Sáng nay, theo thường lệ, trước khi vào tiết dạy, tôi thường hỏi sinh viên xem điều gì các em quan tâm nhất trong ngày qua? Có lẽ vì học ngành du lịch nên các em liền trả lời ngay là “việc công an phường Phạm Ngũ Lão quận 1 phát tờ rơi cho du khách nước ngoài cảnh báo các tệ nạn của thành phố”.
|
“Các em nghĩ sao về việc này?”. Lập tức cả lớp ồn ào, chia thành 3 nhóm khá rạch ròi. Số đông kịch liệt lên án, phản ứng gay gắt, thậm chí nặng lời. Số ít hơn thì bênh vực, khen ngợi thái độ dũng cảm, dám nhìn thẳng thực tế. Bên nào cũng cực đoan bảo vệ quan điểm của mình. Nhóm trung dung, thiểu số, thì bảo việc làm nào cũng có 2 mặt tốt và xấu.
Các em cũng chất vấn tôi về việc này. “Tôi cũng chỉ là một cá nhân như các bạn”. “Nhưng là cá nhân trong cuộc và từng trải”. Không thể dông dài phân tích, tôi hẹn các em sẽ trả lời qua Báo Thanh Niên để các em rộng đường tham khảo. Với tư cách là người trong ngành du lịch, tôi cám ơn các em đã nhiệt thành bày tỏ quan điểm, thể hiện sự quan tâm tích cực. Tôi không tán thành mấy ý kiến nặng nề cho rằng việc cảnh báo tiêu cực là sỉ nhục hay bôi đen xã hội. Cần phải công bằng và có cái nhìn thấu đáo hơn. Việc cảnh báo cho du khách biết các tệ nạn để phòng tránh là ý tưởng tốt của công an phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM, với tiếng Anh khá chuẩn. Cảnh báo là cần thiết. Vấn đề đặt ra là ai cảnh báo? Cảnh báo cho những ai? Và quan trọng nhất là nội dung cảnh báo.
Thử đặt trường hợp mình là du khách, đến xứ sở được xem là thân thiện với “Những vẻ đẹp tiềm ẩn” mà nhận ngay bảng cảnh báo lạnh lùng này thì họ sẽ nghĩ gì? Rút ngắn chuyến du lịch, qua nước khác an toàn hơn? Lỡ mua tour thì hạn chế ra đường, bởi tệ nạn đang “thập diện mai phục” khắp chốn. Tâm trí đâu để thoải mái thưởng ngoạn bản sắc Việt?
Nếu việc làm này được "sinh sản vô tính", liệu sẽ có cảnh báo kẹt xe và tai nạn giao thông. Rồi vệ sinh thực phẩm và môi trường. Rồi bác sĩ tiêm nhầm thuốc và dân nghiện ma túy chờ đợi khắp nơi… Tại sao chỉ cảnh báo cho người nước ngoài? Bọn trấn lột, cướp giật sẽ không phân biệt quốc tịch đâu. Cứ như tệ nạn thế giới dồn về Việt Nam vậy.
Trong số hơn 7,4 triệu khách quốc tế vào Việt Nam; số nạn nhân của các tệ nạn trong cảnh báo chưa thể vượt 1%. Nhưng đọc cảnh báo cứ nghĩ tỉ lệ đã quá 20%, không thể kiểm soát mới phải đánh động cho khách tự bảo vệ. Dĩ nhiên phải nỗ lực không mệt mỏi để kéo tỉ lệ tệ nạn với du khách xuống 0,2 - 0,3% như các nước phát triển. Tôi cũng không nghĩ rằng đó là cách thoái thác nhiệm vụ, đẩy trách nhiệm tự bảo vệ cho du khách như có người lên án. Cũng không nên quy lập trường để xử lý kỷ luật nặng nề. Không khéo, chẳng ai dám chủ động thay đổi, đề xuất cái mới, cứ chờ cấp trên chỉ đạo cho chắc cú. Có gì đổ cho tập thể, mình chỉ thừa hành.
Ý tưởng tốt nhưng cách làm không phù hợp sẽ phản tác dụng thậm chí vô tình phá hoại. Tệ nạn xã hội nước nào cũng có, kể cả Mỹ, Pháp, Ý… Nhiều nước, mặt này mặt khác còn kém hơn Việt Nam nhưng không ai phát tờ rơi như vậy. Đó không phải là nhiệm vụ của ngành công an mà là của ngành du lịch, của các công ty lữ hành, các khách sạn, điểm tham quan. Và nội dung nhắc nhở phải nhẹ nhàng, phù hợp và đầy đủ để phòng ngừa. Không che giấu thực tế nhưng cũng không nói quá làm khách hoảng. Điều nguy hiểm là tờ cảnh báo không ghi đơn vị cảnh báo, nếu không nói trước, cứ tưởng truyền đơn nặc danh của kẻ xấu. Càng vô lý khi cảnh báo phòng chống mà không hướng dẫn cách giải quyết khi gặp tai nạn. Phải có cơ quan xử lý với số điện thoại nóng 24/24 mỗi ngày.
Điều cần rút kinh nghiệm cho các cơ quan nhà nước là bất cứ việc gì liên quan đến cộng đồng thì người dân nhất thiết phải được tham vấn. Túi khôn của nhân loại là từ dân mà ra. Chỉ cần công an ngồi lại với các công ty lữ hành là có ngay giải pháp phù hợp. Việc phải làm là dừng ngay chuyện công an phát tờ rơi thì đã làm. Việc tiếp theo là phối hợp với dân, dựa vào dân để tăng cường giám sát kiểm tra. Lắp đặt thêm camera tại các trọng điểm. Tăng hình phạt các tệ nạn trực tiếp và giao trách nhiệm cho chính quyền sở tại. Nếu tệ nạn lĩnh vực nào cứ qui trách nhiệm cụ thể, nếu cứ tiếp diễn thì kiên quyết thay lãnh đạo và chính quyền tại chỗ. Chuyện không quá khó, vấn đề là có muốn làm và có dám làm triệt để hay không.
Bên cạnh đó, phải siết lại chính sách thị thực, lập “black list” để hạn chế các nước có truyền thống sang Việt Nam quậy phá, chứ không thể mở cửa xả láng như hiện nay. Bất cứ việc gì cũng phải hợp lực và thuận lòng dân mới đạt kết quả.
Nguyễn Văn Mỹ (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM
>> Phát tờ rơi cảnh báo cướp giật: ‘Chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở du khách cẩn thận
>> Không lẽ cứ giấu cái xấu trong cặp?
Bình luận (0)