(TNO) Hàng chục ngàn người biểu tình đòi dân chủ tiếp tục cố thủ trên các tuyến đường ở Hồng Kông trong sáng 30.9, bất chấp lời kêu gọi "quay về nhà" của chính quyền Hồng Kông.
Hàng chục ngàn người biểu tình biến một số khu vực Hồng Kông thành những bữa tiệc đường phố với “không khí lễ hội” trong đêm 29.9, chỉ một ngày sau khi cảnh sát bắn hơi cay, dùng dùi cui trấn áp người biểu tình, theo ghi nhận của AFP.
Chính quyền Hồng Kông kêu gọi người biểu tình đòi dân chủ giữ bình tĩnh và rời khỏi các con đường trong hòa bình nhưng đám đông vẫn cố thủ bên ngoài trụ sở chính quyền Hồng Kông tại quận Central vào tối ngày 29.9 và các con đường chính ở Hồng Kông tại quận Causeway Bay, Mongkok và Admiralty, theo AFP và BBC.
Căng thẳng phần nào được xoa dịu sau khi cảnh sát chống bạo động rút lui, một số người biểu tình ngủ trên đường, một số khác hát hò hoặc hô vang các khẩu hiệu.
Reuters mô tả một số cảnh sát ngồi ở các vệ đường nghỉ ngơi, thư giãn với chiếc điện thoại giữa lúc hàng ngàn biểu tình trên con đường gần đó hát hò và nhảy múa.
Khi được phóng viên Reuters hỏi vì sao có quá ít cảnh sát hiện diện, một cảnh sát viên trả lời: "Thật ra, tôi không có lời giải thích cho bạn. Nhưng chúng tôi mệt mỏi. Chúng tôi cũng chỉ là con người vì thế chúng tôi cần nghỉ ngơi".
Tuy nhiên, những người biểu tình bất chấp lời kêu gọi "quay về nhà" từ chính quyền Hồng Kông, tuyên bố họ sẽ tiếp tục biểu tình cho đến khi nào chính quyền Trung Quốc cho họ được bầu cử tự do.
Hiện chưa có số người chính thức tham gia biểu tình, nhưng những người tổ chức biểu tình cho biết có đến 80.000 người biểu tình. Đến nay đã có 41 người bị thương, trong đó có 12 cảnh sát, sau những vụ đụng độ, 78 người biểu tình bị bắt giữ, trợ lý ủy viên cảnh sát Hồng Kông Cheung Tak-keung cho biết.
Mặc dù sự hiện diện của cảnh sát tại hiện trường có phần giảm đi, người biểu tình vẫn lo ngại sẽ tái diễn những vụ đụng độ như ngày 28.9.
“Chúng tôi không thể thư giãn. Đây vẫn là Trung Quốc, bạn sẽ không bao giờ biết điều gì có thể xảy ra”, Felix Kan, nhân viên thiết kế đồ họa tham gia biểu tình, cho AFP biết.
“Không khí lễ hội” lắng xuống vào sáng ngày 30.9 vì người biểu tình đang dự đoán xem động thái tiếp theo của cảnh sát là gì, phóng viên AFP có mặt tại hiện trường cho hay.
Cuộc biểu tình đòi dân chủ khiến các công ty, trường học, cửa hàng phải đóng cửa và mạng lưới giao thông công cộng tắt nghẽn trong ngày 29 và 30.9.
Vào ngày 29.9, chính phủ Anh kêu gọi quyền biểu tình của người dân Hồng Kông phải được bảo vệ và người dân có quyền biểu tình tuân thủ theo đúng luật pháp.
Chính phủ Mỹ ủng hộ những cuộc biểu tình ở Hồng Kông, kêu gọi các lãnh đạo Hồng Kông kiềm chế, theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ngày 29.9.
Trước đó, vào tháng 8, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu cho Hồng Kông được phép tự chọn đặc khu trưởng vào năm 2017 và chỉ cho phép cư dân đặc khu này chọn lựa trong số các ứng viên mà Bắc Kinh đã định sẵn.
Động thái đã dẫn đến phong trào biểu tình đòi dân chủ bùng phát trên toàn Hồng Kông, được biết đến với tên gọi Occupy Central with Love and Peace (tạm dịch: Chiếm lấy khu trung tâm với Tình yêu và Hòa bình, gọi tắt là Occupy Central). Sinh viên, học sinh cũng bãi khóa tham gia biểu tình đòi dân chủ.
Phúc Duy
>> Thị trường tài chính VN không bị ảnh hưởng bởi Hồng Kông
>> Người biểu tình Hồng Kông đòi hạ bệ lãnh đạo
>> Cảnh sát Hồng Kông thừa nhận sử dụng hơi cay 87 lần
>> Thủ lĩnh biểu tình 17 tuổi ở Hồng Kông là ai?
>> Trung Quốc tăng kiểm duyệt từ khóa 'Hồng Kông' trên internet
>> Trung Quốc phản đối thế lực nước ngoài ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông
Bình luận (0)