|
Tham gia hội thảo có đại diện Sở GD-ĐT các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ…
Khá nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề chỗ học cho trẻ mầm non mà các địa biểu tham dự cho rằng là cấp bách. Bởi tốc độ tăng dân số ngày càng cao trong đó tập trung ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.
Tại TP.HCM, để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chia sẻ: “Trong tổng số 15 khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu đang hoạt động đã có 15 dự án đầu tư xây dựng trường mầm non từ nguồn xã hội hóa với tổng quỹ đất là 46.491 m2, dự kiến đáp ứng khoảng 4.000 trẻ”.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương thì đưa ra giải pháp đang thực hiện như cho 13 cá nhân thuê đất xây dựng trường với chính sách ưu đãi giải quyết chỗ học cho hơn 4.000 học sinh. Đồng thời với đó là các chế độ hỗ trợ giáo viên và người lao động trong trường mầm non bao gồm hưởng thêm 4 ngày lương/tháng (khoảng 500.000 đồng/tháng), bảo mẫu nhận lương theo chế độ của giáo viên chưa đạt chuẩn và 35% phụ cấp ưu đãi. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương có chính sách bổ sung 2 đến 3 biên chế nhân viên phục vụ để hỗ trợ giáo viên khi học sinh hoạt động ngoài trời.
Bà Phạm Thị Hải, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện địa phương này có 3 mô hình trường thành lập trên địa bàn có khu công nghiệp là doanh nghiệp xây dựng và trực tiếp quản lý, mô hình thứ 2 là trường do doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhưng thuê đơn vị khác quản lý và mô hình thứ 3 là doanh nghiệp xây dựng xong thì giao cho địa phương quản lý…
Ông Vũ Đức Minh, Vụ phó Vụ Khoa giáo - Văn xã Văn phòng Chính phủ, đưa ra ý kiến: “Bộ GD-ĐT có thể đề xuất cơ sở pháp lý cho việc trích quỹ đất nhà ở để xây trường vào nghị quyết trong phiên họp gần nhất của Chính phủ”.
B.Thanh
>> Xây dựng trường mầm non trong khu công nghiệp
>> Cần xây dựng trường mầm non gần khu công nghiệp
Bình luận (0)