(TNO) Công Phượng có thể sang nước ngoài chơi bóng được không? Thì chẳng phải đã có những tuyển trạch viên Hàn Quốc, Nhật Bản và nghe đâu là cả châu Âu đã nhòm ngó đến Phượng đấy thôi...
>> HLV của đội bóng Úc 'mù tịt' về Công Phượng, Tuấn Anh
>> Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn… bị fan Cần Thơ vây kín
>> Công Phượng, Xuân Trường đủ thể lực vô địch U.21 quốc tế
>> ĐỒ HỌA: So sánh Công Phượng và Công Vinh
|
Nói như "người cha bóng đá" của Phượng - ông bầu Đoàn Nguyên Đức thì ông không thiếu tiền và cũng không muốn xé lẻ Công Phượng khỏi bộ máy U.19, ít nhất ở thời điểm hiện nay. Nhưng theo chúng tôi, ngay cả khi ông muốn thì khả năng Công Phương chơi thành công ở những giải bóng đá hàng đầu châu Á như Nhật Bản hay Hàn Quốc (chứ đừng nói gì tới châu Âu) là rất khó.
Ai cũng hiểu Phượng là một cầu thủ có tố chất kỹ thuật đặc biệt. Đi qua tới 3,4 cầu thủ Úc cao to, khoẻ mạnh hơn mình để ghi một bàn thắng tuyệt đẹp mang lại chiến thắng cho đội nhà ở vòng bảng giải U.19 Đông Nam Á 2014 đâu phải chuyện vừa.
Nhưng thử hỏi, trong cuộc đời bóng đá của mình, Phượng có thể lặp lại bao nhiêu lần những pha bóng tài hoa như thế? Thời gian sẽ trả lời chúng ta, nhưng ít nhất, đến lúc này Phượng vẫn chưa thể lặp lại, dù rất muốn và thực tế là cũng đã rất quyết tâm lặp lại.
Cứ nhìn cái cách Phượng cầm quả bóng cố gắng "ích kỷ" một cách tích cực (những mẫu cầu thủ như Phượng được quyền "ích kỷ") trước vòng vây các cầu thủ Nhật Bản, Trung Quốc ở vòng chung kết U.19 châu Á vừa qua là rõ cả. Và người ta cũng rõ một điều: một khi đã bị đối phương bắt bài thì Phượng không (hoặc chưa) rèn giũa, tu luyện cho mình những bài vở gì mới mẻ.
Nhưng thôi, hãy bỏ yếu tố kỹ thuật - yếu tố mạnh nhất của Công Phượng qua một bên, một trong những đòi hỏi căn bản nhất của một cầu thủ ở những giải bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản hay Hàn Quốc là thể lực, và nếu xét ở yếu tố thể lực thì rõ ràng Công Phượng càng thất thế.
Có một chi tiết về tuổi tiểu sử Công Phượng cần chú ý: Để đủ tiền đưa em tới Pleiku, dự tuyển vào Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, bố mẹ Phượng đã phải bán đi phần lớn gia tài mình khi ấy là 4 tạ thóc và hai con lợn. Nó cho thấy Phượng là một cậu bé nhà nghèo.
Một cậu bé với 6,7 năm đầu đời sống trong cảnh nghèo khó như vậy chắc chắn sẽ không được cung cấp đầy đủ những thứ khoáng chất cần thiết để tạo nên một nền tảng thể lực dày dặn nay mai. Trao đổi với chúng tôi, rất nhiều những nhà dinh dưỡng thể thao khẳng định thể lực của một VĐV ảnh hưởng quan trọng bởi việc trong khoảng 10 năm đầu đời, VĐV ấy đã được cung cấp và chăm bẵm một hàm lượng dinh dưỡng như thế nào.
Đây có lẽ không chỉ là tình trạng của riêng một mình Công Phượng, mà là tình trạng chung của những cậu bé nhà nghèo theo đuổi giấc mơ bóng đá ở một khu vực đang phát triển như Đông Nam Á, và đấy là lý do sâu xa vì sao rất ít các cầu thủ Đông Nam Á có thể chơi bóng đĩnh đạc ở châu Âu.
Từ Fandi Amad, Kiatisak và bây giờ là Dangda...đã và đang có không ít cầu thủ Đông Nam Á ra châu Âu đầu quân, nhưng cũng chỉ thường xuyên mài đũng quần trên ghế dự bị.
Trở lại với trường hợp của Công Phượng, có thể nói "xuất phát điểm" và hoàn cảnh gia đình chính là rào cản lớn nhất để những cầu thủ như Phượng có một nền tảng thể lực đủ dày dặn, đủ sức chơi bóng ở những giải chuyên nghiệp đỉnh cao nước ngoài.
Nghe đâu thời gian tới sẽ có một chuyên gia thể lực người Pháp đến làm việc với Phượng và các đồng đội. Vậy thì hy vọng rằng chuyên gia này sẽ cải thiện được một phần nào đó những thiệt thòi mang tính cố hữu mà những cậu bé như Phượng đã trải qua.
Phan Đăng
Bình luận (0)