'Người khổng lồ' chân đất sét - Kỳ 3: Công nghiệp điện tử vay mượn

16/10/2014 06:00 GMT+7

2 năm nay, xuất khẩu điện tử soán ngôi dệt may, đứng đầu trong các ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất VN. Những sản phẩm điện thoại cao cấp, chip, vi mạch ... "Made in VN" đang tỏa đi khắp thế giới. Chỉ tiếc rằng, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đứng ngoài miếng bánh ngon này, phần thu ngân sách cũng cực kỳ ít ỏi.

Nhiều doanh nghiệp gia công, lắp ráp hàng điện tử đang được hưởng ưu đãi cao nhất - Ảnh: M.Phương

Chỉ góp đất và lao động 

 

Kim ngạch xuất khẩu hằng năm của sản phẩm công nghệ thông tin - điện tử đang dẫn đầu nhưng chúng ta chỉ đóng góp nguồn lao động và cho thuê đất để tạo ra những sản phẩm đó

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM

Trong 17,1 tỉ USD xuất khẩu (XK) điện thoại các loại và linh kiện của 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 99,6%. Còn XK máy tính và linh kiện, DN FDI cũng chiếm hơn 90%. Theo Tập đoàn Samsung, cứ 400 triệu điện thoại di động của hãng này được bán ra trên toàn cầu thì có tới 120 triệu chiếc được sản xuất tại Bắc Ninh. Tương tự, Nhà máy Intel tại VN mới đây cũng công bố sẽ có tới 80% bộ xử lý CPU cho máy tính để bàn trên toàn cầu được sản xuất tại VN. Ngoài 2 tập đoàn này, sự có mặt của hàng loạt nhà sản xuất ngoại khác như Nokia, Canon, LG, HP, Sanyo... đang biến VN thành “xưởng công nghệ” của thế giới.

Thế nhưng, trong số hàng trăm nhà cung cấp cho Intel hay Samsung tại VN thì số DN trong nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sự tham gia ít ỏi đó ở những phần việc đơn giản nhất, không có giá trị là bao, nên thật sự số tiền VN kiếm được trong con số hàng chục tỉ USD xuất khẩu mỗi năm từ các mặt hàng điện tử là cực kỳ ít ỏi.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM, chua xót nói dù hàng trăm triệu điện thoại di động có mặt ở tất cả các nước trên thế giới mang dòng chữ “Made in Vietnam”, nhưng không hề thấy bóng dáng của VN ở chỗ nào. Ví dụ, hộp đựng điện thoại, sách hướng dẫn sử dụng, sợi dây cáp… đều được nhập khẩu hoàn toàn, dù đây là những sản phẩm không phải thuộc dạng “công nghệ cao khó thực hiện”. Cụ thể với sách hướng dẫn sử dụng, tiêu chí giấy mỏng, dai, không thấm nước, mực in không lem, không độc... DN trong nước có thể đáp ứng được vì nguyên vật liệu cần thiết đều có trên thị trường. Đáng tiếc là chúng ta vẫn không chen chân vào được. “Kim ngạch XK hằng năm của sản phẩm công nghệ thông tin - điện tử đang dẫn đầu nhưng chúng ta chỉ đóng góp nguồn lao động và cho thuê đất để tạo ra những sản phẩm đó”, ông Tuấn nói.

Đáng nói là dù sản phẩm như điện thoại, điện tử của VN được XK khắp năm châu bốn bể nhưng chúng ta mỗi năm cũng nhập khẩu hơn 20 tỉ USD chính các sản phẩm này. Thậm chí, những sản phẩm “Made in Vietnam” sau khi chu du vòng quanh thế giới lại quay về thị trường VN và người tiêu dùng phải chi ra rất nhiều tiền để sở hữu chúng.

Ưu đãi để bị... loại

 

Phải tính từ khâu cấp phép

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nếu không tham gia vào chuỗi giá trị của các DN FDI điện tử thì khả năng trở về con số 0 trong trường hợp tương lai họ không còn chọn VN làm điểm dừng chân rất dễ xảy ra. Vì thế, khi cấp phép cho các dự án về công nghệ cao, phía VN phải mời nhà đầu tư nước ngoài cùng ngồi lại với DN trong nước bàn xem công ty VN làm được gì trong quy trình sản xuất của họ. Có thể bắt đầu từ sản phẩm nhỏ nhất như bao bì, từ đó mới có cơ sở để phát triển sản phẩm hỗ trợ cao hơn.

Nhưng hệ quả của việc đứng ngoài hầu như toàn bộ quy trình sản xuất, lắp ráp điện tử của các DN FDI đang để ngỏ một rủi ro cực lớn cho nền kinh tế trong nước. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, với tình trạng “bao sân” trong sản xuất, lắp ráp và XK điện thoại, điện tử như hiện nay, nếu họ chuyển đi thì nền công nghiệp điện tử VN sẽ trở về con số không. Nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình khi cho rằng, Samsung hay LG có thể chuyển được nhà máy của họ từ Trung Quốc qua VN thì cũng có thể chuyển nhà máy từ VN qua một nước khác, nếu nơi mới có sức cạnh tranh hơn. Khi đó, với nền tảng không vững vàng do không được chuyển giao công nghệ, công nghiệp hỗ trợ yếu kém, tay nghề công nhân không cải thiện, thì “người khổng lồ” XK hàng điện tử sẽ hụt chân và biến mất.

Nhưng chen chân vào chuỗi giá trị của họ có lẽ còn khó hơn. Các "ông lớn" Samsung, Intel, Nokia... - những DN được hưởng những ưu đãi vượt khung về thuế, hạ tầng... đều hùng hồn công bố họ mở cửa với các nhà cung cấp VN, nhưng thực tế không phải như vậy. Đầu tiên phải thừa nhận, ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu kém. Nhưng lý do quan trọng hơn, các nhà đầu tư này khi vào VN đều mang theo các công ty vệ tinh và “ẵm” hết phần việc đáng lẽ là của DN Việt. Đặc biệt, các công ty vệ tinh theo chân các DN này khi vào VN cũng được hưởng ưu đãi nên DN trong nước khó mà cạnh tranh nổi.

Tại hội thảo kết nối Samsung với các công ty VN quan tâm tới công nghiệp hỗ trợ ở Hà Nội gần đây, nhiều DN lo lắng về đầu ra của sản phẩm vì Samsung từ chối ký hợp đồng khung. Theo một DN, thực ra các DN FDI đã chủ ý dành sân chơi cho DN đồng hương của họ chứ không muốn mở cửa cho DN VN. "Không ký hợp đồng, làm sao chúng tôi dám vay hàng trăm tỉ đồng đầu tư dây chuyền sản xuất mà sản phẩm làm ra không bán được?", vị này nói.

Nhiều DN trong nước cũng cho biết, dù các DN FDI đều khẳng định mong muốn có nhà cung cấp trong nước nhưng bản thân họ không có đầy đủ thông tin, như nhà máy đó mỗi năm cần mua các loại sản phẩm gì? Số lượng mỗi loại sản phẩm là bao nhiêu? Chất lượng yêu cầu của sản phẩm gồm những tiêu chí nào? Mức giá phù hợp mà nhà sản xuất có thể thu mua? Nếu chỉ hô hào thì DN trong nước không đủ tự tin để đầu tư sản xuất.

Một số ý kiến còn cho rằng, sở dĩ các DN FDI luôn nhập khẩu linh phụ kiện từ công ty mẹ ở nước ngoài mà không rộng cửa cho DN VN là để dễ dàng chuyển giá.

Với tất cả những lý do này, hiện nay và cả trong tương lai, DN trong nước khó chen chân được vào chuỗi giá trị ngày càng tăng cao của các DN ngoại trong lĩnh vực công nghệ, điện tử trên chính sân nhà. Và thực sự "người khổng lồ" điện tử của VN thực chất chỉ là cái vỏ, từ thương hiệu, công nghệ, lợi nhuận vẫn thuộc hoàn toàn nước mẹ đẻ của các công ty này.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, cần nghiên cứu xem những ưu đãi cho các DN FDI có đem lại lợi ích gì cho VN hay không. "Chứ ưu đãi mà để giết chết DN VN, để tạo ra mặt bằng bất lợi cho DN trong nước thì ưu đãi để làm gì?”, ông Thành nhấn mạnh.

Mai Phương - N.Trần Tâm

 >> ‘Người khổng lồ’ chân đất sét
 >> Người khổng lồ' chân đất sét - Kỳ 2: Dệt may 'lượm' bạc cắc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.