Ngư dân trắng tay vì trộm

07/11/2014 09:00 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn các huyện ven biển Cà Mau liên tục xảy ra các vụ trộm cắp ngư lưới cụ, khiến nhiều ngư dân trắng tay.


 Tàu của ngư dân Khánh Hội neo đậu sát nhau để phòng bị trộm - Ảnh: Phương Ân

Anh Lê Văn Bình (42 tuổi, ngụ ấp Sào Lưới A, xã Khánh Bình Tây Bắc, H.Trần Văn Thời), cho biết để mua hơn 9.000 con ốc bẩy mực, anh đi vay mượn khắp nơi được 45 triệu đồng, chưa thu hồi vốn đã bị trộm lấy hết. “Ban đầu, chúng lấy khoảng 400 vỏ, cứ tưởng chúng thương tình tha cho gia đình tôi. Ai ngờ, ngày hôm sau, chúng gom sạch số còn lại”, anh Bình bức xúc nói.

Cùng cảnh ngộ với anh Bình, ông Nguyễn Hoàng Phương cũng bị trộm mất 6.000 con ốc bẩy mực trị giá 30 triệu đồng. Trong khi đó, anh Trương Văn Linh (ngụ ấp Kim Quy B, xã Vân Khánh, H.An Minh, Kiên Giang), kể: “Tôi từng phát hiện bọn trộm lấy 69 cái lú bát quái loại 29 vành trị giá hơn 20 triệu đồng. Thấy chúng trộm ngay trước mắt nhưng mình không đuổi bắt kịp”.

Gặp gì lấy nấy

Thời gian qua, bọn trộm sau khi ra biển thường “gặp gì lấy nấy”, nhưng chủ yếu là lú bát quái, ốc bẩy mực. Mỗi cái lú có giá khoảng 300.000 đồng, loại này rất dễ lấy vì ngư dân phải giăng hàng dài nối đuôi nhau, chỉ cần cắt dây là có thể kéo đi hết nguyên giàn. Mỗi cái lú bọn chúng bán lại với giá từ 100.000 - 200.000 đồng. Để phòng ngừa trộm, nhiều ngư dân đã tổ chức canh giữ nhưng “giữ đầu này thì chúng cắt đầu kia”. Còn vỏ ốc bẩy mực, sau khi gia công có giá từ 15.000 - 18.000 đồng (tùy theo kích cỡ) nhưng trộm lấy đi bán lại với giá rất bèo.

Kể lại chuyện bị mất trộm hàng trăm lít dầu chỉ trong một đêm với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đỡ (chủ tàu Tấn Vinh, ngụ ấp 3, xã Khánh Hội, H.U Minh) như vẫn chưa tin đó là sự thật vì chúng ra tay quá nhanh. Theo lời ông Đỡ, ngày 27.9, sau khi kết thúc chuyến biển, ông cho tàu đậu trước nhà. Do bận nhiều việc, đêm đó ông không ngủ trên tàu. Đến sáng hôm sau, ông phát hiện phuy dầu khoảng 500 lít, tương đương hơn 10 triệu đồng không cánh mà bay. Đáng nói là chỉ 2 ngày sau đó, bọn trộm lại tiếp tục hút trộm hàng trăm lít dầu trên tàu của anh Nguyễn Văn Thành khi neo đậu ở ấp 3. “Tính đâu bọn trộm chỉ ra tay vào lúc gần sáng nên khi tàu vào bến, tôi đi lên. Đến khoảng 9 giờ tối xuống kiểm tra thì 2 phuy dầu bị bọn chúng hút gần sạch, dầu loang còn vương vãi khắp nơi trên tàu”, anh Thành kể trong bức xúc.

Tăng cường cảnh giác

Ông Huỳnh Hoàng Tương, quyền Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết thời gian qua, lực lượng chức năng của xã đã phối hợp với bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm trấn áp các loại tội phạm chuyên hoạt động trên biển. “Tuy nhiên, bà con ngư dân cần tăng cường cảnh giác, đề phòng để bảo vệ tốt hơn tài sản của mình”, ông Tương khuyến cáo.

Thiếu tá Nguyễn Khắc Điệp, Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (Công an H.U Minh), nhìn nhận tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến khá phức tạp. Một số đối tượng lợi dụng sự thiếu cảnh giác của ngư dân thường xuyên xin đểu dầu, trộm ngư cụ. Ban Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau nhiều lần chỉ đạo Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội kết hợp lực lượng công an các huyện tổ chức tuần tra, kiểm soát, truy bắt các đối tượng trộm cắp trên tuyến biển nhưng bọn chúng vẫn hết sức ngoan cố. “Bọn chúng rất ranh ma và sử dụng xuồng máy có công suất lớn để làm phương tiện đi trộm cắp. Chúng tôi từng phối hợp lực lượng biên phòng phục kích bắt quả tang các đối tượng đang lấy trộm ngư cụ của người dân. Sau hơn một giờ rượt đuổi trên biển bọn chúng đã bị khống chế. Nhưng một đối tượng nhanh tay gom tang vật quăng xuống biển để phi tang”, thiếu tá Điệp kể.

Theo đại tá Lê Công Trường, Trưởng công an H.U Minh, sau chuyên án bắt hơn chục tên trộm ngư cụ trên biển vừa qua thì tình hình trộm cắp trên biển đã tạm lắng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý “bà con cần cảnh giác vì bọn trộm có thể lại ra tay bất cứ lúc nào”.

Đội tự quản an ninh trên tàu cá

Ông Diệp Thanh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề cá tỉnh Cà Mau, nói: “Ngư dân bị mất phương tiện hành nghề thì còn gì khổ bằng, nhiều gia đình phải mang nợ. Chúng tôi đã phản ánh đến các ngành chức năng vào cuộc truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng trộm cắp ngư cụ. Mặt khác, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng củng cố lực lượng dân quân, xây dựng các đội tự quản an ninh - trật tự trên bờ, trên từng tàu cá, góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ an ninh trật tự và tài sản của ngư dân”.

Trộm chuối hoành hành ở Đồng Nai

Khoảng 3 năm trở lại đây, người trồng chuối ở đồi Sóc Lu (xã Quang Trung, H.Thống Nhất, Đồng Nai) khốn khổ với nạn trộm chuối. Chỉ tính riêng địa bàn xã Quang Trung, đồi Sóc Lu rộng khoảng 1.000 ha với chuối là loại cây độc tôn. Nhờ chuối ra trái quanh năm và có giá cao (người nông dân thu lợi khoảng

100 triệu đồng/ha/năm) cộng với khu vực này có địa hình đồi đá, hiểm trở, ít người trông coi nên trở thành “miếng mồi ngon” của bọn trộm cắp.

Ông Nguyễn Minh Châu, người có 3 ha chuối trên đồi Sóc Lu, bức xúc: “Nếu tính những lần bị trộm từ 10 buồng trở lên, nhà tôi dính phải hơn 20 lần. Mới đây, vào đầu tháng 10.2014, bọn trộm lấy mất của tôi hơn 30 buồng, thiệt hại gần 2 triệu đồng. Bây giờ thấy buồng nào hơi già già là tôi chặt ngay, về bán giá thấp còn hơn để trộm nó lấy”. Hầu như người trồng chuối nào ở Sóc Lu cũng bị mất trộm, hộ ít thì vài tạ, hộ nhiều đến cả tấn. Cá biệt, trường hợp rẫy của ông Trịnh Công Thành (rộng 3 ha) có tháng bị trộm "thu hoạch" gần hết cả vườn, để lại cho chủ hộ vài chục ký.

Ông Mai Văn Túy, Phó trưởng công an xã Quang Trung, cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trộm chuối rộ lên là do con đường liên huyện chạy băng qua đồi Sóc Lu được mở rộng, nâng cấp. Chuối trồng san sát ngay mặt đường, thuận tiện cho bọn trộm ra tay cũng như tẩu thoát”.  

Lê Lâm

Phương Ân

>> Cứu 13 ngư dân bị đâm chìm tàu
>> Tiếp thêm động lực cho con em ngư dân
>> Chia sẻ gánh nặng của ngư dân
>> Cứu tàu cá bị hỏng máy cùng 34 ngư dân
>> Trao 30 triệu đồng giúp ngư dân gặp nạn trên biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.