U.19 Việt Nam cần 'tình báo thể thao'

04/10/2014 08:48 GMT+7

(TNO) Những gì diễn ra với thể thao Việt Nam tại ASIAD 2014 một lần nữa cho thấy công tác 'tình báo thể thao' của ta vẫn yếu kém như ngày nào.

(TNO) Những gì diễn ra với thể thao Việt Nam tại ASIAD 2014 một lần nữa cho thấy công tác 'tình báo thể thao' của ta vẫn yếu kém như ngày nào.

>> U.19 Việt Nam hướng đến giấc mơ World Cup U.20
>> U.19 Việt Nam đã tìm thấy 'nhân tố bí ẩn
>> Không để U.19 Việt Nam thiệt thòi, nhưng không ưu ái thi cử

 
Kim Tuấn chỉ giành HCB tại ASIAD 2014 - Ảnh: Quang Tuyến

Thì đấy, chàng trai cử tạ Thạch Kim Tuấn khoẻ khoắn, tự tin là thế, và thực tế là đã phá kỷ lục ASIAD với mức tổng cử lên tới 294 Kg mà vẫn mất HCV vì... đối thủ giỏi ngoài sức tưởng tượng.

Khi đối thủ của Tuấn - vận động viên CHDCND Triều Tiên Om Yun Chol đạt mức tổng cử 298 Kg thì gần như tất cả các nhà hoạch định thể thao của ta đều đánh giá theo kiểu: "Chúng ta đã xuất sắc rồi, nhưng bạn còn xuất sắc hơn".

Ô hay, vậy thì công tác tìm hiểu, dự báo đối thủ của ta phải chăng đã có một sai số lớn giống hệt những sai số trong những bản dự báo thời tiết trên truyền hình?

Rồi đấy, khi nữ hoàng Kata Hoàng Ngân thắng như chẻ tre để lọt vào chung kết và khi nội dung chung kết không có VĐV chủ nhà Hàn Quốc thì ai cũng nghĩ trọng tài sẽ không "ép" ta, đồng nghĩa với việc  ta có chắc tấm HCV.

Nhưng không có Hàn Quốc thì lại có Nhật Bản. Những phóng viên ở "chiến trường ASIAD" thuật rằng lãnh đạo thể thao Việt Nam như "chết đứng" trước màn biểu diễn tuyệt vời của VĐV Shimizu Kiyou - người Nhật, để rồi sau đó phải tâm phục khẩu phục với chiến thắng của Kiyou trước Hoàng Ngân.

 
U.19 Việt Nam nằm ở bảng đấu có 3 đối thủ cực mạnh tại vòng chung kết châu Á - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nói chuyện cử tạ, chuyện Karatedo, giờ quay sang chuyện bóng đá: Già tuần nữa là vòng chung kết U.19 châu Á - giải đấu mà U.19 Việt Nam quyết tâm lọt vào top 4 để đi dực vòng chung kết World Cup U.20 thế giới vào năm sau. Giải đấu mà chúng ta rơi vào một bảng rất khó chịu với sự góp mặt của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Nhật Bản thì quá rõ rồi, vì trong năm nay họ gặp ta hai lần với hai đội hình khác nhau, nhưng với Trung Quốc và Hàn Quốc thì sao? Hỏi ban huấn luyện U.19 đến những người có trách nhiệm với nền bóng đá thấy ai cũng nói cảm tính, chung chung rằng: nếu Nhật Bản quá mạnh thì Trung Quốc, Hàn Quốc là đối thủ vừa tầm, và quân ta phải gồng lên quyết đấu.

Nó cũng giống hệt như chuyện ở giải U.22 Đông Nam Á vài tháng trước, khi U.19 Việt Nam gặp U.19 Myanmar thì ai cũng nghĩ là ta thắng chắc, nhưng sau này, khi trở thành bại tướng của Myanmar thì ta mới biết rằng: đội bóng này đã được âm thầm chuẩn bị trong suốt 2 năm, và nếu xét ở số lượng các trận đấu đã trải qua thì họ thậm chí cọn dạn dày, quái thủ hơn ta khá nhiều.

Trong hoạt động thi đấu thể thao, đặc biệt là ở những giải đấu có ý nghĩa chiến lược như vòng chung kết U.19 Đông Nam Á, công tác "tình báo đối thủ" có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Mong là công tác này sẽ được thực hiện kịp thời, hiệu quả, để U.19 tới đây không rơi vào cảnh của những Kim Tuấn, Hoàng Ngân - những người mà trước khi lên sàn thực sự mới chỉ "biết mình" chứ chưa "biết người", càng chưa biết được "bửu bối của người"!

Phan Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.