>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 7: Kiến trúc sư Tây Ban Nha thiết kế áo dài Việt
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 6: Đạo diễn - diễn viên Mỹ và cuộc tình cùng cô gái Việt
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 5: Nhà thiết kế Bỉ mê thổ cẩm Cơ Tu
|
Nhà có 2 cô dâu Việt
Trong lời cảm ơn ở đầu cuốn The scorching sun of Egypt: Sunrise, J.A.Kruisselbrink viết về mẹ, về người biên tập tên Peter, nhất là người vợ đã cảm thông để chồng dành nhiều thời gian tìm hiểu về Ai Cập cổ đại mà anh “ưa thích hơn những thứ khác”. Tác giả đó có tên đầy đủ là Jonathan Amir Kruisselbrink, tức John, 37 tuổi. Cô vợ là Nguyễn Thị Tuyết Nga, nhỏ hơn chồng 5 tuổi.
John đón chúng tôi tại nhà riêng ở một khu khá tĩnh lặng trên đường Trần Nhật Duật, P.Cẩm Châu (TP.Hội An, Quảng Nam). Có tiếng trẻ con khóc, lát sau cậu nhóc 14 tháng tuổi Kruisselbrink Nguyễn Tim chập chững đi ra. Tim là “thành quả” của cuộc tình đẹp và bất ngờ.
Năm 2004, từ quê nhà ở Gelderland cách thủ đô Amsterdam 150 km, John sang Hội An du lịch. Gặp cô nhân viên nhà hàng Nguyệt Cầm do kém ngoại ngữ nên kè kè bên mình cuốn sách hướng dẫn giao tiếp, anh bèn giúp đỡ và trở thành người thầy đầu tiên của Nga.
Trong vòng 3 năm, họ chuyển tình thầy trò sang tình trai gái, rồi cưới. Quãng thời gian này, John bỏ việc ở Hà Lan sang VN làm quản lý quan hệ khách hàng ở một số khách sạn và dạy kèm tiếng Anh. “Ban đầu, John xúi em theo về Hà Lan. Nhưng em không thích đi, bảo nếu vậy thì anh hãy tìm người con gái khác. Cuối cùng, John chịu ở lại”, Nga kể.
Nhưng David, em John, thì “mạnh mẽ” hơn khi rước về Hà Lan một cô dâu Việt. Nhân chuyến sang dự đám cưới anh trai, David để ý cô gái quê Quảng Ngãi đang làm việc tại khách sạn Vĩnh Hưng. Nụ hôn bất ngờ lúc chia tay của chàng trai lém lỉnh trước rất đông nhân viên khách sạn khiến Mạc Thảo Mị xấu hổ bật khóc. Ba tháng sau, đi thăm anh trai, David quay lại Hội An tìm Mị. Hơn 1 năm sau nữa họ cưới. “Tất cả đều là sự tình cờ anh à. Bây giờ thì đại gia đình ngày nào cũng “gặp” nhau qua mạng Skype”, Nga đúc kết.
Từ chối tiền đô, lượm lặt tiền Việt
Làm rể 7 năm, John vẫn chưa rành giọng nói quê vợ. John khiến cả Nga và chúng tôi cười bò khi cố dùng tiếng Việt để mô tả công việc trước đây, rắc rối chỉ chấm dứt khi anh lật từ điển Anh - Việt. John từng làm ở một nhà kho của công ty rượu, nhưng anh lại phát âm thế nào thành ra… nhà cổ. “Lâu nay anh ấy nói tiếng Việt mà mọi người đớ lưỡi theo luôn”, Nga ngồi bên cạnh trách yêu chồng.
Chúng tôi chỉ có chừng 2 giờ đồng hồ trò chuyện vì lịch dạy kèm tiếng Anh của John kín mít. Mỗi tuần anh đứng lớp tổng cộng 24 tiết, mỗi tiết 90 phút, từ 8 giờ sáng kéo dài đến 20 giờ 30 và chỉ nghỉ ngày chủ nhật. Lớp học là phòng khách gia đình, rộng chừng 16 m2. Học trò đủ lứa tuổi, có học sinh, sinh viên lẫn nhân viên quản lý nhà hàng - khách sạn… Có bữa “lớp học” chật cứng, nhưng lắm lúc chỉ 1 - 2 người. Tính toán chi li, John thu học phí chưa đầy 9 triệu đồng mỗi tháng.
John cố chấp đến lì lợm. Từ năm 18 tuổi anh đã tự kiếm tiền đi du lịch, 2 lần tìm đến Ai Cập để thỏa niềm đam mê nghiên cứu. Sang VN, “cày” nhiều việc cùng lúc, giờ thì anh bỏ hẳn việc ở khách sạn và chịu khó dạy từng tiết để nuôi sống gia đình và tranh thủ viết sách. John vừa được mời quay lại làm giám đốc quan hệ khách hàng với mức lương hơn 1.000 USD/tháng. Nhưng cái lắc đầu từ chối của chồng khiến Nga kinh ngạc. Bởi sau khi nhảy việc nhiều chỗ, giờ Nga đang ở nhà chăm con nhỏ, mọi thu nhập trông cả vào John, nên thấy bảng lương cả nghìn đô do đối tác đưa ra mà ham. Kể cả khi vợ rủ rê nên lập công ty du lịch riêng, John từ chối theo kiểu “ừ, thấy thích thì cứ làm, còn đây chỉ dạy học và viết sách”. Biết tính chồng, Nga đành chiều theo...
Chúng tôi phải trả lại phòng khách cho John làm “lớp học” vì ca dạy buổi chiều đã đến. Hôm ấy chỉ có 1 học trò, lại là học trò lớn tuổi nhất vừa nghỉ việc tại công ty gỗ. Ông Trần Hai, 50 tuổi, từ bên kia đường cầm theo cuốn vở đi bộ sang. “Mới học được một bữa chớ mấy mà đã ghi bảy, tám trang”, ông Hai nói vui. Thật thú vị khi nhìn cảnh thầy trẻ - trò già lui cui viết từng từ mới rồi “chỉnh” nhau về cách phát âm. John tiễn khách bằng lời nhắn rằng mình không có kế hoạch để... rời Hội An: “Tôi cũng rất nhớ cha nhớ mẹ, nhớ những món ăn ở Hà Lan, nhưng tất cả phụ thuộc vào vợ và con trai Tim. Bây giờ mà quay lại Hà Lan thì tôi nhớ VN biết chừng nào!”.
The scorching sun of Egypt dự kiến dày tổng cộng hơn 1.000 trang được J.A.Kruisselbrink khởi thảo phần 1 (Sunrise) từ năm 2010, viết trong 3 năm và xuất bản hồi tháng 12.2012 tại Mỹ. Phần 2 (Zenith) viết 7 tháng, thêm 4 tháng hiệu chỉnh, xuất bản tháng 12.2013. Cả 2 phần đều do USA Charleston, SC ấn hành. Riêng phần 3 The scorching sun of Egypt: Sunset hiện mới viết được một nửa. Điều thú vị là viết được trang nào, John đều chuyển email sang Hà Lan để mẹ giúp kiểm tra nội dung, sau đó mới hoàn chỉnh và đàm phán ký hợp đồng với nhà xuất bản. |
Hứa Xuyên Huỳnh
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 4: Kiếm tiền, mua nhà để đưa ba mẹ sang VN sống
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 3: Mê bún chả, đến Hà Nội làm DJ
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN - Kỳ 2: Ca sĩ Anh sáng tác ca khúc về Sài Gòn
>> Nghệ sĩ ngoại mưu sinh tại VN: Chàng MC Ba Lan biết hát quan họ và ngâm thơ
>> Nghệ sĩ ngoại trên sân khấu showbiz Việt
>> Nghệ sĩ ngoại "máu lửa" ở bar Việt
Bình luận (0)