>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 4: Thành công không được ca tụng
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 3: Khi tự do bị chối bỏ
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 2: Thành quả diệu kỳ của bản Hiến pháp tự do
>> Nợ công trong vòng xoáy lịch sử - Kỳ 1: Lời cảnh báo của Thomas Jefferson
|
Đó là điều không ai có thể chối cãi. Nhưng cần biết, quá trình này lần đầu tiên diễn ra ở nước Anh thời Thủ tướng Margaret Thatcher, với tên gọi “tư nhân hóa”.
Thủ tướng Winston Churchill, một nhân vật kiệt xuất của lịch sử nước Anh, vị anh hùng trong Đại chiến 2 và là người theo chủ nghĩa tự do, thất bại trong cuộc bầu cử diễn ra ngay trước khi Đại chiến 2 kết thúc. Có lẽ người dân Anh lại lo sợ tình hình suy thoái kinh tế và nạn thất nghiệp có thể diễn ra như những năm 1929 - 1930, nên họ chọn Công đảng, là đảng hứa hẹn cho họ việc làm, nhà cửa, công bằng xã hội và mức sống tốt hơn so với thời tiền chiến. Clement Atlee, lãnh tụ của đảng này lên làm Thủ tướng.
Chính phủ Atlee đã triển khai một cương lĩnh xã hội chủ nghĩa (*) được vận động từ trước. Một cuộc quốc hữu hóa quy mô lớn nhằm chinh phục “những đỉnh cao chỉ huy”, bao gồm ngành than, luyện kim, đường, sắt, các ngành phục vụ công cộng và viễn thông quốc tế… (riêng lĩnh vực năng lượng, công ty Dầu khí Anh quốc đã được Churchill, khi còn là Bộ trưởng Hải quân, quốc hữu hóa để bảo đảm nguồn cung cấp dầu cho Hải quân trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất). Một loạt các “Tổng công ty Nhà nước” ra đời, đầu tiên là hãng BBC (tồn tại cho tới ngày nay), không phải chỉ đóng “vai trò chủ đạo” mà thống trị nền kinh tế. Một loạt các chương trình xã hội cũng được thiết lập, bao gồm hệ thống y tế miễn phí, hệ thống bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, cải thiện hệ thống giáo dục và nhà ở… Nhà nước phúc lợi đầu tiên trên thế giới ra đời từ đây, “làm gương” cho nhiều nước châu Âu noi theo sau đó.
Thành tựu lớn nhất của hệ thống kinh tế này là thất nghiệp giảm từ 2 con số vào những năm 30 xuống chỉ còn 1,3% vào cuối những năm 1940, khoảng 20% lực lượng lao động toàn quốc đã có việc làm trong các ngành được quốc hữu hóa. Các thập niên 50 - 60 là thời kỳ vàng son của nhà nước phúc lợi ở Anh cũng như châu Âu.
|
Nhưng bước vào những năm 1970, kinh tế Anh bắt đầu suy thoái, nền kinh tế bộc lộ những vấn đề trầm trọng không lối thoát, nếu tiếp tục duy trì hệ thống cũ. Vào năm 1975, theo Daniel Yergin và Joseph Stanislaw, tác giả của cuốn The commanding Heights: The Battle for the World Economy (Những đỉnh cao chỉ huy: Cuộc chiến vì nền kinh tế thế giới) (**), “trong thực tế quốc gia này hầu như sắp tan vỡ”. Lạm phát ở mức 24% và các nghiệp đoàn vừa mới hạ bệ Thủ tướng Edward Heath (năm 1974). Các cuộc bãi công liên miên đã bóp nghẹt nền kinh tế và làm nước Anh không thể cựa nổi mình. Thuế thu nhập cao, lên tới 98%, làm tiêu tan động cơ làm việc. Trong một hội nghị thường niên của Công đảng, James Callaghan, Thủ tướng Anh (1976 - 1979) đã phát biểu: “Chúng ta đã và đang sống trong thời kỳ vay mượn. Cái thế giới ngọt ngào mà người ta nói với chúng ta là sẽ tồn tại mãi mãi, nơi mà việc làm đầy đủ được bảo đảm bởi một nét phẩy bút của Thủ tướng…, cái thế giới dễ chịu ấy đã qua rồi”.
Năm 1979, bà Thatcher lên làm thủ tướng. Một cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra trên chính trường nước Anh. Ngay sau khi nhậm chức thủ tướng, bà tuyên bố: “Chúng ta không nên mong chờ nhà nước xuất hiện dưới cái vỏ của một bà tiên tốt bụng trong các lễ rửa tội, một người bạn ba hoa suốt mọi nẻo đường của cuộc sống, và một người khóc thuê vô danh trong các lễ tang”.
Bà gọi Nhà nước Anh lúc đó là “Nhà nước vú em” và bà kiên quyết thay đổi nó. Các biện pháp quản lý theo trường phái Keynes bị hủy bỏ trong các văn bản tài chính của Chính phủ, thay vào đó là các biện pháp của trường phái kinh tế tự do của Hayek và Friedman. Những khoản cắt giảm khổng lồ và gây nhiều tranh cãi trong chi tiêu của chính phủ được thực hiện đã làm đảo lộn xu hướng trong gần bốn thập niên. Tất nhiên kết quả trực tiếp không phải là sự phục hồi kinh tế mà còn tồi tệ hơn, thất nghiệp và lạm phát tiếp tục gia tăng, bà biết rõ điều đó. Bà cũng biết điều này làm giảm sút nghiêm trọng sự tin cậy của dân chúng đối với bà và chính phủ của bà. Thực tế đúng như vậy, tỷ lệ ủng hộ bà trong các cuộc thăm dò đã giảm xuống chỉ còn 23%, là tỷ lệ ủng hộ thấp nhất đối với một thủ tướng kể từ khi có các cuộc thăm dò dư luận.
Là một thủ tướng, nhưng bà thuộc về thiểu số, thiểu số ngay cả trong chính phủ. Những lời chỉ trích gay gắt nhất đến từ chính Nội các của bà. Một bộ trưởng của bà cảnh báo: “Chủ nghĩa kinh tế tự do của Giáo sư Hayek, do sự khắc nghiệt và không tạo được tinh thần cộng đồng, sẽ không bảo vệ mà là đe dọa tự do chính trị”. Trước sức ép từ dân chúng và sức ép từ chính nội các của mình, bà vẫn không nhượng bộ. Người phụ nữ này không phải là loại chính khách thỏa hiệp để duy trì địa vị và kiếm phiếu bầu. Bà nói: “Ồ, vâng, tôi biết, gần đây chúng ta được không dưới 365 nhà kinh tế học hàn lâm cho biết rằng những điều này là không thể, rằng hoạt động kinh doanh của nước Anh đang phải chịu số phận bi đát. Sự tự tin về tính chính xác trong dự đoán của họ khiến tôi phải nín thở. Nhưng do tôi đã lớn lên trong một cửa hàng kinh doanh, tôi đôi khi tự hỏi liệu họ có dám đặt cược bằng tiền của chính họ cho những dự đoán đó không”.
|
Một sự kiện bất ngờ xảy ra vào ngày 2.4.1982, khi Argentina đem quân chiếm quần đảo Falklands ở Nam Đại Tây dương do người Anh thống trị 149 năm và lúc đó có khoảng 2.000 người Anh sống ở đó. Bất chấp mạo hiểm, Thatcher đã đưa hạm đội đến lấy lại quần đảo. Chiến thắng này cộng với những dấu hiệu hồi phục kinh tế đã làm thay đổi cục diện chính trị trong nước. Bà đã thắng một lần nữa trong cuộc tổng tuyển cử năm 1983.
Sau tổng tuyển cử, bà lại đối đầu với một cuộc biểu tình lớn chưa từng thấy của các công nhân mỏ sau khi bà cho đóng cửa hàng loạt mỏ than để cắt giảm thâm hụt ngân sách, vì ngành than (được quốc hữu hóa năm 1947) đang thua lỗ với số tiền mà chính phủ phải trợ cấp mỗi năm lên tới mức khủng khiếp, 1,3 tỉ USD. 10 năm trước, nghiệp đoàn ngành than quốc gia đã làm Thủ tướng Edward Heath bay chức, để lại nỗi ám ảnh cho các chính khách, rằng nghiệp đoàn này có thể dựng lên hay hạ bệ một chính phủ. Nhưng bà vẫn kiên định không thỏa hiệp, không thể tiếp tục kéo dài việc dùng tiền thuế của dân và tiền vay nợ để bao cấp cho sự thua lỗ của doanh nghiệp nhà nước. Sự cứng rắn không khoan nhượng của Thatcher cuối cùng cũng khiến các công nhân phải đầu hàng sau cuộc biểu tình kéo dài hơn 1 năm. Sau thắng lợi này Chính phủ Thatcher bước vào trận chiến chính yếu nhất: Tư nhân hóa nền kinh tế.
Ở Anh cho đến đầu những năm 1970 thậm chí “kinh tế thị trường” vẫn còn là một cụm từ nhạy cảm, nhiều khi các chính trị gia theo khuynh hướng tự do cũng ngại dùng. Bởi vậy tư nhân hóa nền kinh tế thực sự là một cuộc cách mạng. Vấn đề là nó không có tiền lệ, “chẳng có một hồ sơ lưu trữ nào để lôi ra cả”, song điều đó không cản trở được bước tiến
Chương trình tư nhân hóa diễn ra với quy mô ngày càng lớn trong 3 nhiệm kỳ thủ tướng của bà và đương đầu với rất nhiều chửi rủa, trì kéo và đối phó, nhưng những “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế Anh, từ viễn thông, dầu khí, hàng không, than, thép, điện lực… cho đến các ngành dịch vụ công cộng, tất cả có tới 46 Tổng công ty nhà nước lớn đã được tư nhân hóa. Đa số những Tổng công ty này, từ chỗ là những thủ phạm làm kiệt quệ ngân sách nhà nước - một ví dụ điển hình là Công ty Thép (British Steel) chỉ trong khoảng thời gian từ giữa những năm 1970 đến giữa những năm 1980 đã thua lỗ hơn 10 tỉ đô la, đã biến thành nguồn thu thuế chủ yếu cho ngân sách quốc gia, chưa kể hàng chục tỷ đô la mà Nhà nước thu về một lần khi tư nhân hóa. Bà Thatcher đã làm hồi sinh nước Anh và tạo cảm hứng cho toàn thế giới.
Ở nước ta, dù thích hay không thích bà Thatcher, nhưng những thành tựu mà chúng ta đạt được sau gần 30 năm đổi mới, không thể nói là không chịu ảnh hưởng, dù là ảnh hưởng gián tiếp, của một xu thế không thể đảo ngược của thời đại, khởi nguồn từ hành động của người đàn bà thép này. (Còn tiếp)
Hoàng Hải Vân
>> Kiểm soát chặt nợ công, kéo giảm nợ xấu
>> Thông cáo báo chí của phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 10.2014 về nợ công
>> Bộ trưởng Bộ Tài chính: 'Nợ công tiến sát giới hạn cho phép
>> Cơ chế ‘xin - cho’, nguồn gốc của núi nợ công
>> Cục nợ công
(*) Theo trường phái Fabian, một học thuyết ra đời từ cối thế kỷ 19, không phải theo học thuyết của Mác.
(**) Bản tiếng Việt, NXB Tri thức, 2008. Những đoạn trích được lấy từ sách này.
Bình luận (0)