Căn chòi “không thể nhỏ hơn” được treo giữa biển là nơi tá túc của bạn chòi - Ảnh: Thanh Trà Hằng ngày, những bạn chòi làm việc trên những sợi dây thừng căng giữa biển khơi - Ảnh: Tiến Trình |
“Biệt giam” giữa biển
Đáy hàng khơi là nghề giăng những miệng lưới có đáy sâu trên biển, cách xa đất liền từ 5 hải lý trở ra. Lưới đáy được mắc vào những cây cột to, trên cột “treo” căn chòi “không thể nhỏ hơn” làm nơi tá túc cho những người giữ đáy, hay còn gọi là bạn chòi. Công việc của bạn chòi ngoài canh giữ lưới còn phải trông con nước để quyết định buông, kéo lưới, vì thế họ phải bám trụ ngày đêm giữa biển. Không chỉ bị tù túng “giống như biệt giam” trong căn chòi “quay mình là đụng vách”, môi trường sống của bạn chòi chứa đựng rất nhiều hiểm nguy.
“Đi biển đừng nói tới tai nạn. Nhất là mấy ông bạn chòi, nói tới rủi ro là người ta sợ...”, ông Nguyễn Thành Tài, ngư dân thị trấn cửa biển Cái Đôi Vàm (H.Phú Tân, Cà Mau), dặn tôi không nên gợi lại những chuyện không hay khi ra đáy để anh em bạn chòi yên tâm ở biển. Ông Tài nói, thậm chí mỗi khi có sóng gió bất thường hay xui rủi gặp tai nạn, bị tàu đâm... thì người biết tin cũng giấu bạn chòi. “Bởi kiếm bạn bây giờ khó lắm. Nghề khắt khe quá mà, nên rất nhiều người sợ”, ông Tài tâm sự.
Mạng sống “năm ăn, năm thua”
|
Nhiều năm nay, thỉnh thoảng lại có tin bạn chòi gặp nạn trên vùng biển Tây Nam, mà chủ yếu là bị rớt xuống biển. Người may mắn thì được cứu nhưng không phải ai cũng được may như vậy, nên dân đi biển nhiều người rất ớn nghề bạn chòi. “Mình đi tàu nếu có chuyện gì còn chạy vào đất liền, cặp vào đảo. Còn sống trên chòi giữa biển có chuyện gì thì lãnh đủ”, Nguyễn Nhật Hiện (40 tuổi, ngư dân xã Khánh Hải, H.Trần Văn Thời, Cà Mau) rùng mình khi nghe chúng tôi hỏi đến nghề bạn chòi.
“Cũng vì miếng cơm manh áo thôi chú à. Ở đâu có nghề làm ra tiền thì có người làm thôi”, bạn chòi Trần Minh Hơi (38 tuổi, quê Trà Vinh) nói nhanh trong khói thuốc, như đã thủ sẵn câu trả lời khi chúng tôi hỏi đến nghề của anh. Không đợi chúng tôi nhắc, anh Hơi lắc đầu: “Vất vả kiếm cơm thì nhằm nhò gì. Té biển mới sợ chứ...”. Nghe anh Hơi nói, 3 bạn chòi khác cùng phá lên cười. Anh Hơi kể: “Mới tháng trước, mấy ông tàu cá chạy ẩu thế nào tông thẳng vào hàng đáy, có thằng bạn ngủ trên chòi không kịp trở tay, trôi mất!”.
Chuyện bạn chòi Trần Minh Hơi kể không phải là hiếm, nhưng cái cách kể tỉnh rụi của anh khiến người nghe không khỏi chột dạ. Dường như anh đang cố tỏ ra bình tĩnh, tỏ ra sẵn sàng khi ở trong môi trường hiểm nguy có thể đến bất cứ lúc nào.
Có quá nhiều lý do dẫn đến những bất trắc ập xuống với bạn chòi, mà giông lốc làm sập chòi là nỗi lo thường trực. Hầu như năm nào cũng có những bạn chòi tử nạn vì chòi sập. Tuy nhiên, lần sập chòi hàng loạt xảy ra hồi tháng 11.2009 là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với những người làm nghề đáy hàng khơi ở H.Ngọc Hiển. Chỉ một trận mưa giông đã đánh sập gần 450 miệng đáy của người dân 3 xã Tam Giang, Tân Ân và Rạch Gốc. 67 bạn chòi bị rơi xuống biển. Rất may lúc đó chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng đã tổ chức tàu tìm kiếm kịp thời cứu vớt được 65 người, đưa vào đất liền.
“Lốc xoáy thì mình còn đề phòng được. Sợ nhất là nửa đêm bị tàu đâm, đang ngủ không phản ứng kịp là chết như chơi”, bạn chòi Huỳnh Quốc Tuấn thổ lộ. Hầu như năm nào trên vùng biển Cà Mau cũng xảy ra những vụ tàu cá, tàu buôn đâm vào đáy hàng khơi. Tuấn kể, thời gian trước, một hàng đáy nằm phía ngoài đảo Hòn Khoai bị tàu buôn đâm vào, các bạn chòi bị hất văng xuống biển. Rất may là có tàu đánh cá gần đó cứu giúp. “Nhiều trường hợp xấu số thì cũng chịu thôi anh à. Như thằng bạn tôi cũng rơi xuống biển mất tích tới giờ...”, anh Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, những chủ đáy hàng khơi thường cập nhật thông tin thời tiết rất kỹ. Nếu dự báo thời tiết xấu thì trong đất liền sẽ có tàu ra đón các bạn chòi vào bờ. “Sóng cấp 4, cấp 5 là chúng tôi cho bạn chòi vô bờ rồi. Tuy nhiên, cũng có những bất trắc mà chủ đáy không lường trước được. Khi tai nạn xảy ra thì mạng sống của bạn chòi là năm ăn năm thua”, ông Tài cho biết.
Thường chủ đáy không trả lương cho bạn chòi mà ăn chia theo miệng đáy. Cứ 6 miệng đáy đổ được thì bạn chòi được chia 1 miệng. “Nếu trúng thì cũng được năm, ba trăm ngàn một ngày. Nếu thất thì vợ con trong đất liền phải mượn nợ thôi anh”, bạn chòi Quách Phi nói.
Tiến Trình
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 1: Nuôi rắn độc trong nhà
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 2: Săn hải sâm dưới đáy đại dương
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 3: 'Người nhện' trên lèn đá
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 4: Sống cùng thú dữ
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 5: Lau kính cao ốc
Bình luận (0)