Những di tích kỳ bí - Kỳ 19: Bí ẩn núi Tam Tòa

27/10/2014 05:20 GMT+7

Núi Tam Tòa (P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn, Bình Định) có nhiều di tích nhưng ít người biết đến như đền thờ Uy Minh vương, tường lũy cổ bằng đá và nhiều câu chuyện hoang đường về sự linh thiêng.

 Tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi Tam Tòa - Ảnh: Hoàng Trọng
Tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi Tam Tòa - Ảnh: Hoàng Trọng

Tường lũy phòng thủ bờ biển

Tường lũy trên đỉnh núi Tam Tòa được xây dựng bằng những viên đá xếp chồng lên nhau, điểm bắt đầu từ tượng đài Trần Hưng Đạo (ở khu vực Hải Minh, P.Hải Cảng), dài khoảng 10 km. Qua thời gian, lũy đá này bị hư hỏng nhiều đoạn, nằm lẩn khuất trong bụi rậm, những đoạn lộ thiên còn nguyên vẹn có chiều cao từ 0,6 - 1,2 m, bề mặt rộng gần 1 m.

Theo TS Đinh Bá Hòa, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, chính sử triều Nguyễn có nhắc đến chuyện năm 1840 vua Minh Mạng cho xây dựng pháo đài Hổ Cơ (có sách viết là Hổ Ky) ở cửa biển Thị Nại, nên có thể tường lũy trên núi Tam Tòa có từ thời gian này trở về trước. Pháo đài Hổ Cơ xây hình tròn, tường bằng đá, đặt nhiều súng thần công. Gần đó là cột cờ, kho thuốc súng và một trại lính. Đối diện pháo đài Hổ Cơ, bên kia đầm Thị Nại, triều Nguyễn cũng xây dựng một đồn nhỏ tại Bãi Nhạn (ngày nay nằm gần khu vực cảng Quy Nhơn) để khống chế, giám sát được toàn bộ tàu thuyền ra vào cửa biển Thị Nại.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng lũy đá này có thể được xây dựng từ các triều đại trước nhà Nguyễn. Thời Tây Sơn, Thị Nại vừa là thương cảng vừa là quân cảng, có vị trí chiến lược quan trọng nên phải xây dựng hệ thống đồn lũy, pháo đài án ngữ cửa biển, đặt nhiều súng đại bác để ngăn không cho thuyền quân giặc ngoài biển tiến vào kinh thành Hoàng Đế.

Trong sách Đại Nam nhất thống chí cũng có nhắc đến chi tiết năm 1800, hai vị tướng nhà Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng đem quân đánh chiếm lại thành Hoàng Đế đã bị quân Nguyễn chiếm đóng (từ năm 1799). Tướng Võ Văn Dũng dùng 3 thuyền lớn và hơn trăm thuyền chắn ngang cửa biển, lại lập đồn, đặt đại bác ở Bãi Nhạn và núi Tam Tòa để đánh nhau với quân Nguyễn.

 Bệ con cóc trước cổng di tích núi Tam Tòa - Ảnh: Hoàng Trọng
Bệ con cóc trước cổng di tích núi Tam Tòa - Ảnh: Hoàng Trọng

Tượng đài Trần Hưng Đạo đặt ở đầu tường lũy cổ này, do Hội thánh Trần Bình Định xây dựng vào năm 1972 và được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích vào năm 2007. Tượng tạc Trần Hưng Đạo trong tư thế chỉ huy trên thuyền rồng ở trận Bạch Đằng giang, với trang phục áo giáp, mũ sắt, chân trái đứng trụ, chân phải gác lên mạn thuyền, tay trái chạm kiếm, tay phải chỉ thẳng về phía trước.

Dấu vết đền cổ ngàn năm

Dưới chân núi Tam Tòa còn có phế tích đền thờ cổ nằm trong làng chài Hải Minh được cho là nơi thờ Uy Minh vương Lý Nhật Quang. Hiện di tích này còn lại một cổng tam quan, phía sau cổng còn có dấu vết tường xây bằng vôi và đá ong, gạch... Trước cổng có một bệ thờ hình con cóc rất lạ nhưng chưa được các cơ quan chức năng nghiên cứu, giải mã.

Theo cụ Nguyễn Đông (82 tuổi, ở làng Hải Minh), người dân địa phương không rõ điện thờ Tam Tòa được xây dựng từ khi nào, thường hay gọi đó là Dinh Bà và tổ chức thờ cúng thường xuyên. “Từ xưa đến giờ, khu vực Dinh Bà là nơi linh thiêng, ít người dám mạo phạm, lui tới, nhất là ban đêm. Cùng thời với tôi, hồi còn nhỏ, có người lén phóng uế lên ông cóc này rồi về nhà bị đau, thuốc thang mãi không hết. Gia đình hỏi mới biết là ông ta gây chuyện mạo phạm tại Dinh Bà nên sắm lễ vật cầu xin và sau đó cũng khỏi bệnh”, cụ Đông kể lại một giai thoại nhuốm màu tâm linh.

Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có chi tiết tháng 11.1041, vua Lý Thái Tông ban chiếu cho Uy Minh hầu là Nhật Quang (con thứ 8 của Lý Thái Tổ) làm Tri châu Nghệ An. Tháng 8.1044, sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về đến Nghệ An, vua Lý Thái Tông phong Nhật Quang làm Uy Minh vương. Khi Uy Minh vương mất, dân lập đền thờ ở xã Bạch Đường, H.Nam Đàn, Nghệ An. Theo Đại Nam nhất thống chí, Uy Minh vương từng có công giúp vua Chiêm Thành dẹp nội loạn, khi ông về lại Đại Việt, người Chiêm Thành nhớ công đức bèn lập đền thờ ở núi Tam Tòa... Năm 1470, vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở cửa biển Thị Nại, cầu đảo thường được ứng nghiệm. Sau khi hạ được thành Đồ Bàn, vua phong cho Uy Minh vương làm Thần núi Tam Tòa.

"Di tích núi Tam Tòa được Bộ VH-TT công nhận Di tích lịch sử vào năm 1988. Tuy nhiên, đền thờ Uy Minh vương có từ thời Chiêm Thành đã mất dấu tích kiến trúc, nền móng còn lại là do nhiều thế hệ người Việt đã trùng tu, sửa chữa. Việc phục dựng lại đền thờ này rất khó, cần có nhiều nghiên cứu kỹ hơn”, TS Đinh Bá Hòa cho biết.

Ngôi mộ cổ bằng đá

Theo cụ Nguyễn Đông, trên đỉnh núi Tam Tòa còn có ngôi mộ cổ xây dựng bằng đá rất lớn và lưu truyền nhiều câu chuyện hoang đường về huyệt mộ này. Con cháu của chủ nhân ngôi mộ sinh sống ở Quy Nhơn vẫn thường xuyên đến cúng tế và có nhiều người đã thành đạt.

Theo chỉ dẫn của cụ Đông, chúng tôi tìm gặp con cháu của chủ nhân ngôi mộ nói trên là ông Ngô Kim Khánh (ở đường Vũ Bão, TP.Quy Nhơn) thì được biết đấy là mộ cụ Ngô San (1853 - 1908), sinh sống ở H.Tuy Phước, Bình Định. Ông Khánh là cháu 5 đời của cụ San. Sinh thời, cụ San giàu có, nhiều ruộng, trâu bò và có cả 2 con voi.

Khi cụ San mất, con cháu đưa cụ đi an táng trên đỉnh núi Tam Tòa bằng voi. Khi đó, mộ chỉ đắp bằng đất nhưng do những người dân sinh sống ở bán đảo Phương Mai mỗi lần đi ngang qua mộ đều đắp thêm lên vài hòn đá nên mộ ngày một lớn dần.

Hoàng Trọng

>> Kỳ bí hang Trời Gầm
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 18: Chùa Hang và những truyền thuyết tâm linh
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 17: Hổ trắng và đôi rắn khổng lồ ở thành Thọ An
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 16: Chuyện kỳ lạ ở chùa Thình Thình
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 15: Kho báu bị yểm bùa ở Lý Sơn
>> Những di tích kỳ bí - Kỳ 14: Giếng trời ở chùa Hang Lý Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.