Siêu lãng phí!

21/09/2014 01:23 GMT+7

Dư luận hiện đang quan tâm đặc biệt đến một sự kiện hy hữu: Phim Sống cùng lịch sử được nhà nước đầu tư khoảng 21 tỉ đồng (gần 1 triệu USD), đưa ra rạp chiếu mà không có khán giả mua vé vào xem.

Dư luận hiện đang quan tâm đặc biệt đến một sự kiện hy hữu: Phim Sống cùng lịch sử được nhà nước đầu tư khoảng 21 tỉ đồng (gần 1 triệu USD), đưa ra rạp chiếu mà không có khán giả mua vé vào xem.

Trong khi đó, một quan chức ở Cục Điện ảnh thì cho rằng phim Sống cùng lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Trả lời báo chí, ông cho biết các tỉnh thành báo cáo về đã có hàng ngàn người xem miễn phí. Theo ông, số lượng người xem như vậy là không kém (so với phim giải trí của tư nhân). Bộ phim như vậy đã làm được nhiều việc rồi.

Tôi - một khán giả xem phim bình thường thì nghĩ rằng khán giả VN không vô cảm đến nỗi nghe đến phim lịch sử hay tuyên truyền chính trị là họ không xem. Một nữ khán giả ở Hà Nội nhận xét rằng kịch bản bỏ qua nhiều tình tiết mà lẽ ra có thể khai thác sâu và hay hơn. Cuốn phim chú trọng đến tuyên truyền nên “tham” quá nhiều chi tiết và sự kiện. Khán giả này kết luận chất lượng phim là “tàm tạm”, không thể cạnh tranh với nhiều phim giải trí khác. Do vậy, khán giả không đi xem.

Chúng ta nghĩ sao khi phải tiêu tốn khoảng 21 tỉ đồng để chỉ có một cuốn phim tàm tạm? Cục Điện ảnh nhận xét có hàng ngàn khán giả đến xem miễn phí phim này và cho rằng số lượng như vậy là “không kém” so với phim tư nhân thì cách so sánh như vậy là không đúng. Một đàng, ta mời đến để xem miễn phí, một đàng tự động bỏ tiền ra để mua vé xem phim - hai thái độ, động cơ hưởng ứng khác nhau. Bán vé thì xác định được số khán giả, mời đến thì chỉ ước đoán số lượng; làm sao ta có thể lấy con số mơ hồ đó để nói là nó “hoàn thành sứ mệnh” được?

Tác phẩm điện ảnh thì có hàng ngàn. Cái quyền cao nhất của khán giả là chọn lựa tác phẩm nào mà mình tin tưởng để bỏ tiền ra mua vé xem. Nói gì thì nói, con số khán giả chịu tốn thời gian, chịu bỏ tiền ra mua vé vào rạp xem vẫn là thước đo nghiêm túc và khách quan nhất về giá trị của một cuốn phim. Chỉ có những sản phẩm không có gì mới, xơ cứng đến nỗi chưa xem đã biết nói gì, làm ra cho có theo kiểu “mùa nào thức ấy” thì chẳng hấp dẫn ai được. Do vậy, khán giả quay lưng lại.

Sống cùng lịch sử không phải là cuốn phim duy nhất ra rạp mà không có khán giả. Trước nó, đã có nhiều cuốn phim lịch sử được đầu tư nhiều, được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cũng đã bị khán giả quay lưng, không xem. Ít ra, đơn vị đầu tư và những người làm phim cũng phải nghiêm túc xem lại cách làm phim của mình để cắt nghĩa do đâu mà có tình trạng hẩm hiu ấy. Chứ bỏ ra 21 tỉ đồng để chẳng lấy lại được một đồng nào từ người mua vé vào rạp xem phim thì cái đó là gì nếu không gọi là siêu lãng phí?

Vũ Đức Sao Biển

>> Bao giờ đấu thầu phim lịch sử ?
>> Phim lịch sử Việt Nam: Bao giờ có phim hay?
>> Nhọc nhằn làm phim lịch sử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.