Du lịch vùng lũ

19/10/2014 09:00 GMT+7

Nhiều nông dân ở ĐBSCL đã mở cửa nhà đón khách du lịch theo kiểu... “tình thương mến thương”, một cách tự nhiên rất Nam bộ của mình.

Khách đi dỡ chà, hái điên điển...


Khách du lịch cùng với nông dân đi dỡ chà, chăm lưới - Ảnh: Tiến Trình

Nhiều du khách thích thú khi bước vào đời sống thường ngày của người dân vùng sông nước Cửu Long. Ngược lại, họ cũng đã mang lại ít nhiều đổi thay cuộc sống của những người dân hồn hậu nơi đây.

Biết có khách đến, ông Tám Hổ (Phạm Văn Hổ, nhà ở xã Tân Trung, H.Phú Tân, An Giang) kêu con bơi xuồng đi đón. Nhà ông nằm trên Cồn Dĩa, đang bị nước nhấn chìm. Để đến bến sông, chúng tôi phải len theo bờ rào của một trại nuôi vịt. Chủ trại vịt nhanh nhảu pha cà phê mời khách lạ mà ông cũng chẳng cần biết tên tuổi. Và rồi câu chuyện của ông cũng lặp lại như thường trực trong đầu của người dân vùng nước nổi: lũ năm nay lên ít hay nhiều, dù có lẽ lũ lên bao nhiêu cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến sinh kế của ông.

Nhưng với những người dân quanh đây khì khác. Họ coi lũ là hy vọng sinh kế của cả năm. Sản vật mùa lũ lại tỷ lệ thuận với mực nước dâng, nhất là với những nông dân làm nghề chài lưới. Nước lên cao, nghĩa là có một mùa trúng cá, và ngược lại... Năm nay, sự đợi chờ có kéo dài hơn. Dẫu vậy, nước cũng đủ nhấn chìm nhiều ruộng rẫy...

Nhà Tám Hổ nằm giữa một vùng nước mênh mông. Nếu không có rẫy mía và tán cây nhô khỏi mặt nước, chúng tôi sẽ nghĩ các nhà sàn mọc... giữa sông. Dòng Vàm Nao nổi tiếng, vắt ngang sông Tiền và sông Hậu vốn là nơi được biết đến với nhiều loài cá đặc trưng của Mê Kông. Cũng hiển nhiên mà nơi đây sản sinh nhiều tay chài lưới giỏi. Tám Hổ cũng là tay chài lưới giỏi. Ông sống vui tính, thuận thảo với xóm giềng.


Lội nhổ củ ấu cùng nông dân

Hôm chúng tôi tới nhà Tám Hổ một cách đường đột không hẹn trước. Nhưng hóa ra người bất ngờ lại là chúng tôi. Căn nhà sàn của Tám Hổ lũ lượt khách. Tốp nhổ củ ấu, hái bông điên điển vừa về tới thì tốp khác lại đi dỡ chà, đổ lợp, thăm lưới... Nhà ông trở thành điểm đến của khách xa muốn biết mùa nước nổi thế nào. Ông giao hết xuồng ghe, nhà cửa cho khách và thanh niên xóm giềng. Kể cả anh tài tử ở xóm bên cũng mang đờn qua dạo mấy khúc cho khách tập tành mấy câu vọng cổ. Còn vợ chồng ông lui cui trong bếp làm mấy món mời khách. Tám Hổ bảo xứ ông “bước ra khỏi nhà là không sợ cực ăn”. Dưới nước có cá, trên bờ có rau, cháy bếp một tí là có món lẩu mắm, canh chua cá linh, ốc luộc cơm mẻ, củ ấu chiên nước mắm... đãi khách. Nhưng ông cũng “than” khách tới nhà đông thì vui, nhưng nhiều quá thì... mệt. Mấy hôm trước, ông còn nói với người tổ chức tour là... nên bớt đưa khách tới nhà ông, khiến vị này “mắt tròn mắt dẹt”. Ai đời làm du lịch mà lại mong ít khách? Hỏi chuyện này, ông phì cười: “Thì ngày dăm ba khách vừa vui, vừa tiếp đãi chu đáo, vừa... đỡ mệt”.

 

Chính những nhiệt tình đến “phạch ngực” của những nông dân làm du lịch là điều mà các tour du lịch có dàn dựng chuyên nghiệp cỡ nào cũng không bì được. Bởi không kịch bản nào lột tả hết tính cách, tình cảm của người nông dân Nam bộ

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh An Giang

Một cán bộ địa phương nói không riêng nhà Tám Hổ, nhiều nông dân làm du lịch ở đây cũng vậy. Họ “rứt ruột” đón khách, “tình thương mến thương” hết lòng nên đôi khi không tính toán nhiều đến chuyện thiệt hơn, mà đặt niềm vui lên trước.

Khi đến là khách, khi về thành bạn

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó ban Kinh tế Hội Nông dân tỉnh An Giang, người kết nối khách du lịch với những nông dân ở đây, nói Tám Hổ là một trong số những nông dân được đào tạo kỹ năng làm du lịch, như kỹ năng tiếp khách, kiến thức chế biến thức ăn an toàn vệ sinh, được đầu tư sửa soạn nhà cửa để tiếp đón khách đàng hoàng. Nói thế, nhưng việc chọn lựa những nông dân này không phải chuyện dễ dàng.

6 năm trước, được tài trợ của Hội Nông dân Hà Lan (Angritera) “cùng nông dân làm du lịch bền vững”, thông qua T.Ư Hội Nông dân VN, An Giang là một trong ba tỉnh được chọn để triển khai dự án. Hai xã Mỹ Hòa Hưng và Văn Giáo được chọn mỗi xã 10 dân được đào tạo để làm du lịch nông dân. Anh Tùng nói, tuy mục đích chương trình là xóa đói giảm nghèo, nhưng không phải rót vốn trực tiếp cho người nghèo, mà chọn những gia đình có điều kiện làm du lịch, có nhà rộng đủ để đón khách và đặc biệt là có lối sống tốt, thân thiện vời xóm giềng, đón khách, từ đó tạo thêm công ăn việc làm cho các hộ nghèo xung quanh. “Tuy chọn rất kỹ lưỡng, nhưng cuối cùng cũng có 2 hộ bị loại vì một ông đánh vợ và ông khác... có vợ bé. Phải loại họ, bởi khách tới chơi chẳng may vợ chồng có ghen tuông hay cãi vã thì không đẹp chút nào”, anh Tùng nói.

Quá trình đón khách, có những câu chuyện vui... đỡ không kịp, bởi trong tour không có những “tiết mục” như vậy. Như đợt anh dẫn đoàn khách Tây đến Văn Giáo. Ngay lúc này, nhà ông Chao Kim Sơ Ry hàng xóm có đám cưới. Thấy khách đến chơi, ông mời cả đoàn tham gia nhập tiệc. Ngẫu hứng, họ kéo tay khách ra nhảy lam thol. Khi về, khách cứ tưởng tour này có dựng cả đám cưới hoành tráng như vậy, nên hỏi đi hỏi lại để “lần sau rủ thêm bạn xuống đi... ăn cưới”.

 
Một khách du lịch bắt được cá hô quý hiếm trên sông Vàm Nao - Ảnh: Nguyễn Thanh Tùng

Mới đây ít hôm, có đoàn khách lui tới nhà Tám Hổ. Lúc này, mấy nông dân chống xuồng đi soi ếch, thế là các vị khách cũng tháp tùng theo. Đêm đó ngoài soi được ếch còn bắt được 2 con chuột cống nhum và con cò... về làm mồi nhậu. Ăn nhậu vui quá, khách không chịu về. Tám Hổ cũng vui quá cầm khách ở lại, hát hò, rỉ rả, kề vai bá cổ kể chuyện đời, chuyện cá mắm, chuyện nước lên... đến sáng. “Lúc đến họ là khách du lịch. Lúc về thì họ là bạn bè”, anh Tùng kể và nhìn nhận: “Chính những nhiệt tình đến “phạch ngực” của những nông dân làm du lịch là điều mà các tour du lịch có dàn dựng chuyên nghiệp cỡ nào cũng không bì được. Bởi không kịch bản nào lột tả hết tính cách, tình cảm của người nông dân Nam bộ”.

Nhiều nông dân vùng sông nước rất nhiệt tình dạy khách du lịch kỹ năng chèo xuồng. Nên mới có chuyện khách vừa mới tập chèo, hưng phấn quá thì rủ chị dạy chèo... đua xuồng. “Thích thì chiều”, chị này cũng chèo tới bến với khách. Khổ nhóm nhân viên phục vụ phải tức tốc chạy theo kèm xuồng du khách để đề phòng sự cố”.

Tùng cười: “Vì mình đưa khách bước vào đời sống thật của nông dân, nên đôi khi chủ nhà cũng “quên” khách là khách du lịch. Mà cứ đối xử như bạn hữu vậy”. Cũng vì “bước vào đời sống thật” nên cũng có những tình huống thật đã diễn ra không tính trước. Như một chị nấu ăn ở làng bè Đa Phước đang độc thân, được anh hàng xóm để ý. Vậy là mỗi khi có khách tới, anh này thập thò ngoài cửa coi có ai chọc nghẹo “đằng ấy” hay không. Có lúc, anh chủ động tới làm quen, tay bắt mặt mừng với khách. Khách thấy vui, rủ anh này vào mâm... nhậu. Chén trước chén sau, anh nông dân mới đỏ mặt thú thật là yêu cô đầu bếp, thấy khách tới “toàn những người sang, có học” nên cứ đứng ngồi không yên...

Thêm thu nhập cho nông dân

Nhờ có khách du lịch tới xóm làng mà chị Nén Phương, một thợ làm bánh cà tum ở xã Ô Lâm, được mời ra biểu diễn làm bánh đãi khách. Cuộc sống của chị cũng nhờ đó mà bớt phần nào vất vả. Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, qua tiếp xúc nhiều người mà những nông dân ở đây thêm mở mang hơn. Nông dân không chỉ giới thiệu cuộc sống, ẩm thực mà còn cả những nét đẹp trong tính cách của người Nam bộ”.

Tiến Trình

>> Du lịch loay hoay tìm bản sắc
>> Tour du lịch ra đảo xa hút khách
>> Ngày hội du lịch Việt Hàn
>> TP.HCM chính thức có Sở Du lịch
>> Du lịch Hàn Quốc cùng 'I Am Mother
>> VN vào danh sách 20 nước tốt nhất để du lịch một mình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.