|
Đơn ngắn, viết bằng tiếng Pháp đề ngày 26.7.1932: “Kính thưa quan Công sứ. Tôi ký tên dưới đây Huỳnh Cẩm Thành, buôn bán ở Faifo, rất trân trọng kính xin quan vui lòng cho phép tôi được sửa chữa một đôi chỗ lặt vặt trên mái ngói và gạch lót trong nhà tọa lạc trên đường cầu Nhật Bổn số hiệu nhà 185”. Chỉ 4 ngày sau, viên chủ sự công chánh phê đồng ý, quan Công sứ cũng ký cho phép “làm theo chuẩn chấp trên đây” ngay hôm ấy. Cẩn thận hơn, đến ngày 2.8 lại thấy có viên chủ sự cảnh sát tiếp tục ký tên đóng dấu.
Chúng tôi lần tìm địa chỉ “185 đường cầu Nhật Bổn”. Tên cũ không còn sau 3 lần thay đổi sang các đường Cường Để, Nguyễn Văn Trỗi rồi Trần Phú. Nhà số 42 Trần Phú, nơi các nhóm sưu tầm tư liệu văn hóa dân gian bắt gặp lá đơn viết năm 1932, cũng đã qua vài đời chủ. Chỉ biết cụ Bửu Phất, một họa viên đạc điền làm việc tại Ty Công chánh Hội An, mua của chủ cũ họ Huỳnh hồi năm 1954. Cũng năm đó, vợ chồng cụ Bửu Phất sinh đứa con út Vĩnh Hoàng. Chính người con út thuộc thế hệ thứ 5 hoàng tộc nhà Nguyễn này hiện đang quản lý ngôi nhà, còn chủ cũ họ Huỳnh nghe tin đã sang Mỹ định cư và qua đời.
Chẳng rõ chủ cũ họ Huỳnh kia có mối liên hệ nào với ông Huỳnh Cẩm Thành, người ký dưới lá đơn năm 1932. Cũng khó biết đích xác liệu nhà số 42 Trần Phú bây giờ có đúng nhà số 185 đường Nhật Bổn ngày trước. Người viết chỉ nương theo câu chuyện cũ để thử xem, liệu sau này những người liên đới đến ngôi nhà có lá đơn “xin sửa lặt vặt” kia ứng xử ra sao với di tích.
Ông Vĩnh Hoàng nghe mẹ kể lại, khi dọn về nhà mới gia đình ông tốn hết 15 cây vàng để chỉnh trang và phát hiện lu tiền cổ trong vách phía sau. “Còn chuyện sửa nhà ấy à? Phải xin phép kỹ. Như hồi làm lại phần lầu phía sau, hay sửa mấy viên ngói bị bão thổi bay cuối năm ngoái… tôi đều có đơn xin đàng hoàng. Riêng năm 2011 tôi thiết kế lại gian trước để mở tiệm bán hàng da, muốn ốp gỗ lên tường chống ẩm nhưng khi làm gần xong lại phải dừng. Đội quy tắc đô thị bảo chỉ được ráp kệ gỗ”, ông Vĩnh Hoàng nói.
Mấy trăm năm nghiêm cẩn
Tòa Công sứ Pháp, nơi Bảo tàng Hội An tọa lạc bây giờ, cách không xa đường cầu Nhật Bổn cũ. Lá đơn soạn cẩn thận dù chỉ để “sửa lặt vặt” cùng với tiến độ xử lý đơn thư nhanh chóng… đã khiến giới nghiên cứu đặt vấn đề tìm hiểu ý thức thị dân ở phố Hội. Những tư liệu từ thời phong kiến cho thấy thời nhà Nguyễn chuyện quản lý đô thị đã hết sức nghiêm cẩn. Văn bản viết bằng chữ Hán năm Khải Định thứ 6 vừa sưu tầm được còn cho thấy người xưa thuê nhà cũng phải làm đơn từ sòng phẳng. “Nay chúng tôi xin thuê mướn lại để ở trong phố này, hạn trong một năm... đến sang năm vào ngày đầu tháng 2 thì chúng tôi phải dời đi giao phố này cho chủ mua nhận lại không được có lời trái lẽ nào, sợ nói miệng vô bằng nên lập tờ này lưu chiếu”, giấy thuê nhà của hai ông Lý Hòa, Lý Nhã viết.
Không kể đâu xa, thời chính quyền VNCH trước năm 1975, giấy phép xây nhà tại Hội An phải công bố công khai và cử cảnh sát phụ trách lĩnh vực theo dõi chặt, nếu sai sót sẽ xử nghiêm. Sau năm 1975, cả Hội An trở thành khu phố dệt, nhà nào cũng có khung cửi nhưng không vì thế mà người dân phá bỏ cột, vứt hoành phi câu đối để mở rộng không gian mưu sinh… Qua giai đoạn vắng vẻ của một “thị xã dưỡng già”, đến khi mở hội thảo quốc gia (năm 1985) và hội thảo quốc tế (năm 1990), giá trị của phố cổ Hội An ngày càng lộ diện, nhất là từ khi UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (năm 1999).
Cũng từng trải qua những quyết định quản lý khó khăn, những vụ sửa nhà cổ biến tướng, nhưng vì sao Hội An vẫn âm thầm giữ phố? Không kể những chủ trương sát hợp để chủ nhà cổ có thể sống được với di tích, thì ý thức của cộng đồng dân cư cũng rất đặc biệt. Họ chưa giây phút nào quên mình đang bảo vệ di sản thiêng liêng của tổ tiên.
Không cho xâm hại di tích Năm 1979, khi Trung Quốc tấn công ở biên giới phía bắc, có dư luận yêu cầu vứt tượng thần Phục Ba (thần chắn sóng, giúp thương nhân vượt thoát nguy hiểm theo tín ngưỡng người Hoa) thờ ở chùa m Bổn. Khi tiếp nhận ý kiến này, lãnh đạo Hội An báo cáo ông Hồ Nghinh, Bí thư Tỉnh ủy. Quyết định cuối cùng đưa ra: không được phép phá bỏ. Một vị lãnh đạo TP.Hội An bình luận, việc nghiêm cấm xâm hại di tích hồi đó là do ý thức cao về giá trị di sản của địa phương và cộng đồng người dân, chứ không phải đơn thuần chỉ bảo vệ để hướng đến “danh hiệu” nào đó của Hội An sau này. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Biển người đổ về phố cổ Hà Nội vui tết Trung thu
>> Đi tìm, thấy đâu hồn phố cổ?
>> Hội An kè khẩn cấp bảo vệ phố cổ
>> Hấp lực từ phố cổ Hội An
>> Lập 'hộ chiếu tham quan' tại phố cổ Hội An
Bình luận (0)