Trạm xá Việt-Lào

22/10/2014 10:01 GMT+7

Bên kia dòng Sê Pôn, chen giữa những nóc nhà sàn của nước bạn Lào có một trạm xá mới góp sức đẩy lùi “ma bệnh” cho những người dân sống vùng biên giới nước triệu voi...

Trạm xá Việt-Lào
Có trạm xá mới cán bộ y tế tại trạm xá cụm bản Ka Túp- Mi Yên thuận tiện hơn nhiều - Ảnh: N.P

Những cơn mưa “đỏng đảnh” nơi miền biên viễn Lao Bảo (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) không thể ngăn chúng tôi vượt sông Sê Pôn sang cụm bản Ka Túp-Mi Yên (H.Sê Pôn, tỉnh Savanakhet, Lào). Đặt chân lên bản Ka Tup, cảnh vật cũng không khác mấy ở những bản làng vùng cao Quảng Trị. Cũng những nóc nhà sàn đơn sơ, giản gị, cũng những gương mặt người chất phác, hiền từ, chỉ khác nhau mỗi tiếng nói. Thiếu úy Hoàng Ngọc Sang, cán bộ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo nói rằng: “Cư dân 2 bên biên giới Việt-Lào hết sức gần gũi. Dù mang 2 quốc tịch, dù sống ở phần đất của 2 quốc gia nhưng có khi dân bản 2 bên bờ Sê Pôn lại cùng một họ, bà con ruột thịt với nhau là chuyện thường...”. Không may cho chúng tôi hôm ấy Teng On, Cụm trưởng cụm bản cũng là người sỏi tiếng Việt nhất đi vắng nên mấy cán bộ cấp dưới của ông chỉ chào hỏi bằng tiếng Việt, sau đó thì tuôn một tràng tiếng Lào. Mất chừng 30 phút, một “phiên dịch viên” bất đắc dĩ tên Manivong mới xuất hiện để chấm dứt tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”.

Dù chỉ là thường dân nhưng hiểu biết của Manivong không tệ. Anh bảo, cụm bản Ka Túp-Mi Yên có 6 bản riêng lẻ với chừng 700 hộ dân sinh sống. Bà con chủ yếu sống bằng nương rẫy và trao đổi sản vật nông nghiệp với nhau hoặc đưa qua biên giới VN. Cũng theo Manivong, từ bao đời nay, người dân cụm bản này không mấy khi được chăm sóc sức khỏe. Phần vì nằm ở quá xa tỉnh lỵ (hơn 200km) phần vì trạm xá cũ quá nhỏ, xập xệ, không đáp ứng nhu cầu. “Nhưng từ khi có trạm xá mới thì khác rồi. Trạm to và đẹp, thiết bị y tế cũng đầy đủ. Bà còn mừng lắm...”, Manivong tâm sự. Nói đoạn, Manivong dẫn chúng tôi lên trung tâm của bản, nơi có công trình trạm xá mới tinh rồi chỉ vào tấm biển được khắc trước cổng, đọc: “Công trình nhà trạm xá do Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo tặng”.

“Quý lắm món quà của bộ đội VN”

Sulian, bác sĩ duy nhất của trạm xá này đã thốt lên như vậy ngay khi gặp chúng tôi. “Có trạm xá mới thì điều kiện chăm sóc bệnh nhân tốt hơn rất nhiều. Không còn cảnh chen chúc nhau như ngày xưa nữa”, Sulian tấm tắc. Cũng theo Sulian, hiện trạm có 4 cán bộ, ngoài anh ta còn thêm 3 y tá. Hiện nay, mỗi tuần, trạm xá đón khoảng trên dưới 20 lượt người đến khám và chữa bệnh. Có 5 giường bệnh cũng luôn sẵn sàng cho bệnh nhân phải điều trị nội trú. Còn 2 cô y tá Xư Vilayphon và Chăn Xi, những người phải đi “bắt ma bệnh” cách nhà hơn 200km góp chuyện rằng: “Dạo trước khi chưa có trạm xá mới, chúng tôi không có chỗ để ở, phải ở tạm trong nhà dân. Nay thì khác rồi, có nơi nghỉ, tắm rửa, nấu ăn... Có như vậy mới chuyên tâm lo cho các bệnh nhân được chứ”. Trao đổi với chúng tôi, thiếu tá Lê Quang Nguyên, Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cho hay thực hiện chương trình biên giới của 2 nước, 2 tỉnh, cán bộ chiến sĩ trong đơn vị luôn có nhiều hoạt động thiết thực để gắn kết tình cảm nhân dân biên giới. “Riêng việc xây trạm xá bắt nguồn từ ý tưởng của đồng chí Trần Tuấn Anh, Đồn trưởng, sau đó báo cáo lên trên và được Bộ Quốc phòng, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh đồng ý. Sau khi triển khai, bà con phía bạn đã rất ủng hộ, động viên...”, thiếu tá Nguyên nói.

Cũng theo thiếu tá Nguyên, sau khi bàn giao trạm xá, đơn vị thường xuyên phối hợp với lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng tỉnh sang tập huấn nghiệp vụ cũng như khám, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân nước bạn.

>> Tặng trạm xá cho đồng bào vùng cao

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.