|
Những ngày đầu đột phá
Tận mắt chứng kiến khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, thịnh vượng ngày hôm nay, ít ai ngờ rằng chỉ 20 năm trước, nơi đây còn là một vùng đất chua, mặn, hoang sơ, mang trên mình một hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, chưa có hệ thống giao thông dù là sơ đẳng, ai muốn đến đây phải đi bằng ghe thuyền. Vùng đất phía nam TP.HCM sau bao năm ngủ yên trong nỗi cơ cực, nhọc nhằn nay đã thay da đổi thịt. Sức sống của Nhà Bè xưa đã khởi sắc, sự đói nghèo lùi dần nhường bước cho một cuộc sống sung túc.
Chính sự thành hình của đô thị Phú Mỹ Hưng là một bước đột phá quan trọng tạo nên sự thay đổi ngoạn mục đó. Gắn liền với khu đô thị Nam Sài Gòn là đại lộ Nguyễn Văn Linh. Dài 17,8 km, đại lộ hiện đại này được xây dựng hoàn toàn mới băng qua vùng đất đầm lầy của huyện Nhà Bè, Q.7, Q.8 và huyện Bình Chánh. Đến nay, đây là tuyến giao thông huyết mạch trung chuyển hàng hóa từ TP.HCM đến các tỉnh ĐBSCL và ngược lại, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu Nam nói riêng và TP.HCM nói chung. Đơn vị thực hiện những bước đi chiến lược từ tầm nhìn xa rộng của UBND TP.HCM không ai khác chính là Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Được hình thành từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1989), khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng và đại lộ Nguyễn Văn Linh chưa phải là thành tích đầu tiên của IPC mà dự án thành công từ những ngày đầu của IPC chính là khu chế xuất Tân Thuận. Đây là dự án đầu tiên của IPC khởi động chương trình “Phát triển thành phố tiến ra biển Đông” và cũng là tiền đề cho sự xuất hiện hàng loạt khu chế xuất và khu công nghiệp trên cả nước. Đây là khu chế xuất đầu tiên của VN đạt tiêu chuẩn quốc tế và từng được xếp hạng là khu chế xuất tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các dự án liên tiếp sau đó là khu công nghiệp Hiệp Phước (năm 2007, 2 giai đoạn với quy mô 932 ha), khu công nghiệp Long Hậu (năm 2006, quy mô 141,85 ha), cảng container trung tâm Sài Gòn (năm 2006, công suất 1,5 triệu TEU/năm)…
Các dự án này bắt nguồn từ các chương trình nghiên cứu đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần vào sự mở rộng không gian và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Sứ mạng “Tiến ra biển Đông”
Các dự án phát triển của IPC luôn là những dự án mang tính đột phá, tiên phong, tạo ra những tiền đề về cơ chế, chính sách mới, những mô hình mới cho sự phát triển kinh tế. Ông Phạm Xuân Bình - Tổng giám đốc IPC cho biết: “Trong những năm và vài thập niên tới, IPC sẽ là đơn vị nòng cốt để hướng tới việc hình thành khu kinh tế đặc biệt của TP. Cùng với đường vành đai 3 Bến Lức - TP.HCM - Long Thành đi qua 2 sông Soài Rạp và Lòng Tàu, đã được Chính phủ triển khai dự kiến hoàn thành vào năm 2018, TP.HCM cũng xúc tiến đề án nạo vét luồng Soài Rạp - 12,5 m nhằm đưa tàu 70.000 tấn ra vào cảng Sài Gòn trên vùng hạ lưu Hiệp Phước, đây sẽ là những điều kiện điều kiện hết sức thuận lợi cho sự phát triển của vùng đất phía nam TP”.
Các công trình ưu tiên nhằm kết nối hạ tầng đồng bộ về đường bộ và đường thủy đến với khu công nghiệp, khu logistic, khu cảng hạ lưu Sài Gòn và khu đô thị Hiệp Phước (còn gọi là khu đô thị Sài Gòn) trên diện tích 3.600 ha cũng đã được TP.HCM phê duyệt quy hoạch hoàn chỉnh.
Với dự án này, IPC hướng tới xây dựng một khu đô thị ven cảng quốc tế quy mô lớn, gắn với khu công nghiệp tập trung, đa ngành, hiện đại, đầy đủ tiện nghi và cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường sống chất lượng cao, tiếp tục khẳng định vai trò tổ chức quy hoạch, xây dựng hạ tầng và thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đến đầu tư theo một định hướng xuyên suốt là phát triển TP.HCM tiến ra biển Đông.
Minh Khang
Bình luận (0)