|
Đây là phương pháp có tên gọi là Tâm thế Việt, do Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện các kỹ năng cá nhân và xây dựng văn hóa tổ chức Tâm Việt đưa ra để chữa tự kỷ ở trẻ. Phương pháp này được thực hiện trên lý thuyết về tâm trí con người, mà theo đó ý thức chỉ chiếm 10% năng lực của con người trong khi tiềm thức lại chiếm đến 90%.
Ông Phan Quốc Việt, Giám đốc trung tâm cho rằng trẻ tự kỷ không có thế mạnh về ngôn ngữ hay toán học, nhưng nhiều bé lại có thế mạnh về sự vận động. Cách mà ông Việt làm là cho trẻ thấy mình được tôn trọng, được yêu thương, được thể hiện thoải mái thế mạnh, từ đó hạn chế những hành động tiêu cực.
Trong đoạn phim là hình ảnh cậu bé Khôi Nguyên (sống tại Hà Nội) đã mắc chứng tự kỷ 12 năm, được một nhóm khoảng 20 người cùng hướng dẫn nhiều bài tập về cơ thể, tham gia nhiều trò chơi khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là hành động Khôi Nguyên để lên đầu một cái chai và đi qua đống thủy tinh vỡ khiến nhiều người thót tim.
Đã có nhiều ý kiến không đồng tình với cách huấn luyện ấy. Nói như bạn Mai Thương (bình luận trên Facebook): “Bản thân Khôi Nguyên trước đây cũng đã có dấu hiệu phát triển rất khá do được can thiệp tích cực rồi mà. Đau lòng với những đứa trẻ sinh ra đã không được may mắn nhưng lại bị vô số kẻ tìm đủ mọi cách để trục lợi”.
“Tôi không nghiên cứu gì cả”
Bình luận về việc cho trẻ tự kỷ đi trên thủy tinh vỡ, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm, người sáng lập trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí, đồng thời là phụ huynh của 2 trẻ tự kỷ, nhận định: “Đó là một hành động nguy hiểm. Đối với trẻ tự kỷ luôn luôn sợ hãi, thì cho trẻ hành động như thế càng làm trẻ hoảng loạn. Đối với dạng không sợ hãi, liều lĩnh, không nhận thức được hiểm nguy, thì việc này chẳng có tác dụng nào cả. Trên thực tế, phương pháp Tâm thế Việt này không có gì mới. Việc cường điệu quá nó lên khi nó chưa được chứng minh là phổ quát sẽ rất nguy hiểm. Hơn nữa, tất cả các phương pháp có cơ sở khoa học của nước ngoài mà tôi áp dụng cho học trò, thì điều cơ bản của các phương pháp này đều là yêu thương, tôn trọng trẻ và kích thích sự phát triển ngôn ngữ và thế mạnh của mỗi người”.
Điều đáng nói, những kỹ năng này trước đó đã được áp dụng với rất nhiều đối tượng khác nhau chứ không phải chỉ dành riêng cho trẻ tự kỷ. Trong đó, việc đi trên thủy tinh vỡ, nhảy lên con lăn… đều đã được ông Việt khuyến khích thực hiện để giúp người học chiến thắng nỗi sợ hãi cố hữu của bản thân.
Ông Việt thừa nhận: “Ai cũng có thể sử dụng Tâm thế Việt được. Trước khi giúp bé Khôi Nguyên, tôi không nghiên cứu gì về tự kỷ cả. Thực chất ai cũng có sức mạnh và năng lượng, quan trọng là ta tìm ra được để giải phóng, giúp con người cân bằng, ắt sẽ tự khỏi bệnh. Phụ huynh nào cần giúp thì tôi giúp, tôi sẽ dạy những kỹ năng sống này để cho trẻ hòa đồng vào xã hội bằng những vận động tích cực”.
Rất nhiều ý kiến bình luận trên Facebook cho rằng phải lên tiếng để VTV1 cẩn thận hơn cho những phóng sự sau này.
Bình luận “Đến giờ cũng chưa biết phương pháp này là gì và không đồng tình đây là cách “chữa bệnh tự kỷ”, vì tự kỷ không phải là bệnh. Tôi là một trong những người ở bên cạnh bé Khôi Nguyên suốt thời gian bé đến trung tâm để tham gia phương pháp. Sau một thời gian thì Khôi Nguyên có thay đổi, ý thức được việc ăn mặc, đã hiểu được người khác nói gì và làm theo. Tuy nhiên, đều phải có người ra mệnh lệnh và giúp đỡ. Nếu Khôi Nguyên một mình thì bé sẽ trở lại như trước”. (Bà Nguyễn Đình Hương Lan, Nguyên Phó tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện các kỹ năng cá nhân và xây dựng văn hóa tổ chức) “Lý thuyết 90% vô thức và 10% tiềm thức ở trên là sự tóm tắt không chính xác về tâm trí con người và không liên quan gì đến các nguyên tắc can thiệp cho trẻ tự kỷ. Đoạn phim đã cung cấp cho người xem sự hiểu biết sai lạc cả về phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ lẫn những tác động của giáo dục kỹ năng sống. Đội chai và đi trên mảnh chai chỉ là những kỹ xảo mang tính trình diễn tạo sức thu hút trẻ em chứ không phải kỹ thuật giáo dục bằng sự tôn trọng, lắng nghe và quan tâm”. (Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phó giám đốc chuyên môn, Trung tâm Rồng Việt - Bà Rịa-Vũng Tàu) “Với tự kỷ, cha mẹ cần phải đích thân vào cuộc. Nếu chỉ mong tìm được thầy nào mà gửi thì không ổn đâu. Và chuyên gia hiểu biết thật sự về tự kỷ không bao giờ huyên thuyên về triển vọng, hay phát kiến mới này nọ như thế này đâu!”.(Mai Tran/Facebook) |
Mỹ Quyên
>> Trẻ tự kỷ cần môi trường hòa nhập
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây: Công an tiếp nhận bằng chứng để điều tra
>> Trẻ tự kỷ bỗng thành… 'thần đồng
>> Thấu hiểu trẻ tự kỷ
Bình luận (0)