Không phải tình cờ mà ông Thư ký thường trực Viện hàn làm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển Peter Englund chọn lấy cuốn sách "Missing Person" (bản tiếng Việt: Phố những cửa hiệu u tối, được Dương Tường dịch từ bản gốc tiếng Pháp) để ca ngợi sự nghiệp nhà văn 69 tuổi người Paris trước hàng chục nhà báo, tại buổi lễ công bố người thắng giải Nobel văn chương chiều tối ngày 9.10 (giờ VN).
Việc quyết định trao giải cho ông, người rất ít được biết tới trong khu vực văn chương tiếng Anh, với lý do ông đã sáng tạo được "nghệ thuật của phần ký ức đã giúp ông gọi lên những thân phận ẩn giấu và khai mở cả một thế giới đời sống khi bị chiếm đóng". Bút pháp này của ông được thể hiện rất rõ trong "Missing Person".
Người ta bảo, với kiểu nhân vật như thám tử Guy Roland - hiện thân của mẫu hình con người tìm kiếm ký ức, ông và thế hệ của mình đã tìm thấy những gì thuộc về căn tính, nguồn cội. Khi mà chiến tranh đã cắt một đường chia sâu thẳm, ngăn hiện tại nối liền với ký ức.
Trong cuốn truyện khá mỏng, được in ở Việt Nam cách nay gần chục năm, Patrick Modiano kể lại chuyện thám tử Roland quyết định đi tìm lại quá khứ của mình, khi một vụ tai nạn bí hiểm đã cướp đi ký ức của ông vào 15 năm trước. Trên đường ranh mong manh của trí nhớ, ông không thể làm gì khác hơn là đành phải dựa vào những gì mà lịch sử để lại.
Tượng đài văn chương Pháp Patrick Modiano, chủ nhân Nobel văn chương 2014 - Ảnh: AFP |
Ông bắt đầu nhận ra ngày xưa ông từng là một người Do Thái có tên Salonica, sống ở Paris nhưng dùng một cái tên giả là Pedro McEnvoy và làm việc cho sứ quán cộng hòa Dominica. Quá khứ bị phong kín cứ thế từng bước được lần giở, băng qua cuộc chiến tàn khốc nhất của thế kỷ 20, với tất cả những sự thật bàng hoàng, đau đớn và mất mát của nó.
Sinh trong một gia đình Do Thái ở ngoại ô Paris, ông có một người cha có nhiều hoạt động bí mật dưới thời chiếm đóng của Quốc xã, đến mức ông chỉ có thể gặp cha trong những lần riêng tư, tránh nơi công cộng. Thân thế Do Thái với tất cả ám ảnh tội lỗi, hoang mang lẫn vinh dự của nó dường như đã là động lực chính thúc đẩy ông không ngừng tìm kiếm bằng con đường văn chương. Dù trên thực tế, ông đã quyết định thôi không còn tìm gặp cha nữa vào năm 17 tuổi.
Cuốn tiểu thuyết khác "Dans Le Cafe De La Jeunesse Perdue", được dịch giả Trần Bạch Lan chuyển ngữ sang tiếng Việt với tựa đề Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, cũng là một phản chiếu của thế giới tinh thần hoang mang và bất ổn của con người đã mất dấu căn cước, vốn giúp anh ta định dạng mình là ai trong cuộc đời. Hai nhân vật gặp gỡ nhau tại một quá cà phê, để rồi khi nghĩ lại, họ đều cảm thấy mình "không có nổi một chỗ neo đậu trong cuộc đời" và "cả hai đều cô độc trong thế giới".
Sự kiện tượng đài văn chương Pháp Patrick Modiano đoạt giải Nobel 2014 có thể nói mang một ý nghĩa riêng đối với ngành xuất bản Việt Nam trong bối cảnh nhiều tác giả đoạt giải gần như gây... hoang mang cho người đọc do chưa có tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Nhiều người chỉ được dịch và xuất bản sau khi đoạt giải, điển hình như nhà văn Pháp Le Clezio, nhà văn người Áo Elfriede Jelinek...., hiếm có trường hợp nào như Mạc Ngôn vốn đã nổi tiếng ở Việt Nam trước đó. Trái lại, Patrick Modiano đã được nhiều bạn đọc yêu văn chương Việt Nam biết tới qua nhiều tác phẩm có bản tiếng Việt, lẫn nhiều hội thảo về ông được tổ chức.
Minh Chánh
>> Tác giả 'Phố những cửa hiệu u tối' đoạt Nobel Văn chương 2014
Bình luận (0)