phan Thanh Hùng phụ trách đội tuyển Olympic Việt Nam và lần đầu tiên vượt qua vòng bảng.

Với đội hình đồng đều và nhiều cầu thủ khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng thầy trò HLV Phan Thanh Hùng cũng phải nhận 2 thất bại trận trước Iran 0-1, thua đậm 2-6 trước Turkmenistan. Tuy nhiên, với chiến thắng 3-1 trước Bahrain đã giúp đội tuyển Olympic Việt Nam giành quyền đi tiếp. Tại vòng 1/16, đội tuyển Olympic Việt Nam thua 0-2 trước CHDCND Triều Tiên.

Như vậy, thầy trò HLV Toshiya Miura sẽ giành quyền vào vòng 1/8 với vị trí nhất bảng H và có thể đối mặt với 1 trong 3 đội (Olympic UAE, Jordan hoặc Ấn Độ) nếu giành chiến thắng trước Olympic Kyrgyzstan ở lượt trận cuối bảng H diễn ra vào ngày 22.9 này. Và đấy sẽ là lần thứ 2 đội tuyển Olympic Việt Nam vượt qua được vòng bảng tại kỳ Đại hội thể thao châu Á môn bóng đá nam.

Lịch sử của môn bóng đá nam và nữ tại ASIAD

Bộ môn bóng đá nam tại ASIAD bắt đầu xuất hiện là vào năm 1951 tại Ấn Độ, trong khi bộ môn bóng đá nữ chỉ khởi tranh từ năm 1990 tại Trung Quốc. Thể thức áp dụng độ tuổi Olympic cho bóng đá nam được bắt đầu áp dụng ở ASIAD 2002 tổ chức tại Hàn Quốc.

Giới hạn tuổi cho môn bóng đá nam là những cầu thủ phải nằm trong độ tuổi Olympic, nghĩa là không quá 23 tuổi. Ngoài ra, mỗi đội đều được phép bổ sung 3 cầu thủ vượt quá số tuổi theo quy định.

Tính đến thời điểm này, đội tuyển đang có số lần vô địch ASIAD nhiều nhất là Iran với 4 lần (1974, 1990, 1998, 2002). Chủ nhà Hàn Quốc đứng thứ 2 với 3 lần đăng quang (1970*, 1978, 1986), trong khi đó Ấn Độ (1951, 1962), Myanmar (1966, 1970*), Trung Quốc (1954, 1958) là những đội có 2 lần lên ngôi vô địch.

Ngoài ra, còn 5 đội khác cũng có 1 lần đứng trên đỉnh vinh quang là Nhật Bản (2010), Iraq (1982), Bắc Triều Tiên (1978), Qatar (2006) và Uzbekistan (1994).

Đội bóng đầu tiên lên ngôi vô địch bóng đá nam ASIAD là Ấn Độ, khi giải đấu được tổ chức tại quốc gia này năm 1951. Đương kim vô địch của giải đấu là Nhật Bản, đội bóng lên ngôi 4 năm trước tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 2010.

Với bộ môn bóng đá nữ, đội bóng đang có số lần vô địch nhiều nhất là Trung Quốc với 3 lần (1990, 1994 và 1998). CHDCND Triều Tiên cũng có 2 lần đăng quang (2002, 2006) và nữ Nhật Bản hiện đang là đương kim vô địch khi nâng cao chức vô địch vào năm 2010.

* Ở kỳ ASIAD 1970, một tiền lệ chưa từng có đã xảy ra: tuyển bóng đá nam Hàn Quốc và Myanmar đã hòa nhau 0-0 sau 120 phút trong trận chung kết và cả hai đội đều trở thành nhà vô địch!

 

ASIAD 2014

* Đội tham dự:

Tại ASIAD 2014, có tổng cộng 29 đội bóng nam, 11 đội bóng đá nữ tham dự giải.

* Lịch thi đấu:

Bộ môn bóng đá ở ASIAD 2014 diễn ra tại Incheon (Hàn Quốc), kéo dài từ ngày 14.9 tới hết ngày 2.10. Trận mở màn hôm 14.9 diễn ra trước ngày khai mạc đại hội 5 ngày.

* Sân vận động:

Tại Á vận hội năm nay, các trận đấu sẽ được diễn ra trên 6 sân vận động là Incheon Munhak, Incheon, Namdong Asiad Rugby Field, Ansan Wa, Goyang và Hwaseong.

* Bảng thi đấu nam:

Ở nội dung dành cho nam, các đội bóng được chia thành 8 bảng, trong đó có 3 bảng có 3 đội (bảng F, G và H), còn lại là 5 bảng có 4 đội. Olympic Việt Nam nằm ở bảng H gồm các đội Olympic Iran và Olympic Kyrgyzstan.

Tại vòng bảng, các đội thi đấu vòng tròn tính điểm, xếp hạng. Kết thúc vòng bảng, 8 đội đứng nhất và 8 đội nhì sẽ giành quyền vào vòng 1/8.

Vòng 1/8 diễn ra vào ngày 25-26.9
Tứ kết diễn ra vào ngày 28.9
Bán kết diễn ra vào ngày 30.9
Chung kết và tranh huy chương đồng 2.10.

* Bảng thi đấu nữ:

Ở nội dung dành cho nữ, các đội bóng được chia thành 3 bảng, gồm 2 bảng có 4 đội và 1 bảng có 3 đội. Đội tuyển nữ Việt Nam nằm tại bảng C gồm các đội CHDCND Triều Tiên và Hồng Kông (Trung Quốc).

Trận ra quân của nữ Việt Nam là chiều 16.9 gặp CHDCND Triều Tiên và vào ngày 23.9 sẽ gặp Hồng Kông. 2 đội đầu mỗi bảng và 2 đội hạng 3 xuất sắc nhất sẽ giành quyền vào tứ kết.

Vòng tứ kết diễn ra vào ngày 26.9
Vòng bán kết diễn ra vào ngày 29.9
Chung kết và tranh huy chương đồng ngày 1.10.

Lĩnh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.