(TNO) Thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt tại phiên họp sáng nay 25.9, đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.
>> Doanh thu game online Việt Nam lớn nhất Đông Nam Á
>> Doanh nghiệp game online chết mòn
>> Bắt con nghiện game online dùng dao cướp của
>> Tạm dừng cấp phép game online
>> Tác động tiêu cực của game online
Mặc dù trong Tờ trình tại phiên họp, Chính phủ không đề cập đến nội dung này trong dự luật sửa đổi, song theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Phùng Quốc Hiển, qua thẩm tra, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, nhất là đối với loại game bạo lực, game gây nghiện cho đối tượng trẻ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
|
Căn cứ của đề xuất trên là ngoài những tác dụng của game trong việc phát triển trí não của trẻ nhỏ, là phương diện giải trí hữu hiệu, hiện nay game bạo lực tràn lan, tỷ lệ nghiện game ở một bộ phận rất lớn trong giới trẻ, bạo lực ở thanh thiếu niên ngày một gia tăng và có tính chất ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.
Lý do khác là loại loại hình kinh doanh game hiện nay là mặt hàng có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. “Chính phủ cần có các giải pháp để quản lý, ngăn chặn game online có hại từ khu vực ngoài lãnh thổ xâm nhập mạnh vào Việt Nam”, nhóm ý kiến này đề nghị.
Tuy nhiên, theo ông Hiển, cũng có ý kiến trong cơ quan thẩm tra có quan điểm ngược lại, vì cho rằng, hiện các sản phẩm trò chơi điện tử được cấp phép tại Việt Nam đều được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, trong khi game online thẩm lậu không kiểm duyệt, chứa nhiều nội dung xấu, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội, chủ yếu từ khu vực ngoài lãnh thổ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Hơn nữa, việc áp thuế TTĐB sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, sản phẩm trò chơi sản xuất trong nước chưa phát triển để thay thế được nguồn trò chơi nước ngoài.
Do vậy, ý kiến này đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần thay thế được các sản phẩm nước ngoài, góp phần phát triển công nghệ thông tin Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Qua thảo luận tại phiên họp, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo dự luật sửa đổi cho biết đang nghiên cứu theo hướng có thể tiếp thu đề xuất Ủy ban TCNS trong việc áp thuế TTĐB với game online.
Nhiều ủy viên Thường vụ Quốc hội cũng ủng hộ quan điểm của cơ quan thẩm tra về việc cần áp dụng thuế TTĐB với loại hình dịch vụ này. Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, nếu quy định áp thuế TTĐB với game online có lẽ sẽ nhận được đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng tuy ủng hộ nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào diện thuế TTĐB song lưu ý: không nên đưa vào luật nội dung “nhất là đối với những loại game gây bạo lực và gây nghiện” như ý kiến diễn giải của cơ quan thẩm tra, theo ông Dũng, vì chưa xác định, thẩm định được rõ tác hại cụ thể từng loại game online nên mới áp thuế, còn một khi đã biết rõ game nào gây bạo lực, gây nghiện thì phải cấm luôn chứ không nên cho phép để rồi đưa vào diện đánh thuế TTĐB nữa.
Duy chỉ có Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu có ý kiến khác. Theo ông Lưu, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online cần có đánh giá thêm, sau đó mới nên quy định vào luật, chưa nên đưa ngay vào luật sửa đổi trình QH kỳ họp tới.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khái quát ý kiến số đông Ủy viên Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Dự kiến, luật này sẽ được thảo luận và thông qua tại kỳ họp 8 của QH diễn ra vào tháng 10 tới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2015.
Bảo Cầm
Bình luận (0)