|
Nếu tính cả 3 giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn, khoảng 18,7 tỉ USD. Theo UBKT, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao, đồng thời dự án sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn thì chưa bảo đảm tính khả thi. Mặt khác, nếu khả năng vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ.
UBKT đánh giá báo cáo đầu tư đã dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được. Thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như: vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ... UBKT đề nghị, trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, cần làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng CHKQT Long Thành.
UBKT cũng đề nghị cần làm rõ về tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của nhà nước, khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là việc đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công; tác động của dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và phát triển của ngành hàng không VN; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình QH xem xét, quyết định.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước QH tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án CHKQT Long Thành. Theo tờ trình, việc đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành là cần thiết để đáp ứng hình thành và phát triển một CHKQT trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực, phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không VN. Dự án đồng thời cũng để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi CHKQT Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải. Phân kỳ đầu tư toàn bộ dự án sân bay Long Thành dự kiến chia thành 3 giai đoạn. Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỉ USD (tương đương 164.589 tỉ đồng); trong đó vốn nhà nước (vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA...) là 84.624 tỉ đồng, vốn huy động khu vực ngoài nhà nước (vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kết, hợp tác công tư (PPP) là 79.965 tỉ đồng. Dự án sẽ huy động vốn các phương án huy động từ nguồn vốn ODA (từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á hoặc từ Nhật Bản, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc) và nguồn vốn thông qua các dự án PPP, BOT.
Bộ trưởng Thăng cũng cho biết hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ sẵn sàng hợp tác đầu tư vào các hạng mục của dự án dưới nhiều hình thức khác nhau như PPP, BOT... như Tập đoàn ADPi của Pháp, các Tập đoàn Samsung, Công ty cảng hàng không Incheon của Hàn Quốc, các tập đoàn của Nhật Bản... Bên cạnh đó là nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân thông qua việc tiến hành cổ phần hóa Tổng công ty cảng hàng không VN, vốn đầu tư từ các hãng hàng không và các nhà đầu tư tư nhân...
Trường Sơn
>> Dự án sân bay Long Thành để chậm sẽ lỡ cơ hội phát triển
>> Chính phủ đề xuất huy động 47.859 tỉ đồng vốn ODA xây dựng sân bay Long Thành
>> Quốc hội sẽ nghe báo cáo thẩm tra về dự án sân bay Long Thành
>> Dự án sân bay Long Thành cần thiết nhưng chưa cấp thiết
>> Bộ GTVT nhầm tên nhà đầu tư 2 tỉ USD cho sân bay Long Thành vì ‘lỗi in ấn’
Bình luận (0)