Cháy nhà chạy đi đâu?

18/09/2014 05:50 GMT+7

Hiện trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều nhà dân, đặc biệt là nhà phố trong các quận nội thành, không đảm bảo an toàn khi xảy ra hỏa hoạn. Vụ cháy nhà làm 7 người chết ở Q.5 vừa qua là hồi chuông cảnh báo...

 Cháy nhà chạy đi đâu?
Nhiều nhà dân ở khu đô thị mới An Phú - An Khánh hàn khung sắt bít kín khoảng lùi thoát hiểm phía sau nhà - Ảnh: Đình Phú

Nhà chỉ có 1 lối ra

Vụ cháy nhà 416 Nguyễn Trãi, P.8, Q.5 làm 7 người chết vào rạng sáng 16.9 đã khiến người dân TP bàng hoàng. Điều đáng nói, căn nhà cấp 4 gác gỗ (4 x 14 m) này nằm lọt giữa 2 căn bên cạnh nhưng không có cửa sổ, cửa hậu mà chỉ có 1 cửa duy nhất phía trước. Khi xảy ra hỏa hoạn, mọi người trong nhà không có lối nào thoát ra bởi cửa chính (lối thoát hiểm duy nhất) là vị trí cháy - chứa nhiều hàng hóa dễ cháy.

 

Hỏa hoạn thiêu rụi 12 căn nhà

Khoảng 10 giờ 35 ngày 17.9 đã xảy ra vụ cháy lớn tại khóm 3, P.Mỹ Long (TP.Long Xuyên, An Giang) thiêu rụi 12 căn nhà, 2 căn khác thiệt hại trên 30%. Lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh An Giang đã huy động 5 xe cứu hỏa, 10 máy phun nước cùng hàng trăm chiến sĩ tới hiện trường dập lửa và giúp dân di chuyển đồ đạc ra khỏi đám cháy. Phải hơn một giờ sau đám cháy mới được dập tắt.

Theo điều tra ban đầu, ngọn lửa xuất phát từ nhà ông Tui Tịch (tổ 6, khóm 3) rồi sau đó cháy lan sang các căn khác. Ước tính vụ cháy làm thiệt hại tài sản hơn 1,9 tỉ đồng.

Thanh Dũng

Thực tế, những căn nhà tương tự nói trên hiện tồn tại khá nhiều ở TP. Nhiều nhà mặt tiền đường, mặt tiền hẻm, chủ nhà vừa tận dụng làm nơi sinh hoạt ăn ở, vừa kinh doanh, sản xuất, chứa hàng hóa để kín lối ra vào. Công trình ban đầu là nhà ở, cơ quan chức năng cũng chỉ cấp giấy chứng nhận nhà ở, nhưng theo tập quán, người dân tận dụng nhà ở để kinh doanh hoặc cho người khác thuê kinh doanh là hiện tượng rất phổ biến ở TP.HCM. Vi phạm này mặc nhiên tồn tại từ lâu nhưng cơ quan chức năng không xử lý.

Đó là chưa kể tâm lý người dân sợ trộm cắp hơn cháy nên nhiều khi nhà có lối thoát hiểm, cũng bị xây dựng, rào chắn bít kín không lối thoát. Điển hình như, không ít nhà phố được xây dựng thời Pháp đều dành khoảng đất trống phía sau nhà làm lối thoát hiểm, nhưng đến nay do “tấc đất tấc vàng” nhiều lối thoát hiểm bị người dân lấn chiếm, chiếm dụng cơi nới, xây dựng công trình kiên cố... Vì vậy, khi xảy ra cháy khói, lửa bao trùm căn nhà khiến người trong nhà không biết thoát ra bằng cách nào.

Làm sao thoát hiểm khi cháy?

Theo nhận định của Cảnh sát PCCC TP.HCM, hiện trên địa bàn có rất nhiều hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ dạng hộ cá thể hoạt động mua, bán các mặt hàng có nguy cơ cháy cao (vải, quần áo, đồ vàng mã, gỗ, hóa chất...) nằm đan xen trong các khu dân cư. Nhiều hộ vì lợi ích kinh doanh trước mắt nên chưa chú ý thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC. Rồi việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong sinh hoạt gia đình như: hút thuốc, thắp nhang thờ cúng, bố trí nơi đun nấu, bố trí lắp đặt sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện không đảm bảo khoảng cách an toàn vẫn còn diễn ra dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn PCCC, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy cao. Thực tế, vụ việc tang thương như trên đã từng xảy ra ở Q.6, Q.10, Q.11 làm nhiều người chết và bị thương song không ít hộ dân vẫn chủ quan, chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác PCCC.

Sau vụ cháy mới đây tại Q.5, để phân tích rút kinh nghiệm, khuyến cáo cho người dân, nhiều ý kiến đặt vấn đề rằng: với hiện trạng của căn nhà, nếu đặt giả thuyết 7 người nói trên bình tĩnh thì có cơ may thoát chết không? “Nếu họ bình tĩnh và còn sức lực có thể dùng vật cứng đập phá ô cửa phía sau nhà trên gác gỗ hoặc trổ mái tôn thoát ra ngoài. Tuy nhiên, hộ dân này không trang bị hệ thống báo cháy để phát hiện kịp thời mà dập lửa, tìm cách thoát thân; cũng không trang bị bình chữa cháy, búa, kềm cộng lực để phá ô cửa, trổ mái tôn...” - một cán bộ của Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết.

 Hiện trường vụ cháy 1

Hiện trường vụ cháy 2
Hiện trường vụ cháy làm 7 người chết vào rạng sáng 16.9 - Ảnh: Công Nguyên

Cách xử lý tình huống khi cháy nhà, thượng tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng 2, Cảnh sát PCCC TP, hướng dẫn: “Khi nhà cháy, người dân nên tránh xa những khu vực có thể gây nổ như bình gas, tủ lạnh, máy lạnh... Sau đó, người dân dùng chăn, áo, khăn... thấm nước rồi choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, khí độc, lửa lan sang. Lúc đó, chúng ta nên bò hoặc khom người trong tư thế tầm thấp từ 30 - 60 cm khi di chuyển trong khu vực có nhiều khói vì khói thường bay lên cao. Khi quần áo bị cháy, chúng ta nằm xuống đất lăn qua lăn lại hoặc dùng chăn thấm nước trùm lên người. Ngoài cửa chính làm lối thoát hiểm, người dân nên nghĩ ngay đến lối thoát hiểm phụ như phía sau nhà; lan can, cửa sổ bên hông nhà... có lối thoát sang nhà bên cạnh”.

"Đối với trường hợp nhà dân, khi phát hiện ngọn lửa thì điều đầu tiên phải tìm mọi cách thoát ra ngoài chứ đừng tiếc tài sản. Trong trường hợp không thoát ra bằng cửa chính được thì nạn nhân nên ra ban công, hoặc nơi nào thoáng, tìm cách phát tín hiệu để lực lượng cứu hộ tìm cách cứu", một lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP.HCM khuyến cáo thêm. (còn tiếp).

Sợ trộm hơn sợ lửa

Theo ghi nhận của PV, rất nhiều nhà dân không hề có lối thoát hiểm. Do vậy, cửa ra vào nhà được xem là lối thoát hiểm duy nhất. Trên đường Nguyễn Du, đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Đồng Khởi (P.Bến Nghé, Q.1), nhiều nhà trong các ngõ hẻm có diện tích rất nhỏ, có nhà chỉ khoảng trên 10 m2. Có một số căn rộng hơn thì được ngăn ra cho nhiều gia đình cùng trú ngụ. Chị Thảo, một người dân ở đây, cho biết: “Diện tích nhà nhỏ quá, chỗ ăn chỗ ngủ còn rất chật chội thì làm sao bố trí được lối thoát hiểm. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn thì đành chịu thôi. Bà con cũng biết là rất nguy hiểm bởi không chỉ chật chội mà các nhà còn nằm sát nhau và hẻm cụt, xe máy tránh nhau còn khó vì lối ra vào chỉ rộng khoảng 1 m”.

Ở những khu dân cư mới được quy hoạch bài bản nhưng việc bố trí lối thoát hiểm đề phòng hỏa hoạn cũng không được quan tâm. Tại khu đô thị mới An Phú - An Khánh (P.An Phú, Q.2), theo quy hoạch, các nhà phố phải chừa khoảng lùi 2 m phía sau nhà. Mặc dù các nhà có chừa nhưng sau đó đều bít kín bằng khung sắt, không thể thoát nạn được khi sự cố xảy ra. Có những nhà bít kín khoảng lùi thoát hiểm từ tầng trệt đến tầng 3. Một người dân ở đây phân trần: “Bít lại như thế thì cũng lo là không có lối thoát khi xảy ra hỏa hoạn, nhưng để trống thì lại sợ trộm”.

Tại khu biệt thự Thảo Điền, nhiều nhà biệt thự dùng khung sắt bít luôn phần lan can ở tầng 2 cũng với lý do... chống trộm. Ở các chung cư, đơn cử như chung cư Mỹ Phước (Q.Bình Thạnh), chung cư An Lộc - An Phúc (Q.2), nhiều chủ căn hộ cũng dùng khung sắt bít kín các cửa sổ với lý do “ở trên cao mà nhà có trẻ em nên phải làm như thế để tránh rơi xuống đất”.

Theo một cán bộ Phòng Quản lý đô thị Q.2, những khu dân cư có quy định về khoảng lùi như vậy không nhiều. Mặc dù có quy định là bắt buộc phải chừa nhưng chủ đầu tư thường tiết kiệm đất để có thêm lợi nhuận nên không chừa. Việc này là trái quy định nhưng nhiều trường hợp vẫn “lọt lưới” bởi khâu kiểm tra, xử phạt không nghiêm. Vị này cho biết thêm quy định chung là không được bít lối thoát hiểm nhưng thực tế vẫn xảy ra phổ biến là do việc kiểm tra, xử phạt không xuể.

Đàm Huy

 

>> Cháy giữa trung tâm Sài Gòn, 7 người chết: Giấc mơ cử nhân dang dở
>> Từ vụ cháy rạng sáng khiến 7 người chết: Làm sao để thoát khỏi đám cháy?
>> Cháy nhà ở trung tâm Sài Gòn, 7 người thiệt mạng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.