South China Morning Post (SCMP) ngày 4.10 dẫn thông cáo từ Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông cảnh báo về những vụ tấn công nhằm vào phóng viên đang tác nghiệp tại khu vực Mong Kok (Vượng Giáp).
"Vài vụ tấn công đã được ghi nhận đối với các nhà báo đang tường thuật vụ ẩu đả tại Mong Kok. Trong một trường hợp, một nữ phóng viên bị một người đàn ông dùng vật cứng đánh vào đầu", theo thông cáo của hiệp hội này.
Một người biểu tình bị thương - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, Tổ chức Ân xá Quốc tế tại Hồng Kông cũng ra thông cáo chỉ trích cảnh sát Hồng Kông không thể bảo vệ được những người biểu tình ôn hòa trước nhóm chống đối, một số phụ nữ thậm chí đã bị quấy rối tình dục.
"Phụ nữ cũng nằm trong số đối tượng bị tấn công, bao gồm các hành động dọa dẫm và quấy rối tình dục, khi xô xát xảy ra giữa những người biểu tình và nhóm phản đối. Việc thiếu động thái của cảnh sát trong đêm nay (3.10) thật đáng xấu hổ.
"Chính quyền đã không làm tròn trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ những người biểu tình ôn hòa đang bị tấn công. Vào tuần trước, cảnh sát luôn hiện diện dày đặc. Nhưng sự thất bại của họ đêm 3.10 làm tăng thêm nguy cơ cho tình hình hiện nay", SCMP dẫn thông cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế.
Một người phản đối biểu tình cầm cờ Trung Quốc - Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, theo ABC News ngày 4.10, cảnh sát Hồng Kông cho biết họ đã bắt giữ 19 người trong các cuộc xô xát xảy ra tại khu vực biểu tình giữa những người chiếm đóng đường phố để phản đối chính quyền Hồng Kông, đòi quyền bầu cử tự do, và những người phản đối họ. Một số người bị bắt giữ được cho thuộc những băng nhóm tội phạm có tổ chức.
Hiện vẫn chưa rõ các cuộc ẩu đả là tự phát, hay đã được sắp đặt trước, dù một số người tấn công mang ruy-băng xanh tỏ dấu hiệu họ ủng hộ chính quyền, trong khi những người biểu tình thắt ruy-băng vàng.
Trước đó, Liên hội Sinh viên Hồng Kông tuyên bố rằng họ quyết định ngưng đàm phán với chính quyền đặc khu, cáo buộc cảnh sát đã cho phép nhóm phản đối dùng bạo lực đối với người biểu tình, theo Wall Street Journal tối 3.10.
“Chính phủ và cảnh sát đã cho phép các băng nhóm và lực lượng sử dụng bạo lực lên người biểu tình ôn hòa, từ đó đặt dấu chấm hết cho hoạt động đàm phán. Họ cần chịu trách nhiệm về việc này”, theo thông cáo được đăng tải trên Facebook của Liên hội Sinh viên Hồng Kông.
Một người biểu tình bị nhóm phản đối lôi đi - Ảnh: Reuters |
Ngày 3.10, các nhóm phản đối đã tập trung tại hai khu vực người biểu tình chiếm đóng gồm Mong Kok và Causeway Bay.
Theo SCMP, một thanh niên cho biết anh ta bị một nhóm người phản đối biểu tình đánh và cảnh sát đã không can thiệp. “Tôi sẽ khiếu nại”, thanh niên này cho biết.
Ian Mo, một nhà khoa học 28 tuổi, cho biết khi đi ngang qua Mong Kok, anh ta thấy cảnh sát mặc đồng phục đang có mặt tại khu vực xảy ra xô xát, nhưng “họ đứng ngay cạnh đám người và đơn thuần là chẳng làm gì cả”, Mo kể.
Tại Mong Kok, xô xát xảy ra sau khi các nhóm phản đối biểu tình cố tìm cách giật lều chứa đồ tiếp tế và hàng rào chắn đường của phe biểu tình trong khu vực. Các nhân chứng cho biết một vài người đã bị thương, nhưng không xác định được chính xác con số.
SCMP cho biết một nhóm khoảng 20 người đeo khẩu trang đã đến Causeway Bay, dở bỏ hàng rào chắn, yêu cầu người biểu tình rời đi.
Trước đó, các sinh viên và người biểu tình đã ra tối hậu thư yêu cầu ông Lương Chấn Anh từ chức, và cho người Hồng Kông toàn quyền bầu cử chức vụ đặc khu trưởng.
Phương Thảo
>> Ẩu đả giữa người biểu tình và chống biểu tình
>> Nhật kêu gọi Hồng Kông giữ chế độ ‘tự do và cởi mở’
>> Người biểu tình Hồng Kông bị chia rẽ
Bình luận (0)