Một trong những nội dung gây tranh cãi nhiều nhất là ngưỡng điểm sơ tuyển vào ĐH này. Theo đề án dự thảo, ĐH này xét tuyển thí sinh (TS) có điểm trung bình THPT đạt 6,5 điểm trở lên (điểm trung bình của năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Tuy nhiên, theo PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn: “Việc đặt ra ngưỡng này chỉ thuận lợi cho các trường trong công tác tuyển sinh do hạn chế được phần nào TS ảo. Còn xét về khía cạnh giáo dục là đang “khóa sổ” cơ hội vào học ĐH Quốc gia của những TS không đạt mức điểm này”.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, cho rằng cần nhìn nhận việc này ở góc độ phân luồng giáo dục. Theo tiến sĩ Chính, TS không đạt ngưỡng điểm trên sẽ có cơ hội để vào các trường ĐH khác hoặc sẽ vào ĐH Quốc gia bằng con đường khác.
Ủng hộ đề án, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên nói nhiều nước trên thế giới cũng chọn giải pháp này để tuyển TS vào trường, nên cũng cần có ngưỡng để khẳng định uy tín của mình.
Chốt lại vấn đề, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM bảo lưu chủ trương sơ tuyển trước khi xét tuyển vì cho rằng việc sơ tuyển sẽ giúp các trường thuận lợi hơn trong quá trình đào tạo sau này. Hơn nữa, số lượng TS đạt điểm trung bình từ 6,5 điểm trong các trường THPT hiện nay, đặc biệt là trường ngoài công lập, là “dễ ợt”.
Cũng tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề xuất sẽ miễn lệ phí cho TS xét tuyển vào ĐH Quốc gia. ĐH này sẽ tiếp tục hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật để công bố chính thức đề án vào ngày 15.10.
Hà Ánh
Bình luận (0)