|
Ông Yudhoyono, thân thuộc với công chúng xứ vạn đảo với cái tên SBY, trúng cử tổng thống Indonesia năm 2004. Năm 2009, ông tái đắc cử với số phiếu áp đảo.
Indonesia dưới sự lãnh đạo của ông trở nên vững vàng về kinh tế, bộ mặt xã hội được cải thiện và vị trí chính trị trên bàn cờ quốc tế được nâng lên rõ rệt.
Một trong số những “dấu son” của Indonesia dưới thời SBY là việc áp dụng luật bầu cử trực tiếp các vị trí lãnh đạo địa phương như tỉnh trưởng, thị trưởng, quận trưởng vào năm 2005.
Hình thức bầu cử này cho phép người dân tiến cử những người mà họ tin cậy lên làm lãnh đạo, thay cho chế độ bầu cử từ thời Suharto vốn bị chỉ trích là mang tính bè phái, “con vua thì lại làm vua”, bởi nó chỉ cho phép những ứng viên do cơ quan lập pháp địa phương chỉ định ra tranh cử.
Chính nhờ bầu cử trực tiếp, nhiều địa phương qua đã chọn được những lãnh đạo xuất sắc, không xuất thân “dòng dõi”. Tổng thống tân cử Joko Widodo, thường được gọi là Jokowi, vốn là một doanh nhân buôn bán đồ nội thất, có được ngày hôm nay là nhờ chế độ bầu cử trực tiếp này.
Ông Jokowi chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20.10 này, kế nhiệm SBY.
“Đạo đức giả”
Sau thất bại trước Jokowi trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 9.7, cựu trung tướng Prabowo Subianto đứng đầu liên minh 6 đảng (KMP) ra sức thách thức đối thủ và thể hiện sức mạnh của mình tại Hạ viện gồm 560 ghế.
Hồi cuối tháng 8, KMP trình Hạ viện một dự luật bãi bỏ chế độ bầu cử trực tiếp ở địa phương và yêu cầu các ứng viên phải được hội đồng lập pháp địa phương phê chuẩn.
Mặc dù đến 81% dân chúng Indonesia ủng hộ bầu cử trực tiếp và dự luật bị chỉ trích gay gắt, nhưng hành động của ông Prabowo là không khó hiểu bởi liên minh của ông nắm trong tay cơ quan lập pháp ở 31/34 tỉnh thành cả nước.
Tổng thống SBY ban đầu được tin là sẽ chỉ đạo 148 nghị sĩ đảng Dân chủ do ông làm chủ tịch bỏ phiếu phản bác dự luật, cũng ngầm hiểu là thể hiện sự ủng hộ đối với người kế nhiệm Jokowi.
Tuy nhiên, đêm 25 rạng 26.9, 142 nghị sĩ Dân chủ đã bỏ về khi cuộc bỏ phiếu thông qua dự luật diễn ra, dẫn đến phe KMP chiến thắng với 226 phiếu thuận, 135 phiếu chống. Dư luận gọi sự kiện này là một “bước lùi lịch sử” của Indonesia, bởi nó “giết chết dân chủ”.
Ngay giờ mở cửa sáng 26.9, chỉ số chứng khoán Indonesia lập tức giảm 1,3%, trong khi đồng rupiah giảm 0,3% so với đồng USD. Mặc dù vào thời điểm bỏ phiếu, ông SBY đang họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ), mọi sự chỉ trích đều nhắm vào ông.
Tờ Jakarta Globe gọi thái độ của ông SBY là “nửa vời” và “đạo đức giả”, bởi nếu ông thật tâm muốn bác bỏ dự luật và ủng hộ Jokowi thì dù ở đang ở đâu ông cũng có thể đôn đốc việc bỏ phiếu của các nghị sĩ đảng mình, tờ báo này lập luận.
|
Vật vã cứu vãn tình thế
Ngay trong ngày 26.9, trên mạng xã hội Twitter, cụm từ “nhục nhã thay SBY” (#ShameOnYouSBY) xuất hiện và lan truyền trở thành chủ đề nóng khắp thế giới.
Nhưng đến tối 27.9, cụm từ này biến mất một cách bí ẩn trên Twitter. Dư luận Indonesia cho rằng chính quyền Jakarta đã ra tay can thiệp, nên cho ra đời tiếp chủ đề “Bị nhục bởi SBY” (#ShamedBySBY).
Chưa hết, có người còn “cho” ông SBY xuất hiện trên bìa tạp chí Time “số đặc biệt tháng 10.2014” với lời chế nhạo “10 năm lãng phí thời gian / Cảm ơn Indonesia” cùng chữ ký của ông SBY.
Ngày 28.9 (giờ Jakarta), từ Washington (Mỹ), ông SBY phát biểu: “Trong nhiệm kỳ của Jokowi, tôi sẽ đấu tranh vì một hệ thống bầu cử trực tiếp ở địa phương có cải tiến. Đó là lời hứa của tôi”.
Ông SBY cũng cho biết sẽ đưa yêu cầu xem xét tư pháp lên Tòa hiến pháp, đề nghị tòa bác bỏ dự luật vừa thông qua, một động thái mà nhiều hội nhóm, đoàn thể và đảng phái ở Indonesia cũng chuẩn bị.
Rồi từ Washington, ông SBY bay sang Kyoto (Nhật Bản) và cắt ngắn chuyến thăm chính thức xứ hoa anh đào để về nước giải quyết vụ khủng hoảng nói trên.
Nhưng trong lúc đang ở Nhật Bản, ông SBY đã gọi điện nói chuyện với chánh án tối cao Tòa hiến pháp Hamdan Zoelva để thảo luận về vụ việc.
Hành động thảo luận riêng với tòa án của ông SBY bị chỉ trích nặng nề từ các hội đoàn luật sư và bị cảnh cáo bởi cơ quan công tố, vì nó vi phạm nguyên tắc độc lập của tòa án, phạm vào cái gọi là “mâu thuẫn lợi ích”; trong khi Tòa bị cáo buộc là “vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.
Cuối cùng, ông SBY phải dùng đến “thượng phương bảo kiếm” của một tổng thống là ban hành hôm 2.10 một sắc luật đặc biệt (Perppu) có giá trị ngang với một đạo luật vừa được Hạ viện thông qua, nhằm vô hiệu hóa đạo luật đó.
Tuy nhiên, để có hiệu lực, Perppu lại phải được Hạ viện bỏ phiếu thông qua. Điều này cũng đồng nghĩa với một thách thức lớn khác, khi mà Hạ viện mới, với các nghị sĩ được bầu trong cuộc tổng tuyển cử ngày 9.4, đã nhậm chức hôm 1.10, trong đó liên minh KPM nắm đến 292 trong tổng số 560 ghế (52%). Chưa hết, 5 vị trí cao nhất của Hạ viện, gồm 1 chủ tịch và 4 phó chủ tịch, đều vào tay các đảng của KPM.
Mặc dù đã “đá” trách nhiệm duy trì hệ thống bầu cử dân chủ trở lại cho cơ quan lập pháp, những ngày cuối tại vị của vị tổng thống thứ 6 của quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới xem ra không đáng để nhớ lắm.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Tổng thống Indonesia sẽ làm gì khi mãn nhiệm?
>> ‘Chính trị gia chân đất’ đắc cử Tổng thống Indonesia
>> Tổng thống Indonesia chính thức có chuyên cơ
Bình luận (0)