Trước thông tin Tổ chức phi chính phủ quốc tế Verité công bố báo cáo cho thấy cứ 3 lao động (LĐ) nhập cư trong ngành điện tử tại Malaysia (bao gồm các LĐ VN) có 1 người ở trong tình trạng bị cưỡng bức LĐ, trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết đã đọc báo cáo của Verité.
Ông Hòa khẳng định: “Bộ LĐ-TB-XH sẽ yêu cầu Ban quản lý LĐ VN tại Malaysia rà soát lại và tìm hiểu thêm thông tin. Đây cũng là cảnh báo cho chúng ta xem xét lại nơi nào không đủ điều kiện làm việc thì sẽ không đưa LĐ VN sang đó”. Ông Hòa nói thêm tới đây Bộ sẽ làm việc với Bộ LĐ Malaysia xem xét lại việc sửa đổi Hiệp định hợp tác LĐ với Malaysia.
Từ một cuộc điều tra kéo dài 2 năm do Bộ LĐ Mỹ tài trợ, báo cáo của Verité cho biết 32% trong tổng số gần 200.000 LĐ nước ngoài làm việc trong ngành này thuộc tình trạng LĐ cưỡng bức. Họ bị giữ hộ chiếu và phải làm việc thêm giờ để trả những món nợ do bị thu phí môi giới tuyển dụng quá cao và bất hợp pháp. Cũng theo Verité, mỗi LĐ VN phải trả phí môi giới tuyển dụng là 3.500 ringgit (tương đương 1.080 USD) - mức cao nhất so với các nước Myanmar, Indonesia và Nepal. Trong khi đó, LĐ VN nhận lương thấp nhất, chưa đến 1.000 ringgit (308 USD)/tháng. Có tới 40% LĐ VN ở trong tình trạng LĐ cưỡng bức. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các quốc tịch khác.
Về thông tin LĐ VN phải trả phí môi giới quá cao, ông Hòa cho biết phí đi LĐ ở Malaysia nói chung là thấp, từ khi kinh tế suy thoái mức phí đã giảm nhiều. “Nếu nói thời kỳ xuất khẩu LĐ sang Malaysia rầm rộ thì mức phí có thể tương đối cao, còn bây giờ đương nhiên chuyện đó không thể có như trong báo cáo đề cập. Nhưng cũng có thể chuẩn mực của họ khác với quy định của ta”, ông Hòa nói.
Trong một động thái khác, hôm qua 19.9 Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ đặc biệt lo ngại về những phát hiện đưa ra trong báo cáo của Verité. ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương khẳng định có tồn tại những vấn đề thực sự về điều kiện làm việc, công việc và quá trình tuyển dụng, đặc biệt là đối với người LĐ nhập cư và những vấn đề này cần được giải quyết một cách cấp bách.
T.Hằng
Bình luận (0)