|
Khi tân Tổng thư ký khối liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhậm chức vào ngày 1.10, các tờ báo của Nga, trong đó có The Moscow Times, giật tít: “Lãnh đạo mới của NATO Jens Stoltenberg nhận được sự ủng hộ từ ông Putin”. Quả là tin tích cực trong lúc quan hệ giữa NATO với Nga đang căng như dây đàn xung quanh cuộc chiến tại Ukraine. Tuy nhiên, những thông tin về quá khứ của ông phần nào giải thích cho cái tít đầy ẩn ý của tờ báo Nga. Hãng tin RIA-Novosti dẫn lời một cựu quan chức KGB (Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô) Mikhail Butkov cho hay ông Stoltenberg từng có quan hệ ngầm với lực lượng tình báo này trong thời Chiến tranh lạnh.
Quá khứ dây dưa
“Vào đầu thập niên 1990, Stoltenberg đã liên lạc với một quan chức KGB, và người này đã lập hồ sơ cá nhân và thông tin chính trị của Stoltenberg, đặt cho ông bí danh Steklov”, theo một bài báo đăng trên tờ Norway Post vào ngày 24.1.2000, tức chỉ cách vài tháng trước khi ông nhậm chức thủ tướng Na Uy vào tháng 3 cùng năm. Dường như dĩ vãng này vẫn sẽ tiếp tục ám ảnh Stoltenberg trong những năm tới. Ông Stoltenberg từng là thủ tướng Na Uy từ năm 2000 - 2001 và từ 2005 - 2013. Ông được chỉ định làm tổng thư ký mới của NATO từ tháng 3.2014. Kể từ đó, những tin đồn về mối quan hệ bí ẩn giữa nhà lãnh đạo NATO với KGB bắt đầu râm ran trở lại trong giới truyền thông.
Phản hồi về những lời đồn đại bất lợi trên, các quan chức tình báo Na Uy thừa nhận KGB từng muốn tuyển mộ ông Stoltenberg vào đầu thập niên 1990 nhưng thất bại. Ông Stoltenberg lúc đó đã báo tin cho nhà chức trách Na Uy về vụ việc, theo hãng AP. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Cách đây khoảng 14 năm, Đài truyền hình quốc gia NRK 1 của Na Uy đã trình chiếu một bộ phim tài liệu nhan đề “Đòn tấn công cuối cùng của KGB”, nói về hoạt động của tổ chức tình báo khét tiếng tại quốc gia vùng Scandinavia trước khi Liên Xô tan rã. Bộ phim tài liệu phân tích những số liệu và chứng cứ do cựu sĩ quan KGB Mikhail Butkov cung cấp. Butkov đã được cài vào Na Uy dưới vỏ bọc phóng viên vào những năm cuối cùng của thập niên 1980.
Mặc dù Phần Lan và Thụy Điển được xem là các quốc gia trung lập trong giai đoạn Chiến tranh lạnh, những nước này vẫn bí mật hỗ trợ các thành viên NATO tại bán đảo Scandinavia là Na Uy và Đan Mạch trong các hoạt động tình báo chống Liên Xô, theo ghi nhận của Giáo sư Geoffrey R.Weller của Đại học Bắc British Columbia (Canada) trong một báo cáo về tình hình an ninh ở Scandinavia năm 1997. Theo Đài NRK 1, Butkov đã đào ngũ vào năm 1989 sau thời gian hoạt động ngắn ngủi ở Na Uy, trước khi chạy sang Anh vào tháng 5.1991. Từ giữa năm 1989 đến 1991, Butkov làm gián điệp hai mang với các bí danh là “Plainsman” và “Lennart”. Ông ta tuồn những tin tức về hoạt động của KGB cho Cơ quan An ninh cảnh sát Na Uy (POT), cũng như Cơ quan tình báo Anh MI6. Butkov đồng thời cung cấp cho hai cơ quan này thông tin về những chính khách hoặc quan chức Na Uy được KGB liệt vào danh sách hữu dụng. Dựa trên các thông tin đó, lực lượng an ninh Na Uy có thể ngăn chặn được nguy cơ rò rỉ dữ liệu mật và cảnh cáo các chính khách nào có ý đồ hợp tác.
Hồ sơ Steklov
Thông tin về một chính khách không nêu tên mang bí danh “Steklov” đã được Butkov chuyển cho POT vào năm 1989. Để tìm ra tên thật của người được KGB đánh giá là có thể trở thành nguồn cung cấp tin hiệu quả, Butkov quay lại tổng hành dinh KGB tại Moscow và bí mật tiếp cận hồ sơ có tên “Steklov”. Vào tháng giêng năm 1990, trong một cuộc gặp với phía POT, Butkov tiết lộ “Steklov” chính là Jens Stoltenberg.
Đáng chú ý hơn nữa là ngay sau khi bị Butkov tiết lộ danh tính, ông Stoltenberg được chọn vào Ủy ban Quốc phòng. Để nhận vị trí mới, Stoltenberg phải điền vào một bản các câu hỏi đặc biệt, qua đó thừa nhận đã tiếp xúc với Boris Kirillov, nhà ngoại giao và thư ký truyền thông của Đại sứ quán Liên Xô tại Oslo. Theo Butkov, Kirillov là quan chức KGB chịu trách nhiệm tuyển mộ các quan chức Na Uy làm điệp viên hoặc nguồn cung cấp tin. Stoltenberg trở thành thành viên của Ủy ban Quốc phòng vào tháng 2.1990. Đến tháng 5.1990, các đặc vụ Na Uy lần thứ hai yêu cầu Stoltenberg ngưng ngay liên lạc với Kirillov. Sau đó một năm, chính quyền Olso tuyên bố không chấp nhận Kirillov làm việc tại nước này.
Thông tin trên đã được loan tải trên truyền hình Na Uy vào năm 2000, nhưng giới hữu trách bác bỏ sự liên quan và nhận xét rằng ông Stoltenberg không làm gì sai trái. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm, câu hỏi liệu tổng thư ký thứ 13 của NATO phải chăng từng là điệp viên KGB vẫn tiếp tục xuất hiện và khó có thể rũ bỏ.
Thụy Miên
>> Quan hệ Mỹ-Trung không có chỗ cho 'chiến tranh lạnh
>> Chiến tranh lạnh
>> Tổng thống Mỹ chỉ trích 'tâm lý Chiến tranh lạnh' của Nga
>> Nga tố Mỹ chơi trò Chiến tranh lạnh
>> Lo ngại về cuộc Chiến tranh Lạnh mới
Bình luận (0)